TP.HCM triển khai gói hỗ trợ toàn diện cho cán bộ, lao động dôi dư sau sáp nhập
Để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động dôi dư sau sáp nhập, UBND thành phố đã có nhiều chính sách thiết thực như giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, vay vốn ưu đãi và hỗ trợ nhà ở xã hội, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Chiều 10/7, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM, bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM đã thông tin về thị trường lao động TP.HCM sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM.
Theo bà Hằng, trong nửa đầu năm 2025, thị trường lao động tại TP.HCM có nhiều điểm sáng. TP.HCM ghi nhận 96.795 trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm đến 20,65% (tương đương 25.205 người) so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, tỷ lệ hồ sơ thất nghiệp giảm cho thấy một bước tiến tích cực trong việc ổn định việc làm cho người dân.
Thêm vào đó, ý thức chủ động nâng cao tay nghề của người lao động cũng được thể hiện rõ nét với 3.523 người được hỗ trợ đào tạo nghề, tăng 5% so với cùng kỳ. Điều này phản ánh sự chuyển hướng tích cực của người lao động, từ việc chỉ nhận trợ cấp sang chủ động học nghề để nâng cao giá trị bản thân và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.
Không chỉ nguồn cung được cải thiện, phía cầu lao động cũng cho thấy sự sôi động. Nhu cầu tuyển dụng tại TP.HCM (mới), Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) có nhiều chuyển biến tích cực, tập trung vào các ngành thâm dụng lao động như bán hàng, marketing, may mặc, giày da, gỗ, cơ khí và lắp ráp điện tử. Các Trung tâm Dịch vụ việc làm dự báo trong quý III/2025, các doanh nghiệp sẽ cần tuyển khoảng 85.000 - 90.000 lao động.

TP.HCM triển khai đề án toàn diện hỗ trợ cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập (Ảnh minh họa).
Dù vậy, một thách thức đặt ra là cơ cấu lao động vẫn còn chênh lệch, khi có đến 58% nhu cầu là lao động phổ thông, tập trung vào các ngành dệt may, da giày, lắp ráp giản đơn.
"Sự gia nhập của lực lượng lao động từ các khu vực mới sáp nhập đã tạo ra nguồn nhân lực dồi dào, nhưng cũng có thể dẫn đến sự mất cân bằng tạm thời về kỹ năng. Quá trình chuyển tiếp này đòi hỏi sự kết nối chặt chẽ hơn để kỹ năng của người lao động bắt kịp yêu cầu mới từ thị trường", bà Hằng nói.
Với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”, Sở Nội vụ đã và đang tham mưu UBND thành phố triển khai hàng loạt giải pháp nhằm kết nối cung - cầu và ổn định thị trường. Trong đó, các sàn giao dịch việc làm định kỳ cả trực tiếp và trực tuyến được đẩy mạnh, hướng đến các đối tượng thất nghiệp, lao động bị ảnh hưởng bởi sắp xếp bộ máy và sinh viên mới ra trường.
Đặc biệt, để hỗ trợ lực lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động dôi dư sau sắp xếp, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3232/QĐ-UBND. Đây là một đề án toàn diện với các chính sách cụ thể.
Bao gồm: Hỗ trợ giới thiệu việc làm gắn với định hướng nghề nghiệp mới; Hỗ trợ đào tạo nghề để chuyển đổi công việc; Hỗ trợ vay vốn ưu đãi để tạo việc làm; Chính sách ưu tiên mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Theo bà Hằng, những giải pháp này không chỉ giải quyết vấn đề việc làm trước mắt mà còn tạo nền tảng an sinh xã hội bền vững, giúp người lao động yên tâm trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng của thành phố.