Năm 2024: Phấn đấu tăng trưởng kinh tế từ 8-8,5%
Tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa X đã thông qua 22 nghị quyết quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2024.
Đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết bằng ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng
Theo đó, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024. Theo tinh thần nghị quyết, trong năm 2024, UBND tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng trên nền tảng năng lực nội sinh, chuyển đổi số và hợp tác quốc tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ; tăng cường thu hút đầu tư toàn xã hội, hợp tác công - tư phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị - dịch vụ làm tiền đề xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.
Cụ thể, về chỉ tiêu phát triển KT-XH chủ yếu năm 2024, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8-8,5%; tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông - lâm nghiệp - thủy sản và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm trong cơ cấu kinh tế tương ứng đạt 65,95% - 24,35% - 2,51% - 7,19%; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 8,7%; GRDP bình quân đầu người khoảng 185,5 triệu đồng/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng 9-10%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 71.600 tỷ đồng...
Đồng thời, tỉnh chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội ngang tầm với phát triển kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06, xây dựng thành phố thông minh, vùng đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Dương; tăng cường quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế...
Ban hành nhiều chính sách hỗ trợ
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng đã thông qua các nghị quyết về chế độ, chính sách đặc thù. Cụ thể, nghị quyết về chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) ngành y tế quy định chế độ hỗ trợ Thầy thuốc Nhân dân 1.080.000/người/tháng, kể cả Thầy thuốc Nhân dân đã nghỉ hưu; Thầy thuốc Ưu tú 720.000/ người/tháng, kể cả Thầy thuốc Ưu tú đã nghỉ hưu; hỗ trợ tiền trang phục chuyên môn y tế 300.000 đồng/người/năm; hỗ trợ bác sĩ đã nghỉ hưu do yêu cầu công tác và căn cứ vào năng lực được hợp đồng làm việc tại các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn 8.000.000 đồng/người/ tháng; hỗ trợ CBCCVC ngành y tế nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) hàng năm 500.000 đồng/người; trợ cấp nhân viên y tế khu phố, ấp hàng tháng 500.000 đồng/ người/tháng; hỗ trợ công chức có chuyên môn y tế làm việc tại Sở Y tế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Phòng Y tế các huyện, thị, thành phố 2.000.000 đồng/ người/tháng. Viên chức không có chuyên môn y tế đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế, các đơn vị được phép chi hỗ trợ tối đa không quá 1.500.000 đồng/ người/tháng.
Cùng với đó là nghị quyết về mức hỗ trợ đối với người làm việc tại bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh quy định đối tượng được hưởng mức hỗ trợ là CBCCVC và người lao động được cử làm việc tại bộ phận một cửa các cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Mức hỗ trợ là 2.000.000 đồng/tháng và mức hỗ trợ đồng phục 5.000.000 đồng/người/năm. Ngoài CBCCVC làm việc tại bộ phận một cửa theo quy định, nghị quyết bổ sung thêm một đối tượng đặc thù là “người lao động” (người đang thực hiện hợp đồng lao động tham gia hỗ trợ cùng CBCCVC).
Đối với chế độ hỗ trợ cho các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, theo nghị quyết của HĐND tỉnh, mức hỗ trợ thường xuyên là 60.000 đồng/ thành viên/tháng và hỗ trợ ngày công làm việc 150.000 đồng/người/ngày...
Đặc biệt, tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (đoạn qua tỉnh Bình Dương) theo phương thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, tuyến cao tốc có tổng chiều dài khoảng 45,747km, điểm đầu tại đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh thuộc địa phận TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương; điểm cuối tại ranh giới tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước (Km52 + 247 theo lý trình dự án). Quy mô đầu tư là đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/h; là công trình giao thông, cấp I. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 17.408,39 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2023-2027...