Năm 2024 sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung một số luật về quy hoạch

Sáng 7-8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì làm việc với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì làm việc

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì làm việc

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Tài chính - Ngân sách là 3 cơ quan có khối lượng công việc rất lớn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, vừa thẩm tra, hoàn thiện các dự án luật trình Quốc hội thông qua, vừa chủ trì tiến hành các giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), giám sát các lĩnh vực phụ trách, cùng với các cơ quan của Chính phủ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thu chi ngân sách nhà nước, thúc đẩy các lĩnh vực môi trường, khoa học, công nghệ...

Bên cạnh đó, các ủy ban cũng đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ đột xuất, phát sinh được Quốc hội, UBTVQH giao nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển; thẩm tra, tham mưu đóng góp ý kiến đối với các đề án, báo cáo do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương giao cho Đảng Đoàn Quốc hội.

 Quang cảnh cuộc làm việc

Quang cảnh cuộc làm việc

Chủ tịch Quốc hội đề nghị thường trực các ủy ban tập trung đánh giá những việc đã làm được, những hạn chế, tồn tại trong thực hiện chương trình hành động của Đảng Đoàn Quốc hội, chương trình xây dựng luật, pháp luật; nêu rõ những đề xuất, kiến nghị để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ủy ban cũng như của Quốc hội trong thời gian tới.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ủy ban Kinh tế đã chủ trì thẩm tra, trình Quốc hội thông qua 11 luật và 1 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, trong đó có nhiều dự án luật quan trọng, như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản…

Với quy trình chặt chẽ, thu thập thông tin, lấy ý kiến nhiều chiều, các báo cáo thẩm tra của Ủy ban đã đề cập, phân tích và đánh giá toàn diện, khách quan, sâu sắc và có tính phản biện cao về nhiều vấn đề của dự án luật, nghị quyết được Quốc hội, UBTVQH tán thành, ủng hộ và đánh giá cao. “Năm 2024, Ủy ban Kinh tế đã và sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung một số luật, như dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch”, ông Thanh cho biết.

Đối với Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Mạnh thông tin, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2025 đến nay, sau hơn 3 năm với 7 kỳ họp và 6 kỳ họp bất thường, trong bối cảnh chung của Quốc hội đổi mới mạnh mẽ, khối lượng công việc của Ủy ban Tài chính - Ngân sách là khá lớn. Khối lượng các nội dung tham mưu phục vụ về xây dựng pháp luật, giám sát, thẩm tra các vấn đề quan trọng của đất nước đều tăng so với các nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, Ủy ban đã nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công.

 Đại biểu dự cuộc làm việc

Đại biểu dự cuộc làm việc

Về lập pháp, Ủy ban đã chủ trì thẩm tra, trình Quốc hội 3 dự án luật; thẩm tra đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các ủy ban khác của Quốc hội thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao đối với trên 74 nội dung.

Về các hoạt động liên quan đến ngân sách nhà nước, hàng năm, Ủy ban đã chủ trì thẩm tra, báo cáo UBTVQH, Quốc hội xem xét, quyết định, ban hành nghị quyết về các nội dung dự toán và phân bổ, điều chỉnh, bổ sung ngân sách nhà nước (NSNN), kế hoạch đầu tư công trung hạn; chủ trì thẩm tra, phát hành báo cáo, văn bản đối với 77 nội dung trình Quốc hội và UBTVQH.

“Các báo cáo thẩm tra, phối hợp thẩm tra được chuẩn bị kỹ, thể hiện chính kiến, cung cấp thông tin, số liệu về quản lý, điều hành NSNN; thẳng thắn chỉ rõ những bất cập trong quản lý thu, chi NSNN, những bất cập trong quản lý, điều hành NSNN, đưa ra những đề xuất hợp lý giúp các đại biểu Quốc hội có căn cứ thảo luận, thông qua các nghị quyết của Quốc hội”, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh nhận xét.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban đã xây dựng 9 báo cáo, tham gia góp ý 7 đề án trình Bộ Chính trị; triển khai xây dựng 18 kế hoạch/chương trình hành động của Đảng Đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; xây dựng 13 báo cáo sơ kết, tổng kết thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng; thực hiện 12 nhiệm vụ giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong chương trình hành động của Đảng Đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; giám sát và xây dựng 4 báo cáo chuyên đề báo cáo lãnh đạo Quốc hội…

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nam-2024-se-tap-trung-sua-doi-bo-sung-mot-so-luat-ve-quy-hoach-post752952.html