Năm 2025 tăng trưởng GDP 8% trở lên, quy mô GDP trên 500 tỷ USD

Quốc hội đặt mục tiêu năm 2025, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỷ USD; GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD.

GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD

Sáng nay, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Tại Nghị quyết này, Quốc hội quyết định điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỷ USD. GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%.

Để đạt mục tiêu trên, Quốc hội đề nghị Chính phủ đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

 (Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó tập trung rà soát, sớm sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển nhanh, lành mạnh, hiệu quả các loại thị trường (tài chính, chứng khoán, khoa học công nghệ, lao động, bất động sản…). Rà soát để mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn, áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại 10 địa phương và đã phát huy hiệu quả. Xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong, các khu kinh tế biên giới và các vùng theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Khẩn trương triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội đã được thông qua, nhất là các văn bản về sắp xếp tổ chức các cơ quan, bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt với hiệu quả cao hơn; hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phục vụ triển khai cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Trong năm 2025, cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu; đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia. Bổ sung khoảng 84,3 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án có khả năng hấp thụ vốn (đường cao tốc, đường ven biển…) ngay trong năm 2025.

Triệt để tiết kiệm chi; phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 và nguồn tăng thu ngân sách năm 2024 để đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; tận dụng dư địa về nợ công, bội chi ngân sách nhà nước để huy động, bổ sung nguồn lực cho phát triển.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; trong đó khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 để thực hiện ngay trong năm 2025. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2025 cả nước đạt 95% kế hoạch; bổ sung, áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho các dự án quy mô lớn, trọng điểm.

Quốc hội cũng nhất trí trường hợp cần thiết điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4 - 4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.

Hoàn thiện các cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ tăng sức mua

Cùng với đó, Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, các khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế.

Tháo gỡ ngay các điểm nghẽn đối với thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; sớm bảo đảm các tiêu chí, điều kiện để nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025; có cơ chế khai thác hiệu quả các dòng vốn đầu tư gián tiếp, các quỹ đầu tư quốc tế.

Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, kịp thời, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, bảo đảm đúng, trúng mục tiêu, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Chủ động làm việc với từng nhà đầu tư chiến lược để thu hút các dự án FDI lớn, công nghệ cao; triển khai hiệu quả cơ chế “luồng xanh” cho các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế trong lĩnh vực công nghệ cao để sớm triển khai, đưa dự án vào vận hành.

Triển khai hiệu quả quy định về phân cấp, phân quyền triệt để cho các địa phương trong chấp thuận đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp mới. Rà soát, có ngay các giải pháp xử lý các dự án đang vướng mắc, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, BOT, BT, giao thông, bất động sản và các lĩnh vực khác; trước mắt, xây dựng cơ chế đặc thù tập trung tháo gỡ cho các dự án tại Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỷnh, thành phố lớn để giải phóng nguồn lực ngay trong năm 2025. Sớm hoàn thành thủ tục đầu tư cảng biển quốc tế Cần Giờ. Thúc đẩy mạnh mẽ các dự án điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi và triển khai hiệu quả Quy hoạch điện 8 trong bối cảnh mới.

Phát huy hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư; khẩn trương xây dựng, triển khai hiệu quả Đề án về cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc, giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt; Đề án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên, phát triển bền vững…

Hoàn thiện các cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số; phát triển thương mại điện tử.

Tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; đẩy mạnh chuyển đổi xanh, tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, quang điện tử, công nghiệp Internet, Internet vạn vật, công nghiệp y sinh học, năng lượng mới, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí…; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm.

Khẩn trương có giải pháp phát huy hiệu quả các quỹ khoa học và công nghệ, khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ thiên thần, quỹ khởi nghiệp, quỹ đổi mới sáng tạo…; xây dựng cơ chế, chính sách áp dụng mô hình “đầu tư công - quản trị tư”, “đầu tư tư - quản trị công”, bảo đảm quyền chủ động của nhà khoa học trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ.

Khẩn trương triển khai hiệu quả Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại Tp.HCM, Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng; xây dựng khu thương mại tự do, khu kinh tế biên giới tại một số địa phương trọng điểm về kinh tế như Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai…

Hải Nam

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/nam-2025-tang-truong-gdp-8-tro-len-quy-mo-gdp-tren-500-ty-usd-d56041.html