Nắm bắt cơ hội vàng: Kết nối thị trường trong nước với Halal
Việt Nam tin tưởng sẽ phát triển ngành Halal chuyên nghiệp và toàn diện, góp phần tạo xung lực mới cho sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam, góp phần phát triển thị trường Halal toàn cầu, cùng xây dựng một tương lai tốt đẹp, hài hòa, thịnh vượng và phát triển bền vững trên toàn thế giới; cùng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững trên toàn thế giới, trong đó có sản phẩm Halal phục vụ con người.
Halal theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là "hợp pháp" hoặc "được phép dùng". Theo Luật Hồi giáo, tất cả các loại thực phẩm đều có thể được sử dụng trừ thực phẩm bị liệt vào danh sách cấm (Haram). Các loại thực phẩm bị coi là bất hợp pháp thường là thịt động vật, máu, rượu và các sản phẩm cũng như dẫn xuất của chúng
Một số sản phẩm đặc biệt đạt chuẩn Halal là sữa (bò, cừu, lạc đà, dê), mật ong, cá, rau tươi hoặc hoa quả khô; các loại hạt như đậu phộng, hạt điều, hạt phỉ;… các loại ngũ cốc như lúa mì, gạo, lúa mạch;…
Việt Nam, với vị trí địa lý thuận lợi, nằm gần các quốc gia Hồi giáo lớn, có thể dễ dàng tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng. Việc kết nối thị trường trong nước với thị trường Halal không chỉ là một cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng quy mô kinh doanh mà còn là một chiến lược quan trọng để thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất trong nước.
Thị trường Halal, với quy mô khổng lồ và nhu cầu ngày càng tăng, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập đáng kể và đa dạng hóa sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt.
Hiện có 57 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), hơn 2 tỷ người Hồi giáo, chiếm 25% dân số thế giới và có tốc độ phát triển 2,9%/năm. Đây là thị trường có văn hóa kinh doanh đặc biệt và thường yêu cầu phải có chứng nhận Halal đối với ngành hàng thực phẩm.
Theo Báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu (SGIE) năm 2022, dự đoán chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal sẽ đạt mức 1,67 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương hiện tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới.
Phát biểu tại Hội nghị "Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam" được tổ chức tại Hà Nội ngày 22/10 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá Việt Nam có ba cơ sở quan trọng để phát triển ngành Halal.
Thứ nhất, Việt Nam có môi trường chính trị, xã hội ổn định; có tiềm lực và quy mô nền kinh tế càng lớn mạnh; môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, thuận lợi. Việt Nam đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.
Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; tăng trưởng được duy trì ở mức cao. Tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt 5,05%; 9 tháng đầu năm 2024 đạt 6,82%.
Quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt 4.300 USD, đứng thứ 34 trong số các nền kinh tế lớn và thuộc nhóm 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu; đang ở giai đoạn dân số vàng với hơn 100 triệu người; đã ký 16 FTA với hơn 60 nước.
Thứ hai, Việt Nam kiên định và nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới; kiên trì chính sách quốc phòng "4 không".
Thủ tướng cho biết, Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều thiệt hại nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, liên tục bị tác động bởi chiến tranh, bao vây, cấm vận. Tuy vậy, Việt Nam đã "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng đến tương lai" để biến thù thành bạn. "Việt Nam là dân tộc hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, mong muốn không có ai bị bỏ lại phía sau, không ai bị chết chóc bởi chiến tranh và xung đột", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, với 32 nước là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện; tham gia hơn 70 tổ chức khu vực, quốc tế quan trọng và có quan hệ hợp tác tốt đẹp với cộng đồng các quốc gia Hồi giáo trên thế giới.
Thứ ba, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển ngành Halal và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ Halal toàn cầu.
Nông nghiệp Việt Nam có đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, trong đó nhiều sản phẩm nông nghiệp cơ bản phù hợp và hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn về Halal (thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, gạo…). Năm 2023, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu thế giới với trị giá hơn 53 tỷ USD, 9 tháng đầu năm 2024 đạt gần 47 tỷ USD, phấn đấu cả năm đạt khoảng 60 tỷ USD.
Việt Nam có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch, trong đó có du lịch Halal với đường bờ biển dài hơn 3 nghìn km, nhiều hệ sinh thái quan trọng, đa dạng và nhiều vịnh, bãi biển được đánh giá đẹp nhất thế giới.
Halal không chỉ là một thị trường mà còn là một đại dương xanh đầy tiềm năng. Trong bối cảnh xu hướng kinh tế thế giới có nhiều biến chuyển, tác động không nhỏ đến kinh tế - xã hội trong nước, Halal chính là địa hạt mới để doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế và mở rộng quy mô kinh doanh.
Để thâm nhập, tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào một số nhóm biện pháp chính gồm hỗ trợ kết nối địa phương, doanh nghiệp với các đối tác, thị trường Halal toàn cầu trong các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, du lịch, dệt may, dược và mỹ phẩm.
Đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách quản lý nhà nước về Halal, tối ưu hóa quy trình chứng nhận, thúc đẩy thừa nhận, công nhận lẫn nhau về chứng nhận Halal.
Song song với việc đẩy mạnh giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia, cộng đồng Hồi giáo trên toàn thế giới.
Để Việt Nam phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về Halal, Thủ tướng đề nghị cần thực hiện "5 đẩy mạnh" để phát huy nội lực và hợp tác quốc tế về Halal.
Thứ nhất, đẩy mạnh hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quản lý nhà nước liên quan đến Halal, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn Halal quốc gia; hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển ngành Halal quy mô lớn và phục vụ xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam.
Thứ hai, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các thỏa thuận, hiệp định, bản ghi nhớ hợp tác, các thỏa thuận công nhận và thừa nhận lẫn nhau về chứng nhận Halal, qua đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm Halal toàn cầu.
Thứ ba, đẩy mạnh các đối tác khu vực, quốc tế đến đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan Halal, nhất là về nông nghiệp, du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, dược và mỹ phẩm, các ngành công nghiệp hỗ trợ liên quan đến Halal (công nghệ, dây chuyền sản xuất, hậu cần…).
Thứ tư, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu Halal Việt Nam và mở cửa các thị trường cho các sản phẩm Halal xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ năm, đẩy mạnh giao lưu nhân dân, hợp tác trao đổi văn hóa, từ đó tăng cường sự chia sẻ, hiểu biết của người dân và doanh nghiệp hai bên về những thế mạnh của nhau và tiềm năng hợp tác trong phát triển ngành Halal tại Việt Nam.
Ngành Halal được kỳ vọng trở thành một ngành thế mạnh, đưa Việt Nam thành điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ Halal trên thế giới.
Nhận thức rõ về tầm quan trọng của thị trường Halal toàn cầu và những tiềm năng, lợi thế, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực, tập trung phát triển ngành Halal: Xây dựng định hướng chiến lược về phát triển ngành Halal đến năm 2030, trong đó có Đề án về “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”; Thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia, hoàn thiện các quy định pháp lý và tiêu chuẩn về Halal quốc gia; Ký một số thỏa thuận hợp tác về Halal với các đối tác Hồi giáo và phi Hồi giáo. Các cơ quan từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngày càng quan tâm đầu tư, sản xuất và mở rộng xuất khẩu sang thị trường Halal toàn cầu.
Việt Nam tin tưởng sẽ phát triển ngành Halal chuyên nghiệp và toàn diện, góp phần tạo xung lực mới cho sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam, góp phần phát triển thị trường Halal toàn cầu, cùng xây dựng một tương lai tốt đẹp, hài hòa, thịnh vượng và phát triển bền vững trên toàn thế giới; cùng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững trên toàn thế giới, trong đó có sản phẩm Halal phục vụ con người.