Nắm bắt lợi thế 'người đi sau'

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, dù kinh tế xanh còn mới mẻ nhưng Việt Nam có lợi thế của 'người đi sau' nên sẽ lựa chọn được hướng đi thích hợp cho mình.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới trong nỗ lực chuyển dịch nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Ảnh minh họa: TTXVN

Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới trong nỗ lực chuyển dịch nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Ảnh minh họa: TTXVN

Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới trong nỗ lực chuyển dịch nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh với những mục tiêu chiến lược và cam kết quốc tế rất cao để đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, dù kinh tế xanh còn mới mẻ nhưng Việt Nam có lợi thế của “người đi sau” nên sẽ lựa chọn được hướng đi thích hợp cho mình.

Bà Nguyễn Lệ Thủy, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, thực hiện tăng trưởng xanh sẽ góp phần nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế và con người trước biến đổi khí hậu, đồng thời hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh, tạo thuận lợi cho việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, vài năm trở lại đây, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Theo đó, ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1658 phê duyệt Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Tiếp đến, tháng 8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị COP 26 với cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Điều này thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu và tận dụng cơ hội nhằm đưa nước ta phát triển theo hướng “xanh”.

Mặc dù, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu thế ở các quốc gia phát triển từ nhiều năm nay nhưng mới xuất hiện ở Việt Nam cách đây vài năm. Vì vậy, việc triển khai các mô hình kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn còn rất nhiều hạn chế, tồn tại.

Ông Nguyễn Hoa Cương chỉ ra, trước hết là nhận thức của các bộ, ngành, các cấp liên quan. Kinh tế xanh hay kinh tế tuần hoàn mới được đưa ra ở cấp chiến lược mà chưa cụ thể hóa thành chính sách, kế hoạch và hành động cụ thể.

Tiếp theo, việc ứng dụng mô hình tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đòi hỏi công nghệ hiện đại, dẫn tới chi phí đầu tư lớn. Đây chính là rào cản lớn đối với các tổ chức, doanh nghiệp khi nguồn lực tài chính vốn là điểm yếu lâu nay các doanh nghiệp Việt Nam. Cuối cùng là người tiêu dùng vẫn chưa có thói quen tiêu dùng “xanh” và bảo vệ môi trường.

Theo Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam công bố mới đây, Ngân hàng Thế giới dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD từ nay đến năm 2040 để thực hiện lộ trình phát triển thích ứng khí hậu và phát thải ròng bằng 0.

Bên cạnh số vốn lớn để chuyển dịch năng lượng xanh, nhiều ngành kinh tế khác cũng cần một nguồn lực tài chính lớn không kém. Trong khi đó, các dự án xanh thường có thời gian hoàn vốn dài nên việc huy động vốn không dễ dàng.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2022, ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng và các địa phương cũng dành hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh và tuần hoàn. Đây là những tiền đề và nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của mình đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Tuy nhiên, theo bà Bùi Thu Thủy đây chỉ mới là "vốn mồi", còn lâu mới đáp ứng được yêu cầu.

Bà Bùi Thu Thủy cũng chỉ rõ, theo thống kê mới nhất, chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trong tương quan của Việt Nam năm 2018 chỉ bằng 0,4% GDP so với con số 3,3% của Nhật Bản, 2,2% của Singapore, 2,1% của Trung Quốc.

Cùng với đó, chi phí lao động ở Việt Nam còn thấp là một trở ngại cho việc thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, năng lực công nghệ còn hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp, cá nhân sở hữu các bằng sáng chế công nghệ, chủ yếu sử dụng các công nghệ sẵn có của nước ngoài để tùy biến, phát triển.

Ngoài ra, hành lang chính sách, pháp luật của Nhà nước về Chính phủ điện tử, các giao dịch, thủ tục hành chính trên nền tảng số vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Đây cũng là các thách thức, hạn chế cho doanh nghiệp khi xác định chiến lược, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số (tiêu chuẩn công nghệ, giao dịch thương mại điện tử, chứng thực số, thuế, hải quan...).

Các dự án xanh thường có thời gian hoàn vốn dài nên việc huy động vốn không dễ dàng. Ảnh: BNEWS phát

Các dự án xanh thường có thời gian hoàn vốn dài nên việc huy động vốn không dễ dàng. Ảnh: BNEWS phát

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP FiinGroup, với nguồn vốn cần lớn co kinh tế xanh, hệ thống ngân hàng trong nước khó có thể đáp ứng. Để có đủ nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, Việt Nam cần huy động vốn từ các kênh khác nhau; trong đó, trái phiếu xanh quốc tế là một xu hướng của thị trường vốn quốc tế. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để huy động vốn cho phát triển. Lý do là huy động vốn qua kênh này, doanh nghiệp tối ưu được chi phí, kỳ hạn vay cũng dài…

Tuy nhiên, hiện điểm nghẽn lớn nhất đối với thúc đẩy đầu tư vào kinh tế xanh; trong đó, có trái phiếu xanh quốc tế ở Việt Nam là thiếu cơ chế khuyến khích, chưa thu hút được sự tham gia của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một điểm nghẽn khiến trái phiếu xanh chưa thực sự trở thành một sản phẩm tài chính nổi bật vì các kênh truyền thông về trái phiếu xanh chưa nhiều…

Theo đó, nếu những điểm nghẽn này được tháo gỡ thì kênh huy động vốn cho phát triển kinh tế xanh của Việt Nam sẽ đa dạng hơn, khả năng hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững tốt hơn.

Nhìn ở góc độ phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, PGS, TS. Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, tăng trưởng kinh tế cao gắn với tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống xanh, sạch, đẹp không phải chỉ được thực hiện khi giàu có, mà cần được triển khai ngay từ bây giờ, trong từng bước phát triển của đất nước và được triển khai trong từng cơ chế, chính sách phát triển cụ thể.

"Đây chính là ba trụ cột bảo đảm sự phát triển của nền kinh tế, của xã hội, của một đất nước theo nguyên lý kiềng 3 chân, lệch bên nào cũng đưa đến không cân bằng và có nguy cơ đổ vỡ", PGS, TS. Lê Quốc Lý cho biết.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM cũng nêu rõ, Việt Nam cần nghiêm túc nhìn nhận đầy đủ về con số 1% tổng doanh thu mà các doanh nghiệp Việt đang bỏ ra cho các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nếu không có lực đẩy đủ mạnh thì các doanh nghiệp sẽ rất khó bứt phá.

“Dù công nghệ phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng, song Việt Nam có lợi thế của “người đi sau” nên sẽ dễ dàng phân tích, lựa chọn công nghệ, sản phẩm và hướng đi thích hợp cho mình. Tuy nhiên, với quy mô nhỏ, các doanh nghiệp Việt Nam cần phối hợp với các đối tác phát triển để thúc đẩy tiến trình này nhanh hơn”, ông Nguyễn Hoa Cương nhấn mạnh./.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nam-bat-loi-the-nguoi-di-sau/264332.html