'Nắm bắt nhu cầu' 12 nhà đầu tư để quy hoạch phân khu tại Vân Phong

Theo chủ trương của tỉnh Khánh Hòa, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong vừa chọn 12 doanh nghiệp, xếp lịch làm việc riêng nhằm 'nắm bắt nhu cầu đầu tư', để nghiên cứu lập quy hoạch phân khu và các dự án ưu tiên đầu tư vào Khu kinh tế này và các khu công nghiệp của tỉnh.

Khu vực phía Nam Khu kinh tế Vân Phong, tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), có Nhà máy tàu biển hyundai Vinashin đã hình thành, hoạt động nhiều năm qua. Ảnh: Phan Sông Ngân

Khu vực phía Nam Khu kinh tế Vân Phong, tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), có Nhà máy tàu biển hyundai Vinashin đã hình thành, hoạt động nhiều năm qua. Ảnh: Phan Sông Ngân

Theo Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong, mục đích làm việc riêng với 12 doanh nghiệp đã được lựa chọn là "nắm bắt nhu cầu đầu tư để nghiên cứu trong quá trình lập quy hoạch phân khu các khu chức năng tại Khu kinh tế Vân Phong và các khu công nghiệp" của tỉnh.

Các cuộc làm việc riêng với các doanh nghiệp được chọn đó còn đồng thời thu thập thông tin, để tham mưu xây dựng danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong. Lịch làm việc cụ thể với 12 doanh nghiệp sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 15.2.2023.

Trong đó, tại khu vực Nam Vân Phong và các khu công nghiệp có 8 doanh nghiệp quan tâm đề xuất dự án đầu tư. Đó là các dự án về lọc hóa dầu, năng lượng, công nghiệp của ba doanh nghiệp, gồm Công ty CP Dầu khi Đông phương, Công ty Satvian hóa chất và Satvian Land và Công ty CP Trung Nam.

Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thì quan tâm về dự án đầu tư xây dựng cảng biển.

Có 4 doanh nghiệp được lựa chọn về đầu tư các dự án phát triển khu công nghiệp (gồm Công ty CP Sonadezi; Tổng công ty Becamex IDC; Công ty CP SSI, Công ty CP Sinnec).

Tại khu vực Bắc Vân Phong có 3 nhà đầu tư đã được lựa chọn để làm việc riêng. Đó là Tập đoàn Sungroup với các dự án thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, sân bay, cảng biển… Tập đoàn Novaland và Công ty CP Đầu tư Đất Tâm, Công ty CP FPT, Công ty CP Flamingo Holding Group với các dự án về đô thị, du lịch…

Còn đối với lĩnh vực điện khí và kho khí LNG tại Vân Phong, theo Ban quản lý Khu kinh tế này, hiện nay do quy hoạch điện VIII chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên tạm thời chưa mời các nhà đầu tư quan tâm để làm việc riêng.

Vào tháng 10.2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đã gởi Tờ trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch chung vừa nêu đến nay vẫn chưa được phê duyệt.

Quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong đã trình gồm 19 phân khu

Theo quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đã trình Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong có diện tích 150.000ha (tương đương 1.500km2), gồm 19 phân khu.

Trong đó, có khoảng 70.000ha đất liền và đảo, ranh giới bao gồm 21 xã, phường, thị trấn (thuộc huyện Vạn Ninh và TX Ninh Hòa). Diện tích còn lại là mặt nước biển vịnh Vân Phong thuộc huyện Vạn Ninh (ở phía bắc) và thị xã Ninh Hòa (ở phía nam).

Theo đó, tại khu vực Bắc Vân Phong sẽ bao gồm các khu dịch vụ, du lịch cao cấp; trung tâm cảng biển quốc tế; các khu dịch vụ hậu cần cảng, đô thị du lịch và đô thị đan xen. Tại bán đảo Hòn Gốm và đảo Hòn Lớn được quy hoạch trung tâm thương mại - tài chính, casino…; khu đô thị đa năng cao cấp, thương mại dịch vụ, sân bay dân dụng, công nghiệp... tại khu vực Cổ Mã - Tu Bông.

Ở khu vực Nam Vân Phong sẽ phát triển các tổ hợp công nghiệp; cảng trung chuyển container, cảng tổng hợp, cảng chuyên dụng, cảng du lịch, hậu cần cảng logistics; các đô thị ven biển và các khu du lịch, dịch vụ đan xen… tập trung ở khu vực phía đông và đông bắc thị xã Ninh Hòa.

Sân bay dân dụng tại Vân Phong được quy hoạch đầu tư xây dựng ở xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh) với quy mô 500 - 550ha.

P.S.Ngân

Phan Sông Ngân

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nam-bat-nhu-cau-12-nha-dau-tu-de-quy-hoach-phan-khu-tai-van-phong-38254.html