Nam Bình Thuận: Đô thị du lịch nghỉ dưỡng chờ 'cất cánh'
Khu vực Nam Bình Thuận có nhiều thuận lợi, tiềm năng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Nắm bắt cơ hội, nhiều nhà đầu tư “đại bàng” đã chọn nơi đây “làm tổ”, xây dựng các dự án tâm huyết. Có những khó khăn bủa vây, song họ không đầu hàng, ngược lại đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để biến khu vực này trở thành đô thị nghĩ dưỡng sôi động, nhộn nhịp.
Nhiều “đại bàng” chọn “làm tổ”
Huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) có 2 xã là Thuận Quý và Tân Thành sở hữu chiều dài biển hoang sơ, với những bãi cát mịn màng, dài thoai thoãi, thời tiết đẹp quanh năm… là những yếu tố thiên phú.
Cùng với đó là các điều kiện về nhân văn khác rất thuận lợi để khu vực này phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đưa vào khai thác, kết nối giao thông giữa TP.HCM – Bình Thuận chỉ trong khoảng hơn 2 giờ lái xe ô tô. Khoảng thời gian mà nhiều người vẫn ngỡ như đang mơ về chuyến hành trình ngắn ngủi để đến với Bình Thuận tại khu vực Hàm Thuận Nam, Phan Thiết. Đây trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển du lịch của tỉnh Bình Thuận, khi đón đầu lượng khách từ khu vực TP.HCM.
Ngoài là cao tốc, khu vực Nam Bình Thuận (giáp ranh TP. Phan Thiết) đang nổi lên như một viên ngọc sáng, đặc biệt là tuyến đường chạy dọc bờ biển, đoạn từ xã Tiến Thành (TP. Phan Thiết) ra đến Thuận Quý - Tân Thành, như một dải lụa bên bờ biển với nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng.
Từ năm 2019-2020, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu vực ven biển của 2 xã Thuận Quý - Tân Thành để kết nối với xã Tiến Thành, tạo thành dải phát triển du lịch nghỉ dưỡng bên bờ biển ở Nam Bình Thuận. Theo quy hoạch, tỷ lệ đất sử dụng cho du lịch và thổ cư lên đến 70% quỹ đất của các xã Thuận Quý - Tân Thành. Vì vậy, trong tương lai gần, nơi đây sẽ hình thành nên các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí đỉnh cao của tỉnh Bình Thuận.
Có thể dễ dàng thấy được bãi biển tại khu vực này còn nhiều nét hoang sơ, với những làng chài hình thành từ xa xưa cho đến ngày nay vẫn còn phát triển. Cùng với sự chân chất, mộc mạc của người dân miền biển tại Thuận Quý - Tân Thành tạo nên nét văn hóa đa dạng. Đồng thời, kết hợp với các tài nguyên thiên nhiên như biển (Thuận Quý – Tân Thành), núi (Tà Cú), rừng (Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kúo), suối nước nóng (Bưng Thị)… là tiềm năng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, qua đó thu hút nhiều “đại bàng” về khu vực này “làm tổ”.
Điển hình như Khu du lịch nghỉ dưỡng Bờ Biển Vàng (đang triển khai), Khu Trung tâm thương mại – dịch vụ và biệt thự, căn hộ bán hoặc cho thuê Aloha Beach Village (đang trong giai đoạn hoàn thiện khối nhà Ruby 1 và Ruby 2), Sài Gòn – Suối Nhum Resort, Đồi Sứ Resort… Cùng với sự hiện diện của các khu du lịch nghỉ dưỡng khác tạo nên sự sôi động, nhộn nhịp tại khu vực biển Thuận Quý - Tân Thành.
Đặc biệt đây là khu vực giáp ranh với TP. Phan Thiết, có đại đô thị nghỉ dưỡng – giải trí – thương mại NovaWorld Phan Thiết, cùng với thủ phủ “resort” Tiến Thành, hình thành nên dải du lịch nghỉ dưỡng với nhiều dịch vụ đẳng cấp, tạo cho khu Nam Bình Thuận có sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch lẫn các nhà đầu tư.
Nỗ lực bứt tốc - vượt khó
Thuận lợi là vậy, tuy nhiên trong vài năm qua, các dự án phát triển du lịch tại khu vực này cũng thi công cầm chừng hoặc phải tạm ngưng (đối với các dự án đang triển khai). Lý do vì trải qua nhiều năm tháng dịch bệnh Covid-19, dẫn tới các doanh nghiệp gặp khó khăn, kiệt quệ về tài chính. Đây cũng là khó khăn chung trong bối cảnh của toàn cầu, chứ không chỉ riêng các doanh nghiệp tại Bình Thuận hay Việt Nam.
Hơn nữa, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, sự siết chặt vốn đổ vào lĩnh vực này của các ngân hàng, tâm lý nhà đầu tư trong trạng thái an toàn, cũng như các tác nhân khác đến cùng lúc, khiến cho thị trường bất động sản, du lịch trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng để các dự án phát triển du lịch nghỉ dưỡng tại Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung rơi vào khó khăn.
Bên cạnh đó, thời gian qua, tại UBND tỉnh Bình Thuận và các sở ngành, cơ quan chức năng liên quan có thay đổi rất lớn về nhân sự, đặc biệt là nhân sự cấp cao. Mặt khác, các cơ chế - chính sách, quy định liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp du lịch, bất động sản cũng có những thay đổi, buộc doanh nghiệp – nhà đầu tư phải thay đổi theo, dẫn tới mất rất nhiều thời gian, gây ra những khó khăn và thách thức cho các doanh nghiệp trong triển khai các dự án trên thực tế.
Dù khó khăn là vậy, tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng đang nỗ lực tìm các phương án để bứt khỏi sự khó khăn, thách thức nêu trên, bởi đây chính là những tâm huyết của họ - như ngày đầu đặt chân đến với tỉnh Bình Thuận.
Chia sẻ với PV, đại diện chủ đầu tư Aloha Beach Village cho biết: “Mặc dù khó khăn chung, tuy nhiên, doanh nghiệp luôn cố gắng nỗ lực để hoàn thiện các thủ tục liên quan về mặt pháp lý cũng như đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các dự án trên thực địa. Bởi, đây chính là tâm huyết của chúng tôi, ngày đầu chúng tôi đến với Bình Thuận như thế nào thì nhiệt tâm đó vẫn giữ nguyên cho đến hôm nay và mai sau. Điều đó được thể hiện trong mỗi sản phẩm mà chúng tôi mang đến cho khách hàng tại dự án Aloha Beach Village”.
Mặt khác, hiện Công ty có tổng giá trị sản phẩm còn lại tại dự án lớn hơn tổng giá trị sản phẩm đã được bán ra (85% đối với căn shophouse và 20% đối với phần căn hộ). Bên cạch đó, chủ trương của Hội đồng quản trị và cùng các cổ đông muốn giữ lại những căn hộ, shophouse đó để nhằm mục đích kinh doanh, phát triển dự án, chi trả lợi nhuận cho khách hàng. Từ đó, có những đóng góp và luôn hành động vì lợi ích chung của cộng đồng theo tinh thần, trách nhiệm như sứ mệnh của Công ty đề ra”.
Hiện, khu vực này đang có nhiều nhà đầu tư căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse… hứa hẹn sẽ có những “gam màu sáng” trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi kinh tế có những khởi sắc trong thời gian qua.