Năm chàng trai nơi không đường, không điện, không người…
Giữa bốn bề trời nước mênh mang, dưới những vách núi đá sừng sững, không điện lưới quốc gia, không đường sá đi lại, tôi bắt gặp năm chàng trai là quan trắc viên của trạm thủy văn. Ở nơi sơn cùng thủy tận này, bao năm qua họ vẫn miệt mài đo mực nước, nhiệt độ nước, giám sát lượng nước khu vực hồ Ba Bể…
Sao có thể giống “Lặng lẽ Sa Pa” đến vậy! Tôi đã thốt lên khi đặt chân đến Trạm quan trắc Thủy văn Đầu Đẳng nằm sâu trong lõi Vườn quốc gia Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn). Hơn 30 năm trước, nhà văn Nguyễn Thành Long đã viết về anh thanh niên sống một mình ở trạm khí tượng trên đỉnh núi Yên Sơn, cần mẫn với công việc đo gió, đo mưa, đo nắng.
Còn giờ đây, giữa bốn bề trời nước mênh mang, dưới những vách núi đá sừng sững, không điện lưới quốc gia, không đường sá đi lại, tôi bắt gặp năm chàng trai là quan trắc viên của trạm thủy văn. Ở nơi sơn cùng thủy tận này, bao năm qua họ vẫn miệt mài đo mực nước, nhiệt độ nước, giám sát lượng nước khu vực hồ Ba Bể…
Những chàng trai thèm tiếng người
Hồ Ba Bể đã vào đông, khí lạnh hắt hiu, khói sương bảng lảng khắp một vùng trời nước. Chiếc xuồng máy trôi đến cửa hồ thì bất ngờ rẽ trái hòa vào con sông Năng nước dâng cuồn cuộn. Sau gần một giờ đồng hồ ngồi xuồng mới nghe thấy tiếng thác nước Đầu Đẳng réo ào ào. Trôi thêm chút nữa, sẽ thấy dãy nhà nhỏ bé của Trạm Thủy văn Đầu Đẳng nằm kẹt giữa hai dải núi đá sừng sững như bức tường thành khép lại thành vòng cung.
Trạm trưởng Trạm Thủy văn Vi Đức Mạnh (phải) cùng anh em bảo quản thiết bị đo đạc.
Tôi mê mẩn trước vẻ đẹp của thiên nhiên ban sơ, còn anh em Trạm thủy văn cứ nhìn tôi cười, bởi lâu lắm mới nghe thấy tiếng của một người lạ, lại là một giọng nữ ở nơi này. Năm anh em trai trẻ thì có đến 4 người sinh ra và lớn lên ở vùng hồ Ba Bể, cùng là người dân tộc Tày và chung dòng họ Nông. Riêng Trạm trưởng Trạm Thủy văn Vi Đức Mạnh từ quê hương Cao Bằng đến “đóng đô” ở đây. Trong số họ, hai người đã có gia đình, còn lại vẫn là “lính phòng không”. Trạm trưởng Mạnh cười hiền: “Tám năm mình gắn bó với nơi này, càng sống càng thấy núi sông bốn mùa đượm vẻ hữu tình, chỉ có điều luôn vắng bóng người. Ở đây không có điện lưới, không có đường sá đi lại, bọn mình đã quen rồi. Chỉ có một điều không quen được, là không có người thôi”.
“Không gian yên lặng như tờ này liệu có lúc nào sôi động”, tôi hỏi. “Có nhiều lúc ồn ã chứ. Đó là lúc mưa nguồn gió bể gào thét, đó là những buổi sáng bầy khỉ hú vang rừng, là những buổi chiều đàn cò lao xao khắp quãng sông trước cửa trạm. Chỉ có tiếng của thiên nhiên thôi”, Trạm trưởng Mạnh đáp lời tôi. Nhiều lúc thèm nghe tiếng còi xe máy, hay tiếng trẻ con khóc, tiếng cười đùa, hay thậm chí cả tiếng quát nạt hay cãi vã mà tịnh không bao giờ có. Mặc dù trạm thuộc đất của thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể nhưng nằm tách biệt như một ốc đảo. Nếu muốn gặp người dân, anh em sẽ phải đi xuồng máy về phía hạ lưu một quãng xa.
Nếu như cuộc sống sinh hoạt nơi đây bất lợi đến mức tối đa thì dưới góc độ nghề nghiệp, làm công tác quan trắc thủy văn ở vị trí này lại cực lý tưởng. Bởi chính ở vị trí này việc đo mực nước, lưu lượng, nhiệt độ nước, lượng mưa mới có giá trị thông tin cao. Chính vì thế, dù cuộc sống có khó khăn cỡ nào thì anh em vẫn bám trụ để làm việc. Một năm đủ 365 ngày đều như vắt chanh, ngày nào anh em cũng thay nhau đo lường trực tiếp và báo cáo về Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vào bốn khung giờ cố định: một giờ, bảy giờ, mười ba giờ và mười chín giờ. Độ khắt khe của công việc không cho phép các quan trắc viên bỏ sót bất cứ khung giờ nào thuộc bất cứ ngày nào, đảm bảo chuỗi số liệu được cập nhật chính xác, không đứt quãng để phục vụ công tác dự báo thủy văn hàng ngày.
Hàng ngày anh em Trạm Thủy văn di chuyển bằng xuống máy.
Nhịp công việc khi sông nước hiền hòa đã vậy. Nhưng vào mùa mưa lũ khoảng từ tháng 4 đến tháng 10 thì tần suất đo dày đặc hơn, số liệu báo cáo nhiều hơn. Anh em mất ăn mất ngủ, phấp phỏng suốt ngày đêm để đảm bảo cập nhật số liệu một giờ một lần và trực điện báo 24/24. Tất cả anh em đều ý thức được rằng, mọi thông tin thủy văn từ trạm phát đi đều có ý nghĩa quan trọng với đời sống người dân, phục vụ tốt cho thủy điện Na Hang trong việc tích nước, xả nước, điều tiết dòng chảy phục vụ nông nghiệp.
Trong đại bản doanh của năm chàng trai rộng chừng 4.000m2, thiết bị, máy móc làm việc nằm rải rác từ ngoài sông Năng vào đến sân, đến vườn và trong phòng làm việc. Chỗ này là cầu đo lưu lượng nước, chỗ kia là thuyền đo lưu lượng có hệ thống cáp chạy ngang sông, hệ thống bậc cọc, thước đo độ cao, máy lưu tốc kế đo tốc độ dòng chảy… Đó là tất cả của nả quý giá mà năm chàng trai luôn giữ gìn, bảo dưỡng cẩn thận. Vì tính chất công việc đặc thù nên anh em khó có thể rời Trạm đi đâu xa, kể cả ngày lễ, tết. Đến cả giấc ngủ cũng ngắt quãng. Vất vả nhất là những đêm đông, gần đến giờ “ốp”, trời lạnh buốt, gió rít từng cơn, nhưng họ vẫn phải vùng dậy, xách đèn pin ra sông Năng đo đạc và báo cáo qua điện thoại. Xong công việc, không tài nào ngủ lại được, thao thức đến khi trời sáng…
Khi trạm là nhà
Trạm có hai dãy nhà xây theo mô hình nhà chống lũ có chân cột cao, nhìn vừa chênh vênh lại vừa lọt thỏm giữa hai vách núi đá. Một dãy để làm việc, một dãy để ở, rộng thênh thang với năm người đàn ông có cuộc sống sinh hoạt giản đơn. Nước chia cắt, núi án ngữ khiến điện lưới và đường không thể vươn tới Trạm. Vì không có điện nên hầu như các thiệt bị điện như tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện đều vắng bóng ở đây. Anh em tạo ra điện bằng cách đặt máy phát điện mini chạy bằng sức nước ở đầu thác Đầu Đẳng cách trạm 3km rồi kéo đường dây về trạm. Nguồn điện yếu ớt, phập phù chỉ đủ để thắp điện sáng và sạc pin điện thoại. Tối đến, cả vùng núi non sông nước đen đặc, ánh đèn leo lét, có lúc lập lòe chực tắt không đủ để chiếu rọi mọi vật. Họ chỉ còn biết lắng nghe tiếng ếch nhái kêu ran, tiếng côn trùng rỉ rả tạo lên bản hòa ca sôi động của tự nhiên và chờ đợi cho đến ca “ốp” lúc nửa đêm.
Gió mùa đông bắc lạnh buốt lùa dưới gầm dãy nhà trống hoác. Bởi vậy mà bếp củi luôn đỏ lửa, khi thì đun ấm nước pha trà uống cho ấm bụng, khi thì đặt chiếc xoong gang nấu nồi cơm. Anh em vẫn thả chiếc gầu xuống vục nước từ giếng khơi lên tắm gội, vẫn hứng nước mưa vào bể để nấu nướng. Ngoài vườn, có cây mận, cây đào báo tết, lại có cả cây khế chua cho quả nấu cá, một vạt chuối xanh rì. Giữa khung cảnh yên bình và vắng lặng ấy, cuộc sống của năm người đàn ông cứ lặng lẽ trôi đi. Mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách, nhưng đều say mê, chỉn chu với công việc, đều coi nhau như anh em một nhà. Họ nói ít, nhưng hiểu nhau nhiều, nên không khí ở đây càng hiền hòa, lặng lẽ.
Bếp củi luôn đỏ lửa ở Trạm thủy văn Đầu Đẳng.
Trạm trưởng Vi Đức Mạnh người thành phố Cao Bằng. Lần đầu tiên anh tìm đường đến Trạm nhận công tác vào năm 2013. Từ trung tâm xã Nam Mẫu đi thuyền máy băng qua hồ Ba Bể, rồi xuôi theo sông Năng, gần chục cây số đường thủy anh mới đến được Trạm, không nghĩ cơ quan lại ở một nơi hoang vu đến vậy. Mới đấy mà đã tám năm anh gắn bó với nơi này. Ở nơi mà đường thủy là độc đạo, giờ anh đã có thể bơi băng băng qua sông, lái thuyền dẻo tay như đi xe máy. Vài ngày một lần, anh em thay nhau lái thuyền đi chợ phiên cách Trạm mười mấy cây số mua vật dụng, thực phẩm về tích trữ.
Vì nhà xa nên Mạnh ở cơ quan cả tháng mới về thăm gia đình. Với anh giờ đây Trạm là ngôi nhà thứ hai, anh em đồng nghiệp là người thân. Anh đã thuộc nằm lòng lịch chợ phiên của bà con người Tày, người Mông vùng hồ Ba Bể. Cùng quăng lưới, câu cá trên sông Năng, hoặc lang thang vào rừng tìm hái giảo cổ lam, rau rừng để phục vụ cuộc sống, đó là thú vui của năm anh em ngoài giờ làm việc.
Anh em tếu táo, ở vùng này cây gì cũng có, chỉ thiếu cây ATM để rút tiền lương. Bởi vậy mà hàng tháng, Trạm trưởng Mạnh thường cầm trong tay năm chiếc thẻ ngân hàng, một tờ giấy ghi lần lượt năm dòng mật khẩu để nhận nhiệm vụ đi lĩnh lương cho cả nhóm. Đi cả đường thủy và đường bộ khoảng 30 cây số ra đến thị trấn Chợ Rã của huyện Ba Bể sẽ gặp cây ATM để rút được tiền về.
“Khi nước sông Năng dâng lên, có độ cao ở giữa dòng và thấp về phía hai bên bờ, ấy là lúc lũ sắp tràn về”, công việc dày đặc quanh năm suốt tháng đã tạo cho họ những kinh nghiệm làm nghề, sự mẫn cảm với tự nhiên cùng khả năng phán đoán linh hoạt trước mọi diễn biến thời tiết. Nếu không nghe, không nhìn một cách chăm chú và tận tâm thì có lẽ sẽ không nắm bắt được nét thú vị trong khoa học dự báo thủy văn, không thu về được những ám hiệu quý giá của tự nhiên. Đó cũng là lý do dù hoàn cảnh sống và làm việc nhiều thiệt thòi nhưng với công việc, những quan trắc viên trẻ tuổi chưa bao giờ thấy chán.