Nắm cơ hội thị trường: Xuất khẩu năm 2022 'đón sóng' để bứt phá
Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Việt Nam đang có đà tăng trưởng rất tốt. Hơn nữa, với những thử thách qua thời gian dài dịch bệnh và vượt qua được sẽ là động lực tốt thúc đẩy xuất khẩu năm 2022.
Dù đối diện với nhiều khó khăn thách thức về thị trường và đặc biệt là đại dịch COVID-19, song kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong quý 1 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao.
Trong quý đầu tiên của năm 2022, cả nước có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 83,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, đưa cán cân thương mại hàng hóa ghi nhận xuất siêu khoảng 809 triệu USD…
Đó là những con số cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, góp phần vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết dù đạt nhiều kết quả tích cực, song chặng đường những tháng tiếp theo sẽ còn không ít khó khăn, do vậy để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay phải cần sự nỗ lực từ nhiều phía.
FTA - Trợ lực xuất khẩu
- Với những kết quả đạt dược trong quý đầu tiên của năm, theo ông đâu là cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới?
Ông Trần Thanh Hải: Có thể nói, các cơ hội lớn nhất chính là các hiệp định thương mại tự do (FTA) khi gần đây Việt Nam liên tiếp có các FTA ở quy mô lớn và mức độ cam kết sâu.
Có thể nói CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP đều là các hiệp định với các đối tác thương mại có quy mô rất lớn và trên thực tế đã phát huy được tác dụng rất đáng kể.
Đơn cử trong hiệp định CPTPP, với các quốc gia mới tham gia hiệp định thương mại tự do với Việt Nam như: Mexico, Peru… mức tăng trưởng trong xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua đều đạt từ 25-35%, qua đó thể hiện rất rõ cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Hay trong hiệp định RCEP sắp tới, khi Việt Nam đang triển khai, với một thị trường truyền thống gồm ASEAN với 5 đối tác của ASEAN, nhưng với một cơ chế cam kết sâu hơn, tạo thuận lợi rõ ràng hơn, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Hơn nữa, trong RCEP cũng có các quốc gia như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… là những nước đang cung cấp nguồn nguyên liệu cho Việt Nam hiện nay. Do đó việc tham gia cùng các quốc gia khác trong RCEP sẽ tạo sự luân chuyển và giúp Việt Nam có thể kết nối chuỗi cung ứng của cả đầu ra và đầu vào được tốt hơn.
- Thuận lợi là thế nhưng chắc hẳn cũng không có ít khó khăn. Ông có thể "điểm mặt" những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp của Việt Nam có thể phải đối mặt trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Trần Thanh Hải: Khó khăn lớn nhất trước mắt vẫn là tác động của dịch COVID-19, dù ở Việt Nam tác động đã giảm bớt và Việt Nam đã có biện pháp thích ứng an toàn để khôi phục sản xuất, song tác động của dịch bệnh tại các thị trường khác vẫn có thể ảnh hưởng tới nước ta.
Đặc biệt, dịch bệnh vẫn gia tăng ở Trung Quốc và với chính sách Zero COVID-19, khi có ca bệnh, nước bạn có thể phong tỏa kể cả một thành phố hay một trung tâm sản xuất.
Như vậy, nếu như với một khu vực đang cung cấp nguồn nguyên liệu cơ bản với số lượng lớn cho Việt Nam mà bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa, rõ ràng sẽ tác động tới nguồn cung nguyên liệu cho Việt Nam.
Ngoài ra, những vấn đề về vận chuyển, logistics trong hai năm vừa qua do tác động của dịch bệnh đã đẩy cước vận tải biển lên cao và đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cũng như tại Trung Quốc khi tình trạng dịch bệnh vẫn còn phức tạp thì các cảng biển của họ có thể bị ùn tắc, dẫn tới việc có thể kéo dài thời gian vận chuyển, đẩy giá cước vận chuyển tiếp tục duy trì ở mức cao.
Trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine, dù quan hệ thương mại của Việt Nam với hai quốc gia trên chưa phải là lớn, nhưng hai quốc gia này cũng là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu cơ bản, như nông sản (lúa mì), than, phân bón, nên khi xảy ra xung đột sẽ tác động tới giá cả trên thị trường, dẫn tới giá đầu vào các nguyên liệu tăng lên…
- Nhìn lại kết quả xuất nhập khẩu trong quý 1, theo ông đâu là dư địa cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp?
Ông Trần Thanh Hải: Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận trong quý 1 là 176 tỷ USD, tăng 14,4% là mức tăng trưởng rất cao, trong đó xuất khẩu đạt tăng trưởng 12,9%.
Đặc biệt, các nhóm hàng nông sản cũng đạt mức tăng trưởng cao (từ 18-19%, trong đó nhiều mặt hàng như gạo, càphê… mức tăng trưởng tới 38-50%).
- Xuất khẩu của 5 mặt hàng lớn nhất trong quý 1:
Thực tế cho thấy xuất nhập khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp luôn là lĩnh vực nhận được nhiều quan tâm, đặc biệt đối với những sản phẩm như trái cây là những sản phẩm đòi hỏi việc bảo quản thu hoạch phải có sự quan tâm nhất định…
Thời gian vừa qua, dịch COVID-19 đã tác động tới hoạt động sản xuất và lưu thông. Tuy nhiên, sau khi có Nghị quyết 128/CP của Chính phủ, việc tháo gỡ cho sản xuất, cung ứng lao động được thực hiện tốt, do vậy qua gần 6 tháng, hoạt động sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông sản đã có sự phục hồi và gia tăng.
Đáng chú ý, nhu cầu trên thế giới đang tăng rất cao, đặc biệt những nhóm hàng thủy sản (cá tra, tôm), càphê, hạt tiêu… thời điểm này trên thị trường các nước cũng đang gia tăng việc cung ứng và mua vào, đây là thuận lợi rất lớn cho hoạt động xuất khẩu nông sản.
Tuy vậy, tại một số thời điểm cũng có những khó khăn nhất định. Cụ thể, việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bằng đường bộ mặc dù tỷ lệ không cao nhưng cũng có khó khăn do các biện pháp chống dịch của nước bạn.
Trước tình hình đó, các bộ, ngành đã phối hợp với các địa phương biên giới cùng tháo gỡ cũng như làm việc với phía Trung Quốc nhằm giảm thiểu các tác động từ những biện pháp chống dịch tới hoạt động thương mại nông sản.
Cơ hội tăng tốc
- Bộ Công Thương có giải pháp gì để cung cấp thông tin về thị trường xuất khẩu, giúp doanh nghiệp có thể kết nối đối tác nhanh chóng và hiệu quả nhất, thưa ông?
Ông Trần Thanh Hải: Bộ Công Thương luôn xác định thông tin là hoạt động sống còn, kể cả đối với hoạt động về điều hành, quản lý Nhà nước cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Vì vậy, bộ đã có một số website để đưa thông tin tới các doanh nghiệp, trong đó có website của Cục Xúc tiến thương mại, Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại…
Ngoài ra, một số website của thương vụ tại một số thị trường và mới đây nhất Bộ Công Thương đã khai trương Cổng thông tin cơ sở dữ liệu Thương mại Việt Nam (tại địa chỉ: ), nhằm góp phần đưa các thông tin liên quan tới các hiệp định thương mại tự do cũng như các chế độ chính sách liên quan tới xuất nhập khẩu.
Bộ đã biên soạn các ấn phẩm, cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu sang các thị trường, kể cả những thị trường mới, như khu vực Trung Đông, Mỹ La Tinh… và sắp tới sẽ có cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch…
- Với lực đẩy trong quý 1, Bộ Công Thương đã có những giải pháp gì để đạt mức tăng trưởng cao cho năm nay, thưa ông?
Ông Trần Thanh Hải: Thuận lợi nhất trong giai đoạn hiện nay là Việt Nam đang có đà tăng trưởng rất tốt và duy trì qua nhiều năm. Hơn nữa, chúng ta cũng đã có những thử thách qua thời gian dài dịch bệnh và vượt qua được, đây là động lực rất tốt.
Còn khó khăn từ ngoại cảnh hay trong nước như nêu ở trên cũng cần có sự chung tay của các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương, việc tận dụng các cơ hội của các FTA là mục tiêu lớn nhất mà các bên cùng nhau thực hiện trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn ông!