Nam Định: Đảm bảo an toàn giao thông tại các bến phà

Bước vào mùa mưa bão, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy rất lớn, nhất là tại các bến khách ngang sông.

Lực lượng Thanh tra giao thông, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nam Định hướng dẫn người dân mặc áo phao khi qua phà.

Lực lượng Thanh tra giao thông, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nam Định hướng dẫn người dân mặc áo phao khi qua phà.

Cùng với kiểm tra, xử lý vi phạm, các ngành chức năng tỉnh Nam Định đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy định pháp luật của chủ bến, người dân khi tham gia giao thông đường thủy.

Bến phà Đại Nội nằm trên Quốc lộ 21B nối huyện Trực Ninh và Hải Hậu qua sông Ninh Cơ, mỗi ngày có khoảng 200 lượt người và phương tiện qua đây. Để đảm bảo an toàn cho hành khách, bến phà thường xuyên được kiểm tra an toàn kỹ thuật; sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ các phương tiện; trang bị đầy đủ phao cứu sinh, dụng cụ nổi trên các phà và ca nô.

Ông Hoàng Văn Chiến, Bến trưởng Bến phà Đại Nội cho biết, hành khách đều được nhân viên nhắc nhở mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi để đảm bảo an toàn. Những trường hợp cố tình không tuân thủ quy định, bến phà kiên quyết từ chối phục vụ. Bến phà Đại Nội có bảng nội quy rõ ràng; niêm yết giá công khai trên đò, lối lên xuống, nhà chờ; các số điện thoại khẩn cấp.

Bến phà Sa Cao - Thái Hạc nối huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định và huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình qua sông Hồng, mỗi ngày có hàng nghìn lượt người và phương tiện qua sông. Bước vào mùa mưa bão, ngoài việc kiểm tra, bão dưỡng phương tiện định kỳ, bến phà đã thành lập Tổ xung kích phòng, chống thiên tai; chuẩn bị đầy đủ vật tư, bố trí nạo vét âu để đảm bảo cất giấu phương tiện khi xảy ra thiên tai. Theo ông Đỗ Văn Dương, Bến trưởng Bến phà Sa Cao - Thái Hạc, Tổ xung kích phòng, chống thiên tai gồm 28 người, đảm bảo trực 100% quân số khi có thiên tai xảy ra.

Tỉnh Nam Định có hệ thống giao thông đường thủy rất đa dạng, phức tạp với tổng chiều dài 536km. Trên địa bàn hiện có 80 bến khách ngang sông, 5 bến phà; trong đó nhiều tuyến có mật độ người và phương tiện lưu thông lớn, nhiều bến đò chở khách ở những nơi có dòng nước chảy xiết, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Mới đây ngày 7/8, khi cầu phao Ninh Cường đang mở cho tàu thuyền lưu thông thì bị một tàu vận tải có trọng tải 5.000 tấn đi từ thượng lưu về hạ lưu va trúng. Sự cố xảy ra tuy không gây thiệt hại về người và tài sản nhưng do tàu va chạm mạnh đã kéo xô lệch phao của cầu khiến việc lưu thông của người dân hai bên bờ sông bị ảnh hưởng. Trước đó, cuối tháng 3/2023, cầu phao này cũng gặp sự cố tương tự. Các vụ tai nạn cho thấy hoạt động chở khách ngang sông tại Nam Định vẫn tồn tại nhiều bất cập.

Các ngành chức năng tỉnh Nam Định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra điều kiện hoạt động của các bến đò ngang sông và các cảng, bến thủy nội địa trên toàn tỉnh; kịp thời chấn chỉnh, có biện pháp xử lý nghiêm những hành vi vi phạm như không trang bị áo phao hoặc dụng cụ cứu sinh cho người và phương tiện; chở quá số người quy định; tham gia lưu thông trong điều kiện không an toàn; lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường thủy để xây dựng nhà ở, bến bãi…

Phà Đại Nội trên quốc lộ 21B nối huyện Trực Ninh và Hải Hậu qua sông Ninh Cơ.

Phà Đại Nội trên quốc lộ 21B nối huyện Trực Ninh và Hải Hậu qua sông Ninh Cơ.

Ông Vũ Mạnh Hà, Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh cho biết, trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng sẽ tập trung vào những hành vi như: phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; không bảo đảm điều kiện an toàn; người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên theo quy định… Lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để chấn chỉnh hoạt động của các bến khách ngang sông theo đúng quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: Công Luật (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/nam-dinh-dam-bao-an-toan-giao-thong-tai-cac-ben-pha-20230822080606858.htm