Nam Định đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới
Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số cùng nhiều giải pháp đồng bộ khác tỉnh Nam Định đã giành được nhiều kết quả nổi bật trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Hiện nay, địa phương đang từng bước hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh.
Mục tiêu trên được chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định đề ra theo Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021 - 2025”.
Theo đó, tỉnh Nam Định đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới NTM thông minh.
Trên cơ sở phát triển đồng bộ cả 3 nhóm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số mà đối tượng thụ hưởng chính là người dân, cộng đồng dân cư, các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn.
Một số mục tiêu được đặt ra như:
- Lấy Chuyển đổi số là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, triển khai một cách chủ động, linh hoạt.
- Xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, trên cơ sở kế thừa, tiếp tục phát triển, hoàn thiện kết quả các chương trình, dự án về công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã và đang triển khai, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.
- Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân nông thôn chủ động áp dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân.
- Phát huy vai trò của người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số cùng các cấp, các ngành, và cả hệ thống chính trị.
- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng NTM.
Ông Nguyễn Văn Hữu – Phó giám đốc Sở NN và PTNT – Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Nam Định cho biết: Sau 03 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU, Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, tác động trực tiếp, toàn diện tới khu vực nông thôn; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được thay đổi rõ rệt; kết cấu hạ tầng được nâng cấp; kinh tế - xã hội, kinh tế nông thôn tăng trưởng khá; văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế phát triển; cảnh quan môi trường ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp; hệ thống chính trị được củng cố, an ninh chính trị và trật tự xã hội được đảm bảo.
Đến nay, toàn tỉnh Nam Định có 199 xã, thị trấn (chiếm 97,5% tổng số xã, thị trấn) được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, vượt xa so với mục tiêu Nghị quyết 06-NQ/TU; trong đó có 40 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, bằng 21,3% so với tổng số xã và 06 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh;ngoài ra, có 16 xã đang tích cực hoàn thiện hồ sơ, tiêu chí để đề nghị xét công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong năm 2024.
Riêng huyện Giao Thủy được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Các huyện còn lại đang tích cực triển khai, thực hiện các nội dung tiêu chí huyện NTM nâng cao, chỉ đạo các xã hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 và các thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Huyện Hải Hậu đạt và cơ bản đạt 10/14 chỉ tiêu của Đề án xây dựng thí điểm mô hình huyện NTM kiểu mẫu.
Tỉnh Nam Định được Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG đánh giá là một trong những tỉnh thực hiện tốt Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu và Chương trình OCOP.
Để có được kết quả như trên, tỉnh Nam Định huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã nghiêm túc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu tại địa phương; phát động và thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Nam Định chung sức xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu” giai đoạn 2021 - 2025. với phương châm "Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ".
Tới đây, Nam Định tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng nhanh và bền vững dựa trên khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống và phúc lợi của người dân. Xây dựng các mô hình thôn, xóm thông minh, xã thông minh.
Theo đó, trên địa bàn huyện Giao Thủy có xã Giao Phong được Bộ Nông nghiệp và PTNT lựa chọn xây dựng mô hình thí điểm xã NTM thông minh. Xã Giao Phong đã xây dựng Báo cáo đề xuất mô hình “Xã nông thôn mới thông minh Giao Phong” được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt theo Quyết định số: 518/QĐ-UBND ngày 18/3/2024, với kinh phí ước tính gần 11 tỷ đồng. Hiện nay, xã đang thuê công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam là đơn vị tư vấn để xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết các nội dung của mô hình.
Công tác truyền thông về Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) cũng được UBND huyện chú trọng nhằm mục đích nâng cao nhận thức và hiểu biết của cộng đồng người dân về tầm quan trọng và lợi ích của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội nhất là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh. Phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số. Trong 06 tháng đầu năm 2024 UBND huyện đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đăng ký cho 60 cán bộ các cơ quan và đơn vị trên địa bàn huyện các khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số trên nền tảng MOOCs, nền tảng mở đại trà của Bộ thông tin và truyền thông; tổ chức 4 lớp tập huấn cho trên 800 người về phổ biến kiến thức kỹ năng về sử dụng máy vi tính và kỹ năng số cơ bản cho người dân trong độ tuổi lao động thuộc các xã Giao Hà, Bình Hòa, Giao An, Giao Yến. Đồng thời tổ chức các hội nghị tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển, ứng dụng CNTT; phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về an toàn thông tin trong cán bộ, công chức và trong cộng đồng, xã hội.
Ông Phạm Văn Sơn – chủ tịch UBND xã Giao Phong nhận định: Trong những năm qua, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh Nam Định nói chung và đặc biệt là xã Giao Phong huyện Giao Thủy nói riêng đã nỗ lực phấn đấu và đến giờ này chúng tôi đã thành công trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Có thể khẳng định rằng đây là một chủ trương rất đúng, hợp lòng dân đem lại “một không khí mới, một luồng gió mới” cho người dân nông thôn. Và đem lại cái “diện mạo mới” cho miền quê nông thôn như xã Giao Phong chúng tôi đã thay đổi hàng ngày, được người dân và các cái đoàn tham quan đánh giá đây là một miền quê đáng sống”. Hiện nay, xã Giao Phong đang phấn đấu về đích xã NTM thông minh vào năm 2025.