Nam Định: Nỗ lực xử lý, giải tỏa các bến bãi vi phạm ở huyện Nam Trực

Để đảm bảo an toàn đê điều và công trình thủy lợi trên địa bàn, huyện Nam Trực (Nam Định) đã tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm tại các bến bãi ven sông. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn còn khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Nam Trực, toàn huyện hiện có 30 bến bãi kinh doanh cát, đá, vật liệu xây dựng ven sông. Đa số các bến bãi này không nằm trong quy hoạch và chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Hoạt động tại các bến bãi mang đến nhiều lợi ích cho sự phát triển của địa phương như: Thúc đẩy vận tải hàng hóa đường thủy nội địa, cung ứng vật liệu xây dựng phục vụ dự án công trình và thị trường.

Tuy nhiên, vì chưa được cấp phép và không nằm trong quy hoạch đã dẫn đến sự lộn xộn tại các bến bãi, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến an toàn hành lang đê điều, môi trường. Để đảm bảo các bến bãi hoạt động đúng quy định và giải tỏa bến bãi không phù hợp quy hoạch, huyện Nam Trực đã đẩy mạnh kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong thời gian qua.

Theo Hạt quản lý đê Nam Trực, đa số các bến bãi hoạt động trên tuyến đê tả Đào, đê hữu Hồng không phù hợp quy hoạch.

Theo Hạt quản lý đê Nam Trực, đa số các bến bãi hoạt động trên tuyến đê tả Đào, đê hữu Hồng không phù hợp quy hoạch.

Ông Đặng Quốc Hương, Hạt trưởng Hạt quản lý đê Nam Trực cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, Hạt quản lý đê đã xử lý 45 trường hợp xây dựng lán trại, đổ bê tông lấn chiếm hành lang an toàn đê điều; xử lý 29/33 biển báo trên mặt đê tại các xã Nam Thanh, Nam Thắng, Nam Hồng, Tân Thịnh. Hiện nay, Hạt quản lý đê đang tục triển khai thực hiện phát quang mái đê, tháo dỡ biển quảng cáo, giải tỏa các bãi kinh doanh vật liệu vi phạm hành lang đê theo kế hoạch chỉ đạo số 666/UBND-PNN&PTNT của UBND huyện ban hành ngày 5/6/2024.

Hạt trưởng Hạt quản lý đê Nam Trực cũng cho biết thêm, những bến bãi, mấu trụ đang tồn tại trên địa bàn hiện nay gần như không có phép. Công tác kiểm tra, xử lý của Hạt cũng gặp khó vì đa số bến bãi đều đó có từ rất lâu, quy mô nhỏ lẻ không nằm trong quy hoạch. Vì vậy, Hạt quản lý đê đã có ý kiến đến các cấp có thẩm quyền về việc xử lý dứt điểm những tồn đọng trước đây.

Về nguyên nhân tồn đọng các bến bãi không phép và không phù hợp quy hoạch, ông Nguyễn Xuân Hưởng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Đa phần các bến bãi chưa được cấp phép là do các hộ dân tự kinh doanh nhỏ lẻ, không nằm trong quy hoạch chung của tỉnh. Trong đó có trạm trộn bê tông tại xã Nghĩa An đang được kiểm tra, xử lý do chưa có đầy đủ giấy phép. Trạm bê tông tại xã Nam Dương xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp, tự ý san gạt khi chưa xin phép các cấp có thẩm quyền.

Công tác kiểm tra, xử lý bến bãi vi phạm tại huyện Nam Trực gặp khó vì đa số bến bãi đều đó có từ rất lâu.

Công tác kiểm tra, xử lý bến bãi vi phạm tại huyện Nam Trực gặp khó vì đa số bến bãi đều đó có từ rất lâu.

Với hàng chục bến bãi đang tồn tại trên địa bàn, tiến độ dừng hoạt động và giải tỏa bến bãi không phép, không phù hợp quy hoạch còn chậm do các chủ bến bãi không chấp hành theo yêu cầu. Một số bến bãi vi phạm đã bị xử lý nhưng vẫn tiếp tục vi phạm. Cụ thể là Công ty Cổ phần Cơ khí Nam Ninh.

Trước đó, ngày 9/4/2024, Sở NN&PTNT nhận được báo cáo số 14/BC-QLĐ của Hạt quản lý đê Nam Trực về vi phạm của Công ty Cổ phần Cơ khí Nam Ninh. Công ty này xây dựng công trình trái phép trên bãi sông hữu Hồng (vị trí K181 + 050) thuộc địa phận xã Nam Thanh. Hạt quản lý đê đã phối hợp với UBND xã Nam Thanh lập biên bản yêu cầu công ty dừng việc vi phạm kể trên, buộc phải giải tỏa toàn bộ vi phạm xây dựng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Tuy nhiên, công ty này vẫn tiếp tục xây dựng công trình vi phạm.

Hiện nay, Phòng NN&PTNT huyện đang tham mưu cho các cấp có thẩm quyền sớm có những biện pháp cụ thể xử lý dứt điểm những bến bãi, mấu trụ vi phạm hành lang an toàn đê, cũng như tiến tới xóa bỏ những bến bãi không đảm bảo các tiêu chí về luật đê điều.

Để đảm bảo an toàn đê điều và công trình thủy lợi, UBND huyện Nam Trực đã ban hành kế hoạch số 678/UBND-PNN&PTNT về việc tập trung chỉ đạo xử lý vi phạm đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn. Thực hiện theo kế hoạch, UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống truyền thanh của địa phương và cơ sở về các quy định của pháp luật trong bảo vệ, quản lý, khai thác công trình thủy lợi, đê điều.

Theo lộ trình kế hoạch số 62/KH-UBND của UBND huyện ban hành ngày 21/6/2024 về xử lý vi phạm đê điều giai đoạn 2023-2025, các địa phương tiếp tục triển khai xử lý các vi phạm còn tồn đọng năm 2023 và 2024.

Huyện Nam Trực (Nam Định) đang nỗ lực xử lý, giải tỏa các bến bãi vi phạm.

Huyện Nam Trực (Nam Định) đang nỗ lực xử lý, giải tỏa các bến bãi vi phạm.

Đang vào mùa cao điểm của lũ bão, để đảm bảo an toàn đê điều và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng, chính quyền địa phương cấp xã nhất là lực lượng Công an, Thanh tra giao thông tăng cường công tác kiểm tra trên các tuyến đê, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật. Kịp thời báo cáo nếu có các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện xử lý vi phạm.

Kiểm tra, xử lý đối với các bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu, công trình xây dựng, trạm trộn bê tông đang hoạt động trái phép hoặc hết thời gian cho phép trên các bãi sông, yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải tự giải tỏa vật liệu, công trình trên bãi, nếu không chấp hành phải xử lý theo quy định. Tổ chức, cá nhân nào tái vi phạm nhiều lần thì chuyển cơ quan pháp luật để xử lý.

Sở NN&PTNT và huyện Nam Trực yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động ven đê cam kết không sử dụng xe quá tải trọng cho phép đi trên đê, không làm rơi vãi vật liệu trên đê gây ô nhiễm môi trường và phải có biện pháp quản lý chặt chẽ theo đúng nội dung cam kết.

Sông Hồng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nam-dinh-no-luc-xu-ly-giai-toa-cac-ben-bai-vi-pham-o-huyen-nam-truc-92042.html