Nam Định: Xây dựng nông thôn mới 'không có điểm dừng'
Với phương châm 'xây dựng NTM có điểm khởi đầu không có điểm dừng', sau thành tích ấn tượng 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020, từ năm 2020 đến nay, tỉnh Nam Định tiếp tục dồn lực thực hiện mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu…
Không ngừng nâng cao chất lượng NTM
Theo ông Đoàn Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định, những kết quả xây dựng NTM giai đoạn đầu đã khích lệ mạnh mẽ các cá nhân, cộng đồng ở tỉnh. Người dân nông thôn Nam Định cảm nhận rõ xây dựng NTM đã mang lại nhiều đổi thay tích cực trong cuộc sống của mình. Xóm làng sáng, xanh, sạch đẹp hơn, đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao hơn. Chính vì vậy, ở thời điểm hiện tại, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, các tầng lớp nhân dân ở Nam Định đang tiếp tục đoàn kết, đồng thuận, tích cực đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng xóm làng, xứ đạo của mình theo các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Theo tiêu chí xã NTM kiểu mẫu do UBND tỉnh Nam Định ban hành (ngày 8/8/2022), xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 -2025 là xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2018 - 2020 phải đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
Thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2021 - 2025: Năm 2021 bằng hoặc hơn 66 triệu đồng; năm 2022 bằng hoặc hơn 72 triệu đồng; năm 2023 bằng hoặc hơn 83 triệu đồng; năm 2024 bằng hoặc hơn 93 triệu đồng; năm 2025 bằng hoặc hơn 103 triệu đồng. Với các tiêu chí này, UBND tỉnh quy định hàng năm sẽ rà soát, điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Có ít nhất 1 mô hình thôn/xóm thông minh (có ít nhất 1 “Tổ công nghệ số cộng đồng”; có sản phẩm tiêu biểu của người dân trong thôn/xóm được giới thiệu, bán hàng trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội hoặc được bán trên sàn thương mại điện tử; có ít nhất 1 điểm wifi miễn phí phục vụ người dân tại điểm tập trung công cộng; trên 70% người dân được bồi dưỡng, tập huấn phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và tham gia sử dụng các nền tảng số, ứng dụng di động và dịch vụ trực tuyến do cơ quan nhà nước cung cấp).
Đạt tiêu chí quy định xã NTM kiểu mẫu theo ít nhất 1 trong các lĩnh vực nổi trội nhất, gồm: Về sản xuất: Sản phẩm chủ lực của xã có liên kết theo chuỗi giá trị, sản lượng tiêu thụ trong chuỗi liên kết đạt 50% trở lên.
Về giáo dục: Các cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia, trong đó có ít nhất 1 cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; các cơ sở giáo dục đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn.
Về y tế: Tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe (áp dụng cho cả nam và nữ) đạt bằng hoặc hơn 92%.
Về văn hóa: Có mô hình văn hóa, thể thao, nghệ thuật truyền thống tiêu biểu, đặc thù phù hợp với địa phương, thu hút từ 60% trở lên số người thường trú trên địa bàn xã tham gia; mỗi thôn/xóm có ít nhất 1 đội hoặc 1 câu lạc bộ văn hóa, văn hóa truyền thống, trò chơi dân gian độc đáo,… thu hút đông đảo người dân tham gia, hoạt động thường xuyên, phát huy hiệu quả.
Về môi trường: Tỷ lệ hộ gia đình trên địa bàn xã thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt đạt 100%; có giải pháp thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đồng bộ theo quy định; tỷ lệ hộ gia đình thực hiện thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt bằng biện pháp phù hợp, hiệu quả đạt trên 80% tổng số hộ gia đình.
Về an ninh trật tự: Không thuộc danh sách xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự theo Quyết định của Bộ Công an và danh sách xã trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội theo Quyết định của Ban chỉ đạo 138 của tỉnh; 2 năm gần nhất đề nghị xét công nhận NTM kiểu mẫu không có công dân cư trú trên địa bàn phạm tội từ nghiêm trọng trở lên; có từ 3 mô hình về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội (trong đó có 1 mô hình sử dụng hệ thống camera giám sát); xã được phân loại “Xuất sắc” trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Về chuyển đổi số: 100% cán bộ công chức xã, tổ công nghệ cộng đồng của xã, thôn/xóm được bồi dưỡng, tập huấn các nội dung về chuyển đổi số; có Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (truyền thanh thông minh); có bảng tin điện tử công cộng.
Theo các tiêu chí trên, xã Giao Phong (Giao Thủy) là xã đầu tiên của Nam Định “cán đích”, đạt đủ 4/4 tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, gồm thu nhập bình quân đầu người đạt 78 triệu đồng (cao hơn 6 triệu đồng so với quy định); xây dựng được mô hình thôn xóm thông minh; thành lập được tổ công nghệ số cộng đồng và đặc biệt đạt được tiêu chí nổi trội về lĩnh vực giáo dục. Cuối năm 2022 được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu nổi trội về lĩnh vực giáo dục, sau khi lần lượt đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao.
Thực hiện các tiêu chí xây dựng xã NTM kiểu mẫu, xã đã huy động tổng cộng gần 197 tỷ đồng từ các nguồn, trong đó có nguồn đóng góp của nhân dân địa phương, con em xa quê để thực hiện. Các nguồn huy động được xã tập trung đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, nâng cấp hạ tầng, các công trình công cộng, công trình phục vụ sản xuất, dân sinh, cải tạo cảnh quan, môi trường; công trình phục vụ vui chơi, giải trí…
Ở thời điểm hiện tại xã có hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… đồng bộ, hiện đại; các hoạt động phát triển kinh tế từ sản xuất nông nghiệp, khai thác, chế biến thủy hải sản, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn xã đều phát triển sôi động; diện mạo nông thôn của xã thay đổi toàn diện, “sáng - xanh - sạch - đẹp”; an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn được giữ vững.
Đặc biệt, xã Giao Phong có 1 điểm phục vụ bưu chính đáp ứng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân. Tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt 82,1%; có 11/11 xóm trong xã có hệ thống loa hoạt động thường xuyên; có 11/11 xóm trong xã có các hộ gia đình thu xem được 1 trong các phương thức truyền hình vệ tinh, số mặt đất, truyền hình qua mạng Internet; có 2 điểm cung cấp xuất bản phẩm.
Xã đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế - xã hội, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến, kết quả số hóa thủ tục hành chính (TTHC), kết quả thanh toán trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4… của xã đạt cao.
Xã có 4 sản phẩm OCOP được xếp hạng cấp tỉnh từ 3 sao trở lên, 100% sản phẩm OCOP được giới thiệu, quảng bá trên nền tảng sàn thương mại điện tử; 100% hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, khu di tích được thông báo, gắn biển địa chỉ số đến từng điểm địa chỉ.
Các điểm công cộng ở xã đều có mạng wifi miễn phí. Sản phẩm chủ lực của xã là khoai tây với diện tích 32,4 ha. Xã triển khai ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc; vùng nguyên liệu tập trung được cấp mã vùng theo quy định. Tỷ lệ sản phẩm chủ lực của xã được bán qua kênh thương mại điện tử đạt 12%. Điểm du lịch của xã được quảng bá hình ảnh trên các mạng xã hội. Tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử đạt 95%.
Đây chính là cơ sở để ngày 16/3/2023, cùng với 8 mô hình khác trên cả nước, “Mô hình xã nông thôn mới thông minh Giao Phong” (Nam Định) được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phê duyệt vào danh mục mô hình thí điểm do Trung ương chỉ đạo thuộc Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021-2025 (Đợt 1).
Tiếp sau xã Giao Phong, nhiều xã khác ở 9 huyện trong tỉnh Nam Định lần lượt được Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu nổi trội về các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, sản xuất, chuyển đổi số.
Trong đó, mới đây nhất, vào ngày 24/11, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã công nhận các xã Yên Lương (Ý Yên), Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu nổi trội về lĩnh vực chuyển đổi số.
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Nam Định, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 191/204 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 93,6%), 25/188 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 13,3%). Nhiều huyện trong tỉnh đang hướng đến mục tiêu đạt chuẩn Huyện NTM kiểu mẫu…
Chỉ tính trong 2 năm (2021-2022), toàn tỉnh đã huy động khoảng 20.168 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách Trung ương chiếm 1,2%; ngân sách địa phương chiếm 6%; còn lại là vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, vốn tín dụng và vốn doanh nghiệp, hợp tác xã và huy động cộng đồng) để thực hiện mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Phát triển kinh tế nông thôn từ sản phẩm OCOP
Phát huy lợi thế là địa phương có sản phẩm nông nghiệp, nông thôn phong phú, đa dạng; có cả trăm làng nghề truyền thống, tỉnh Nam Định đã và đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), coi đây là giải pháp đột phá, yêu cầu bắt buộc nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn trong tiến trình xây dựng NTM…
Nam Định phát triển sản phẩm OCOP trên nền tảng thế mạnh từ nhiều đời nay, nông thôn, nông dân, ngư dân, diêm dân Nam Định đã và đang cung cấp cho xã hội nhiều sản phẩm thiết thực, từ các loại lương thực, thực phẩm (gạo, muối, nước mắm, thủy hải sản của Nam Định nổi tiếng thơm ngon), đồ uống, đồ thủ công mỹ nghệ đến sản phẩm du lịch nông thôn.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh, sau gần 5 năm thực hiện, đến hết năm 2023, tỉnh Nam Định đã có 431 sản phẩm OCOP, trong đó có 376 sản phẩm OCOP 3 sao, 55 sản phẩm OCOP 4 sao. Trong số 431 sản phẩm, có 396 sản phẩm OCOP thuộc ngành thực phẩm (93,18%); 15 sản phẩm thuộc ngành đồ uống (3,53%); 4 sản phẩm thuộc ngành thủ công mỹ nghệ (0,94%); 3 sản phẩm thuộc ngành du lịch nông thôn (0,71%); 7 sản phẩm sinh vật cảnh (1,65%).
Trong năm 2023, tỉnh Nam Định đã trình Bộ NN&PTNT đánh giá, phân hạng 2 sản phẩm OCOP 5 sao (sản phẩm Gạo Toản Xuân, Nghêu thịt hộp Lenger); dự kiến năm 2024 trình Trung ương đánh giá phân hạng sản phẩm 5 sao cho 1 sản phẩm - Du lịch nông thôn (Ecohost Hải Hậu).
Theo ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định, để gắn kết sản phẩm OCOP của tỉnh với thị trường, những năm qua, tỉnh đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia hàng chục hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình kết nối cung cầu ở cả Trung ương và địa phương; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn đào tạo kỹ năng tham gia hội chợ, triển lãm, kỹ năng thiết kế bao bì, nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm cho các chủ đại diện sản phẩm; tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm.
Tỉnh cũng ban hành cơ chế hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất có sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Như năm 2022, tỉnh thực hiện hỗ trợ 65 tập thể, hộ cá nhân có 91 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, tổng số tiền hỗ trợ 2,5 tỷ đồng, vừa động viên, khuyến khích vừa hỗ trợ các chủ thể sản xuất hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngoài thế mạnh có nhiều sản phẩm OCOP thuộc ngành thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, sinh vật cảnh, những năm qua tỉnh Nam Định tập trung phát huy thế mạnh sản phẩm OCOP thuộc ngành du lịch nông thôn (du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch), hiện tỉnh có 3 sản phẩm thuộc ngành này tham gia chương trình OCOP.
Hướng đi này xuất phát từ đặc điểm Nam Định là tỉnh nằm ở trung tâm vùng nam Đồng bằng sông Hồng, thuộc miền duyên hải phía Bắc, giao thông thuận tiện, nông thôn trù phú, nhiều sản vật, đậm đặc các di tích, di sản, công trình tôn giáo, tín ngưỡng (có hơn 800 ngôi chùa; hơn 660 nhà thờ Công giáo), có Vườn quốc gia Xuân Thủy, có các bãi tắm. Phát triển các sản phẩm OCOP về du lịch ngoài nâng cao thu nhập cho người dân sở tại còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.
Trong số các sản phẩm OCOP thuộc nhóm trên, sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng của Hợp tác xã Du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân (xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy) nổi tiếng ở Nam Định trong nhiều năm qua. Sản phẩm ra đời xuất phát từ việc xã Giao Xuân nằm ở vùng đệm Vường quốc gia Xuân Thủy - một hệ sinh thái đất ngập nước vùng cửa sông. Đặc trưng của Vườn là bạt ngàn cây sú vẹt, mênh mông đầm bãi, có rất nhiều loài thủy sản. Vườn cũng được biết đến như một “ga chim” khi hàng năm các loài chim di trú trên hành trình tránh rét thường về đây “dưỡng sức”, chuẩn bị cho hành trình tiếp theo.
Sử dụng dịch vụ, du khách được được ăn, nghỉ trong nhà dân ở địa phương; được trải nghiệm thiên nhiên ở Vườn quốc gia, được thưởng thức hải sản, được du khảo đồng quê bằng xe đạp; được giao lưu với người địa phương trong các sinh hoạt văn hóa đậm tính cộng đồng, dân dã.
Ra đời muộn hơn, đi vào hoạt động từ năm 2018 nhưng những năm gần đây sản phẩm du lịch nông thôn “Ecohost Hải Hậu” (của Công ty CP Tư vấn và Đầu tư ECOHOST, chi nhánh huyện Hải Hậu) được nhiều người trong và ngoài Nam Định biết đến, được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Sản phẩm ra đời ở địa bàn một huyện ven biển trù phú, đang hướng đến đích đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, với các dịch vụ lưu trú ở homestay sinh thái, thưởng thức ẩm thực miền biển, xem nghệ thuật hát văn, múa rối nước, tham quan các công trình nhà thờ tôn giáo, cầu Ngói cổ ở xã Hải Anh; tham quan các làng nghề đan lưới (xã Hải Triều), làng nghề kèn đồng (xã Hải Minh); trải nghiệm đời sống nông nghiệp, nông thôn…
Cùng là sản phẩm du lịch sinh thái, sản phẩm du lịch sinh thái Núi Ngăm (một trong số ít ngọn núi ở tỉnh Nam Định, thuộc địa bàn xã Minh Tân, huyện Vụ Bản; cách TP Nam Định khoảng 10km) cũng thiên về hoạt động trải nghiệm, rất hấp dẫn giới học sinh, sinh viên khi đến đây “vừa được chơi vừa được học”; được khám phá thiên nhiên trong xanh, mát lành quanh núi, chụp ảnh, được bơi thuyền trên sông Ngăm, được đạp xe, được thưởng thức đặc sản bản địa…
Trước đó, Nam Định đã rất nổi tiếng với các sản phẩm du lịch gắn với lễ hội như hội chợ Viềng xuân, Lễ hội Khai Ấn đền Trần (dịp đầu xuân), Lễ hội đền Trần (mùa thu); Lễ hội Phủ Dầy cùng nhiều lễ hội gắn với các di tích nổi tiếng khác ở tỉnh.