Nam giới Nhật Bản cảm thấy bị thiệt thòi so với phụ nữ
NHẬT BẢN - 30% nam giới Nhật Bản tin rằng những nỗ lực bình đẳng giới đang vượt quá giới hạn hợp lý, khiến họ bị phân biệt đối xử ngược.
Theo một cuộc thăm dò mới đây, khoảng 30% nam giới thế hệ Z ở Nhật Bản tin rằng những nỗ lực để đạt được bình đẳng trong xã hội và ở nơi làm việc đã đi quá xa. Con số này làm các chuyên gia lo ngại về những nguy cơ bạo lực tiềm ẩn.
Ipsos SA, công ty khảo sát quan điểm của Pháp, đã hỏi gần 22.000 người ở 29 quốc gia về các bước mà chính phủ và xã hội nói chung đã thực hiện để đạt được bình đẳng về giới về việc làm, sự đa dạng giới tính và bình đẳng cho người khuyết tật.
Trong khi 47% số người được hỏi cho rằng cần nỗ lực hơn nữa để đạt được bình đẳng, thì một số lượng đáng kể nam giới thế hệ Z bày tỏ lo ngại về việc nỗ lực thúc đẩy bình đẳng đang vượt quá giới hạn hợp lý. Con số 30% của Nhật Bản nổi bật so với mức trung bình 27% ở các quốc gia khác.
Thế hệ Z thường bao gồm những người sinh từ năm 1996 đến năm 2012, sau thế hệ thiên niên kỷ và trước thế hệ Alpha.
“Tôi tiếp xúc với những người thuộc thế hệ Z hàng ngày ở trường đại học và đúng là nhiều nam thanh niên cảm thấy họ đang bị thiệt thòi so với phụ nữ”, Izumi Tsuji, giáo sư Xã hội học tại Đại học Chuo ở Tokyo, cũng là thành viên của nhóm Nghiên cứu thanh niên Nhật Bản cho hay.
“Họ cảm thấy rằng tất cả các đối tượng – từ phụ nữ, người có giới tính khác biệt, người khuyết tật hay bất kỳ ai – đều đang được ưu ái quá nhiều và nam giới đang không được trao cơ hội”, ông chia sẻ với tờ This Week in Asia.
Khi được hỏi về thành công của họ trong các lĩnh vực nghề nghiệp và xã hội, chỉ có 30% người Nhật Bản thuộc thế hệ Z cho rằng thành tích của họ có được là nhờ năng lực cá nhân. Hầu hết đều cảm thấy thành công của họ phần lớn bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh bên ngoài.
“Trong bối cảnh nỗ lực xây dựng một xã hội bình đẳng, tôi tự hỏi liệu có lúc nào chúng ta đang phân biệt đối xử ngược hay không”, ông Shunichi Uchida, Chủ tịch Ipsos Nhật Bản, đặt câu hỏi.
“Thế hệ Z không cảm thấy họ có thể thành công nhờ vào năng lực hay nỗ lực của chính mình bởi vì họ thấy rằng, ngay cả khi các cơ hội bình đẳng được mở rộng, họ cũng sẽ không được hưởng lợi nhiều như các thế hệ cũ”.
Giáo sư Tsuji của Đại học Chuo cảnh báo rằng việc gạt ra ngoài lề nhóm đàn ông trẻ tuổi này có thể gây ra những hệ quả nguy hiểm.
“Nhóm này là những người có xu hướng nhút nhát và không lên tiếng phản đối những gì họ coi là phân biệt đối xử ngược, nhưng một số người trong số họ lại tức giận”, ông nói. “Tất nhiên, rất ít người hành động thể hiện sự bức xúc, nhưng với một số khác, sự tức giận có thể gây nguy hiểm và có khả năng dẫn đến bạo lực”.
Đã có tiền lệ về hành vi bạo lực như vậy xảy ra ở Nhật Bản. Vào tháng 10/2021, Kyota Hattori, 24 tuổi, đã tấn công hành khách trên tàu điện ngầm Keio ở Tokyo, làm 17 người bị thương. Khi bị bắt, Hattori khai rằng anh ta muốn phạm một tội đủ nghiêm trọng để phải chịu án tử hình vì anh ta đang gặp vấn đề với đồng nghiệp.
Cuối cùng, anh ta bị kết án 23 năm tù. Hattori nói với tòa rằng, anh ta "lấy cảm hứng" từ hành động của Yusuke Tsushima, người đã thực hiện một vụ tấn công tương tự cách đó chỉ vài tuần.
Tsushima, 36 tuổi, đã làm 10 người bị thương trên một chuyến tàu ở Tokyo vào tháng 8/2021. Sau đó, người này khai với cảnh sát rằng, anh ta nhắm vào "những cặp đôi trông hạnh phúc" bởi vì trông những người phụ nữ này giống như "kẻ chiến thắng" trong cuộc sống.
Ngược lại với nhận định trên, nhiều người thuộc thế hệ Z bày tỏ sự lo ngại về cơn giận dữ của nhóm 30% này, đặc biệt là khi xã hội Nhật Bản hiện đại đang có rất nhiều cơ hội cho người trẻ.
"Mỗi người phải tự vượt qua những thách thức mà mình gặp phải trong công việc và trong cuộc sống để làm cái mà họ muốn làm. Tôi không hiểu tại sao mọi người lại tức giận hay oán giận người khác khi lẽ ra họ đã có thể làm tốt hơn. Thật dễ dàng để đổ lỗi cho người khác”, Issei Izawa, 25 tuổi chia sẻ quan điểm.