Nam giới tiên phong hành động vì phụ nữ và trẻ em

Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), xưa nay, những định kiến, quan niệm 'trọng nam khinh nữ' vẫn ít nhiều tồn tại trong nhiều nếp nhà. Nam giới trong gia đình thường ít quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em (PN&TE). Thế nhưng, kể từ khi có sự truyền thông của các cấp chính quyền, đoàn thể, các chương trình, dự án, đặc biệt là Dự án 8, ở nhiều làng bản xa xôi đã dần xuất hiện những tấm gương nam giới tiên phong hành động vì PN&TE, làm chuyển biến nhận thức, thay đổi bộ mặt của nhiều làng bản vùng cao Quảng Trị.

Một buổi sinh hoạt tuyên truyền tại thôn A Bung, xã A Bung, huyện Đakrông do anh Hồ Văn Choóc dẫn dắt - Ảnh: PNĐK

Một buổi sinh hoạt tuyên truyền tại thôn A Bung, xã A Bung, huyện Đakrông do anh Hồ Văn Choóc dẫn dắt - Ảnh: PNĐK

Khi đàn ông đứng về phía phụ nữ

Từ xưa, trong quan niệm truyền thống của nhiều vùng quê, việc chăm lo cho PN&TE vẫn thường được mặc định là “việc của đàn bà”. Nam giới thường chỉ đảm nhiệm vai trò trụ cột kinh tế, còn việc chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái, bảo vệ quyền lợi cho PN&TE hiếm khi được nhắc đến. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, các tổ chức đoàn thể, cùng Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, nam giới trong nhiều địa phương đã dần thay đổi nhận thức, không còn là người ngoài cuộc, mà trở thành những người tiên phong, đồng hành, hành động thiết thực vì hạnh phúc và quyền lợi của PN&TE.

Ở Bản Bù, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa, bà con thường nhắc đến anh Hồ Văn Tùng, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng, người tiên phong tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ nạn tảo hôn, bạo lực gia đình (BLGĐ) và bảo vệ PN&TE. Ngày trước trong bản, con gái 14 -15 tuổi đã bị gả chồng. PN&TE gái ở đây ít có tiếng nói trong gia đình, họ cam chịu sự phân biệt, cặm cụi làm việc, chăm sóc chồng, con. Chị em ít có cơ hội học tập nâng cao trình độ, giải trí, tham gia các hoạt động xã hội; chưa mạnh dạn vươn lên để phát triển sinh kế, cải thiện việc làm và nâng cao thu nhập để thoát nghèo... “Tôi đã nhiều lần chứng kiến các trường hợp bạo hành vợ con. Vì bản tính nóng nảy của đàn ông mà nhiều thế hệ như mẹ mình khổ nhiều, nên giờ tôi muốn thay đổi cho thế hệ sau”, anh Tùng chia sẻ.

Không chỉ nói, anh Tùng còn trực tiếp tham gia các buổi tuyên truyền, giải thích bằng tiếng Vân Kiều cho bà con hiểu về quyền của PN&TE. Khi nghe tin trong bản có gia đình cãi nhau, hay có chuyện ép hôn sớm, anh đến tận nơi, nhẹ nhàng phân tích, khuyên can, giúp chị em trong bản không phải chịu nhiều thiệt thòi. Để tạo ra sự thay đổi lâu dài trong cộng đồng, anh đã phối hợp với các ban, ngành, tuyên truyền, đặc biệt là thành viên Tổ truyền thông cộng đồng vận động với phương châm “Mưa dầm thấm lâu” gặp một số hộ gia đình hay xảy ra BLGĐ, có nguy cơ BLGĐ, gia đình có người già, gia đình có nhiều thế hệ đang sinh sống, có trẻ em gái tuổi vị thành niên. Anh giải thích cho họ hiểu phụ nữ cũng như nam giới cần được quan tâm, bình đẳng như nhau, phải bỏ đi những hủ tục như: quan niệm “trọng nam khinh nữ”, “trời sinh voi sinh cỏ”, ốm đau nhờ đến thầy mo... nhằm hạn chế tình trạng muốn có con trai nối dõi tông đường, sinh con đông rồi sống trong cảnh đói nghèo, lạc hậu...

Với phương pháp kiên trì nói chuyện của anh, những năm gần đây, suy nghĩ của người dân trong thôn tiến bộ hẳn. Nhiều người chồng đã biết khuyến khích vợ tham gia các hoạt động, phong trào thi đua của địa phương; tự giác chia sẻ việc làm ăn, việc nhà với vợ; chăm lo con cái chu đáo hơn; không phân biệt trai hay gái. Họ cho con đến trường học chữ như nhau, đặc biệt, tình trạng muốn vợ sinh con trai “nối dõi tông đường” giảm hẳn.

Câu chuyện của những người chồng, người cha

Ở thôn A Bung, xã A Bung, huyện Đakrông có anh Hồ Văn Choóc, Phó trưởng thôn. Cũng là một người chồng, người cha trong gia đình có 3 con trong độ tuổi 0 - 10 tuổi, anh Choóc thấu hiểu những khó khăn, gánh nặng gia đình mà người vợ phải đảm nhiệm. Anh Choóc kể: “Tôi từng nghĩ chuyện bếp núc, chăm lo con cái là của vợ. Cũng giống như các ông bố khác, từng dành nhiều thời gian lướt máy mỗi khi đi làm về, ít chơi với con cái, công việc nội trợ trong gia đình đều phó thác cho vợ. Mỗi khi con ốm, việc đón con, chăm con học, vui đùa, chơi cùng con đều mình vợ lo hết. Nhưng rồi từ khi tham gia các hoạt động của Dự án 8, tôi dần nhận thấy được trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình. Từ đó, tôi quyết tâm thay đổi, cùng làm việc nhà, chăm con, động viên vợ”.

Với mong muốn cùng nhau học hỏi, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong cách nuôi dạy con, để làm sao thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho trẻ, gia đình hòa thuận, an vui và hạnh phúc, anh Choóc đã tình nguyện tham gia các hoạt động của các chương trình, dự án diễn ra tại thôn. Anh cùng với các tình nguyện viên gặp gỡ nói chuyện, tuyên truyền và vận động những ông bố đang tự mình đánh mất niềm vui, niềm hạnh phúc từ gia đình mang lại. Không chỉ tham gia mà anh còn thu hút được sự hưởng ứng tích cực của gần 10 ông bố khác trong khu dân cư cùng tham gia các buổi sinh hoạt.

Anh Hồ Cu Tèo, 30 tuổi, thôn A Bung, xã A Bung có 3 đứa con chia sẻ: “Nhờ sự dẫn dắt của anh Hồ Văn Choóc, chúng tôi đã mạnh dạn từ bỏ những thói quen, lối sống cũ để đỡ đần vợ con. Thấy vợ con mình vui, gia đình mình đầm ấm, hạnh phúc, tôi cũng vui lắm. Được tham gia vào các hoạt động của các dự án là dịp để cho các ông bố chúng ta có cơ hội học hỏi và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm”.

Với tâm huyết mong muốn tất cả nam giới trong thôn đều có cái nhìn tích cực và lành mạnh trong việc chăm sóc, sự quan tâm con cái của các ông bố, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho trẻ đã thôi thúc anh Choóc không ngừng học tập, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, trình độ hiểu biết để từng bước tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, xóa bỏ những hủ tục. “Tôi nghĩ, hình ảnh một phó trưởng thôn đi chợ, chăm con, dạy con học đã dần thay đổi cách nhìn của đàn ông trong thôn. Nếu mình làm được, thì người khác cũng sẽ làm theo”, anh Choóc cười hiền.

Những điển hình nam giới tiên phong hành động vì PN&TE là minh chứng cho thấy: khi đàn ông thay đổi nhận thức, sẵn sàng đồng hành, thì bình đẳng giới không còn là khẩu hiệu, mà trở thành giá trị sống thiết thực.

Võ Thái Hòa

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nam-gioi-tien-phong-hanh-dong-vi-phu-nu-va-tre-em-193451.htm