Năm học chưa xong, sinh viên phải đóng tiền năm mới

Năm học chưa kết thúc, trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, TP.HCM, đã yêu cầu học sinh đóng học phí năm mới. Nếu không, học viên sẽ không được thi cuối kỳ và học tiếp.

Dù năm học cũ chưa kết thúc, trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, quận Gò Vấp, TP.HCM, đã ra thông báo yêu cầu sinh viên đóng học phí học kỳ I năm học mới 2020- 2021.

Sinh viên không hoàn thành nghĩa vụ đóng học phí sẽ không có tên trong danh sách các môn học học kỳ kế tiếp và danh sách thi kết thúc môn của học kỳ II năm học 2019- 2020.

Phụ huynh không đồng tình

Nhiều phụ huynh có con đang học tại trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành cho biết họ không đồng tình với cách thu học phí của nhà trường.

Theo phụ huynh, khoảng đầu tháng 6/2020, trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành ra thông báo “Đóng học phí học kỳ I năm học 2020- 2021”.

Theo đó, trường đề nghị sinh viên các khóa 2017, 2018 và 2019 đóng học phí học kỳ I năm 2020- 2021 từ ngày ra thông báo đến hết ngày 20/6.

 Thông báo đóng học phí của trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành. Ảnh: PHCC.

Thông báo đóng học phí của trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành. Ảnh: PHCC.

“Sau ngày 20/6, sinh viên không hoàn thành nghĩa vụ đóng học phí sẽ không có tên trong danh sách học các môn của học kỳ kế tiếp và danh sách thi kết thúc môn của học kỳ II năm học 2019-2020”, thông báo nêu.

“Sau dịch Covid-19, ai cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng học phí năm học 2019- 2020, chúng tôi đã đóng đầy đủ. Nay, trường ra thông báo không đóng học phí cho kỳ học tiếp theo sẽ không được thi, là rất ép học viên. Dù biết không hợp lý, gia đình vẫn phải vay mượn để đóng học phí cho con, vì sợ không đóng sẽ không được thi”, một phụ huynh kể.

Nhà trường lên tiếng

Ngày 7/7, ông Phạm Đức Lâm, Trưởng phòng Đào tạo, trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, xác nhận có phản ánh trên của phụ huynh, sinh viên.

Theo ông Lâm, một năm học, trường chia làm 2 học kỳ như bậc học phổ thông. Học kỳ I kéo dài từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau, học kỳ II kéo dài từ tháng 2 đến tháng 6.

“Theo thông lệ, trường thông báo đóng học phí cho học kỳ tiếp theo trước 1 tháng khi bắt đầu học kỳ mới. Năm nay, trường vẫn ra thông báo như vậy. Do nhiều phụ huynh gặp khó khăn sau dịch Covid-19, thông báo gặp phải phản ứng”, ông Lâm nói.

 Đơn xin gia hạn đóng học phí của sinh viên. Ảnh: Nguyễn Dũng/Tiền Phong.

Đơn xin gia hạn đóng học phí của sinh viên. Ảnh: Nguyễn Dũng/Tiền Phong.

Ông Lâm cho biết dù biết tình hình khó khăn của phụ huynh song nhà trường vẫn phải ra thông báo như vậy là thể hiện trách nhiệm, tình thương của nhà trường với sinh viên, với phụ huynh.

Cụ thể, theo Nghị định 86/2015 của Chính phủ, sinh viên hệ trung cấp sẽ được cấp bù học phí, nên các em đi học gần như miễn học phí.

Tuy nhiên, việc cấp bù học phí được thực hiện trong năm tài chính và mỗi nơi mỗi khác. Sinh viên, sau khi đóng học phí, sẽ được nhà trường gửi một bộ hồ sơ gồm đơn đề nghị cấp bù học phí, giấy xác nhận, biên lai để nộp Phòng LĐTB&XH quận, huyện nơi sinh sống và sau đó chờ ngày nhận lại tiền học phí đã nộp.

“Vì trường không biết ở địa phương các em việc cấp bù học phí diễn ra trong thời gian nào nên trường ra thông báo sớm để gia đình chuẩn bị tiền cũng như thuận tiện trong nộp hồ sơ cấp bù học phí, tránh trường hợp chậm trễ các em không nhận lại được tiền hỗ trợ”, ông Lâm giải thích.

Theo ông Lâm, dù trường ra thông báo có vẻ cứng rắn song lúc thực hiện thì rất mềm dẻo, nhân văn.

“Năm nào, trường cũng ra thông báo đóng học phí như vậy, song nhiều sinh viên vẫn nợ học phí. Thậm chí, có em còn nợ đến 3 học kỳ, nhưng trường vẫn cho học và thi. Nếu em nào gia đình khó khăn, các em làm đơn xin gia hạn đóng học phí, trường chấp nhận hết”, ông Lâm nói.

Song, ông Lâm cũng khuyên phụ huynh nên đóng học phí sớm cho con, bởi học phí đóng xong sẽ được địa phương hoàn trả lại.

“Nếu phụ huynh chậm trễ đóng học phí, hồ sơ xin cấp bù sẽ chậm dẫn đến việc các em có thể không nhận lại được tiền hỗ trợ. Như vậy, phụ huynh sẽ thiệt thòi hơn rất nhiều”, ông Lâm nhấn mạnh.

Nguyễn Dũng / Tiền Phong

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nam-hoc-chua-xong-sinh-vien-phai-dong-tien-nam-moi-post1104427.html