Năm học mới, mong sao các con đến trường đầy đủ, được ăn no, mặc ấm
Miền ngược, miền xuôi hân hoan đón chào ngày khai giảng. Giáo viên vùng cao khấp khởi trong lòng, mong ước nhiều điều.
Mong cho năm học mới, các con đến trường đầy đủ
Thấm thía cảnh trèo đèo, lội suối đến từng thôn bản gọi học sinh đi học, cô Trần Thị Lan (Xín Mần, Hà Giang) chỉ mong sao trong năm học mới; học sinh đi học đầy đủ, chăm ngoan học giỏi.
Trong ngày khai giảng, cô Lan xúc động: “Năm học mới chỉ mong sao các em đi học đầy đủ là thầy cô vui lắm rồi.
Đồng thời tôi cũng mong muốn các vị phụ huynh quan tâm đến con em mình hơn.
Là một giáo viên vùng cao, tôi tự nhận thấy mức thu nhập của các thầy cô đã cải thiện khá nhiều, cuộc sống bớt vất vả.
Nhưng học sinh của mình nhiều em còn nghèo và khổ lắm. Chỉ mong sao nhà nước đầu tư và quan tâm đến các em nhiều hơn”.
“Năm học này con sẽ đi học đầy đủ”, đó là lời chia sẻ đầy hồn nhiên của em Vừ Seo Vọc.
Năm 2018, Vọc là một trong những học sinh thường xuyên nghỉ học. Nghe lời cam kết của Vọc, thầy Hà Văn Luận, khấp khởi trong lòng.
Thầy Luận chia sẻ: “Tôi có hơn 10 năm công tác tại huyện Mèo Vạc. Từng ấy thời gian tình cảm mình dành cho giáo dục vùng cao cũng nhiều thêm. Đến bây giờ gần như bỏ hẳn ý định về xuôi.
Trong ngày khai giảng năm học mới, chỉ mong sao các em chăm ngoan, học giỏi, nghe lời thầy cô là tôi phấn khởi lắm rồi. Học sinh vùng cao còn nhiều khó khăn, vất vả. Mong nhà nước quan tâm hơn đến các em”.
Cách đó trăm ngọn núi, học sinh trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Bản Công (Trạm Tấu, Yên Bái) phấn khởi tựu trường. Năm học này, thầy Tiến, hiệu trưởng chia sẻ: “Các em đến trường đầy đủ, nhận thức của phụ huynh học sinh tốt hơn. Tôi thấy rất vui mừng”.
Năm học mới, mong học sinh ăn no, mặc ấm
Cơn lũ quét qua huyện Văn Chấn trong năm 2018 vẫn ám ảnh thầy và trò trường Phổ thông dân tộc bán trú An Lương. Những người thầy cõng cả tấn lương thực lên trường đã đi vào trong những câu chuyện nổi bật của giáo dục năm vừa rồi.
Năm học mới, thầy và trò trường An Lương chỉ mong sao học sinh được ăn no, mặc ấm.
Thầy Diện tâm tư: “Nhà trường, thầy cô luôn đầu tư mọi nguồn lực giúp học sinh cải thiện đời sống, sinh hoạt, ngủ nghỉ.
Chúng tôi luôn sẵn sàng tất cả vì học sinh. Khói bếp nhà trường không bao giờ tắt, đảm bảo cho các em có những bữa ăn ngon, dinh dưỡng.
Đây cũng là một trong những tiêu chí để giáo dục vùng cao có thể níu chân học sinh”.
Trong ngày đầu năm học, trường Bản Công tổ chức liên hoan cho học sinh. Những khẩu phần ăn được chuẩn bị tươm tất, học sinh tíu tít như đàn chim vỡ tổ mừng ngày khai giảng.
Những suất ăn có thể đơn giản với học sinh miền xuôi nhưng đối với học sinh miền ngược thì có giá trị vô cùng.
Năm học mới, thầy Tiến tâm tư: “Phải luôn đảm bảo bếp ăn của trường nghi ngút khói. Đảm bảo cải thiện đời sống cho học sinh. Nhà trường cũng xây dựng bếp ăn tập thể, đa dạng thực đơn.
Nói chung về điều kiện ăn uống, sinh hoạt hiện nay cũng tốt hơn rất nhiều so với những năm trước đây. Những bếp ăn đỏ lửa là nơi níu chân học sinh. Nhà trường luôn cố gắng chăm lo đời sống của các em”.
Những luống rau do thầy trò trường Nậm Búng vun xới đã bắt đầu xanh tươi sẵn sàng phục vụ học sinh bất cứ lúc nào, đảm bảo những bữa ăn dinh dưỡng và an toàn.
Mong cho cơn lũ qua nhanh, giá rét không đến
Năm nay Văn Chấn không có lũ, nhưng thầy Diện không thể nào quên được ngày mưa lũ năm ngoái.
Thầy cô trường An Lương phải gùi cả tấn lương thực đến trường giúp cho các em có bữa ăn nóng hổi.
Thầy Đồng Văn Thành suýt bỏ mạng trên đường vượt lũ đến trường. Nhân tai không bằng thiên tai.
Năm học mới chỉ mong sao Hà Tĩnh, Nghệ An, Lai Châu, Hà Giang … lũ rút về, học sinh đến trường an toàn là thầy cô vui lắm rồi.
Tan hoang sau cơn lũ, bản Sa Nán (Thanh Hóa) vẫn tất bật chuẩn bị cho con em đến trường khai giảng.
“Trường bị lũ quét mất rồi, lớp học chỉ còn lại trơ trơ 4 bức tường. Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng chuẩn bị mọi điều kiện để lễ khai giảng diễn ra tốt đẹp”, thầy Đồng Văn Công, giáo viên cắm bản Sa Ná chia sẻ.
Khó khăn, vất vả, thiên tai là những thử thách trên con đường khơi đèn đom đóm trên non của giáo viên vùng cao. Năm học mới đã chính thức bắt đầu, con đường phía trước còn nhiều chông gai.
Mong thầy cô chân cứng đá mềm, giáo dục cần lắm những người thầy người cô biết hy sinh vì học trò như thầy Tiến, thầy Diện, thầy Công, cô Lan...
Điều cuối cùng, tôi hỏi: “Thầy cô không mong gì cho mình sao?”.
Thầy Tiến xuề xòa trả lời: “Giáo viên chúng tôi giờ được Đảng và Nhà nước quan tâm, chế độ cũng khá hơn trước.
So với học sinh mình còn sướng hơn nhiều. Vì thế tôi mong những điều tốt đẹp nhất đến với học sinh của chúng tôi”.
Quả vậy, đối với giáo viên vùng cao, nhất nhất trả lời: “Chúng tôi vậy là ổn rồi đâu mong gì hơn, chỉ mong học sinh ngoan ngoan, nghe lời, mạnh khỏe là đền đáp công ơn thầy cô rồi”.
Chào mừng năm học mới từ những rẻo cao.