Năm học mới, TPHCM tăng gần 22.000 học sinh nhưng thiếu giáo viên

Trong năm học 2022-2023, dự kiến TPHCM tăng 21.825 học sinh, trong đó bậc THPT tăng 12.761 học sinh. Tuy nhiên, đây năm đầu tiên các trường THPT thực hiện chương trình phổ thông 2018 đối với khối lớp 10 nên dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở một số môn học mới như Công nghệ, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật.

Trừ tiểu học, các cấp học đều tăng học sinh

Chiều 4-8, tại cuộc họp thông tin về tình hình Covid-19 và các vấn đề kinh tế – xã hội ở TPHCM, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, cho biết năm học 2022-2023, dự kiến TPHCM tăng 21.825 học sinh, trong đó có 15.282 công lập và 6.543 ngoài công lập. Đối với bậc THPT tăng 12.761 học sinh; bậc THCS tăng 13.661 học sinh; bậc mầm non tăng 6.587 học sinh; còn với bậc tiểu học giảm 11.184 học sinh.

Theo ông Tấn Minh, việc gia tăng này ảnh hưởng do dân số tăng cơ học cao. Các khu vực như thành phố Thủ Đức, quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, nên tình trạng dân số tăng cao.

Năm học 2021-2022, số học sinh không có hộ khẩu tại TPHCM là 343.894. Áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn (cấp tiểu học), học sinh tham gia học hai buổi/ngày giảm.

Ngoài ra, điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều co hẹp lại, gây ảnh hưởng đến các lớp đang học. Việc gia tăng số học sinh nêu trên dẫn đến tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế sẽ làm tăng nguồn chi của ngân sách thành phố, ông Tấn Minh cho biết.

Hiện nay địa bàn các quận, huyện có nhiều trường tiểu học có quy mô sĩ số trên 45 học sinh/lớp đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy.

Theo ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, năm học 2022-2023, dự kiến TPHCM tăng 21.825 học sinh nhưng thiếu giáo viên dạy chương trình mới. Ảnh: T.N.

Theo ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, năm học 2022-2023, dự kiến TPHCM tăng 21.825 học sinh nhưng thiếu giáo viên dạy chương trình mới. Ảnh: T.N.

Thiếu giáo viên dạy chương trình mới

Đối với công tác tuyển dụng giáo viên, ông Tấn Minh cho biết, trong thời gian sắp tới, TPHCM cần 5.241 giáo viên từ mầm non đến THPT. Trong đó, mầm non cần tuyển 892 giáo viên; Tiểu học tuyển 2.355 giáo viên; THCS tuyển 1.698 giáo viên và THPT tuyển 296 giáo viên.

Tuy nhiên, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố dẫn ra một nghịch lý là tại trung tâm đào tạo như TPHCM nhưng lại thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học. Ngoài ra, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên các trường THPT thực hiện chương trình phổ thông 2018 đối với khối lớp 10; nên thiếu giáo viên ở một số môn học mới như Công nghệ, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật.

Nói về tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh và Tin học, ông Tấn Minh cho biết, khi đào tạo ra nhưng nhiều người lại lựa chọn đi làm bên ngoài nhiều hơn đi dạy, dẫn đến nguồn giáo viên hiện tại khó khăn. Đặc biệt là tại các huyện xa như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè.

Riêng môn học mới ở lớp 10, nhất là môn Nghệ thuật, ông Minh cho rằng đây là khó khăn chung của ngành giáo dục cả nước. Nguyên nhân do các trường sư phạm cũng không mặn mà đào tạo nhóm ngành này. Những trường đào tạo cử nhân thì vướng quy định về nghiệp vụ sư phạm. Sở đang phối hợp với các trường đại học để giải quyết bài toán này.

Trước thực trạng này, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã tổ chức hai đợt tuyển dụng. Đối với các vị trí giáo viên thiếu nguồn tuyển dụng (Công nghệ, Tin học) nói chung và vị trí giáo viên môn mới (Âm nhạc và Mỹ thuật) nói riêng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố hướng dẫn tất cả các đơn vị trực thuộc chủ động liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn với điều kiện đặt ra các trường hợp này phải đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với cấp học.

Minh Thảo

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/nam-hoc-moi-tphcm-tang-gan-22-000-hoc-sinh-nhung-thieu-giao-vien/