Nậm Lầu triển khai tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
Theo giới thiệu của ông Đỗ Quốc Hưng, Trưởng Chi nhánh Quỹ bảo vệ phát triển rừng Thuận Châu - Quỳnh Nhai, chúng tôi về xã Nậm Lầu, là xã có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế và cũng là một trong những xã có diện tích rừng lớn của huyện Thuận Châu. Những năm qua, chủ trương, chính sách về bảo vệ, phát triển rừng được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả. Trong đó, tập trung bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ, phát triển rừng sản xuất, phủ xanh đất trống, đồi trọc, tạo điều kiện cho nhân dân có thêm sinh kế, thu nhập từ nghề rừng.
Ông Lường Văn Sâm, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Lầu, thông tin: Ngoài việc tuyên truyền, vận động bà con tích cực thâm canh 408 ha lúa ruộng 2 vụ, 1.250 ha cây cà phê, 7 ha cây ăn quả, xã tập trung quản lý, bảo vệ tốt 7.068 ha rừng. Trung bình mỗi năm có gần 4.500 ha đủ điều kiện cung ứng dịch vụ môi trường và được chi trả hơn 700 triệu đồng dịch vụ môi trường rừng. Từ nguồn kinh phí này, giúp xã nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, hỗ trợ phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới.
Nhằm sử dụng hiệu quả, đúng quy định tiền dịch vụ môi trường rừng, xã đã tăng cường phối hợp với Chi nhánh Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Thuận Châu - Quỳnh Nhai, Hạt Kiểm lâm huyện đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, quy định về quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng cho ban quản lý các bản và chủ rừng. Đồng thời, chỉ đạo ban quản lý các bản xây dựng và thực hiện quy chế quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, bảo đảm hiệu quả, công khai nguồn kinh phí, phục vụ trực tiếp đời sống, sản xuất của nhân dân. Từ nguồn dịch vụ môi trường rừng, hằng năm, chủ rừng là các cộng đồng bản đã củng cố các tổ bảo vệ, PCCCR, mua sắm dụng cụ, trang thiết bị phục vụ tuần tra bảo vệ và PCCCR. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, người dân đã nhận thức rõ trách nhiệm trong thực hiện quy định về bảo vệ, PCCCR; các tổ, đội quần chúng được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, dụng cụ tuần tra canh gác rừng.
Từ năm 2019 đến nay, xã được chi trả gần 3,6 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng. Trong đó, đã đầu tư gần 1,5 tỷ đồng xây dựng hàng chục công trình đường giao thông nông thôn, đường lên khu sản xuất; công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, hệ thống điện chiếu sáng, nhà văn hóa, sân thể thao các bản. Đồng thời, chi gần 1,8 tỷ đồng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng, mua cây giống trồng rừng và hỗ trợ nâng cao thu nhập cho người dân.
Bản Biên có 214 hộ, sản xuất 37 ha lúa ruộng, 97 ha cây cà phê và quản lý 356 ha rừng. Những năm trước đây, ở bản có 5 ha lúa ruộng chỉ sản xuất được một vụ và 52 hộ thường xuyên thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Dẫn chúng tôi theo con đường bê tông ngược dốc lên kiểm tra tuyến mương Huội Khoang dài 600 m được bê tông kiên cố, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Quàng Văn Hậu chia sẻ: Nhờ có tiền dịch vụ môi trường rừng, bản đã xây dựng tuyến mương và một bể chứa nước, góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt của 52 hộ và cấp nước cho 5 ha ruộng sản xuất được 2 vụ.
Với việc quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng được giao, trong 5 năm qua, mỗi năm chủ rừng là cộng đồng bản Biên được chi trả từ 40 đến 80 triệu đồng dịch vụ môi trường rừng. Cùng với nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, bản đã trích gần 210 triệu đồng làm đường bê tông nội bản, liên bản, đường ra khu sản xuất, xây dựng công trình thủy lợi, nhà văn hóa, mua cây giống trồng rừng và chi cho tổ bảo vệ, PCCCR, nên nhiều năm qua ở bản không có tình trạng phá rừng làm nương, không để xảy ra cháy rừng.
Ông Lường Văn Sâm, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết thêm: Mặc dù là xã có diện tích cà phê rất lớn, những năm gần đây giá cà phê liên tục tăng cao, nhưng chính quyền xã quán triệt đến từng bản quy định về Luật Lâm nghiệp; vận động bà con ổn định diện tích đất sản xuất, không xâm lấn vào đất quy hoạch lâm nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, nghiên cứu, xây dựng một số mô hình kinh tế dưới tán rừng, như trồng cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc. Đặc biệt, chính quyền xã đang xây dựng kế hoạch tiếp tục hỗ trợ từ nguồn dịch vụ môi trường rừng, mở rộng mô hình nuôi ong dưới tán rừng ở bản Huổi Kép, Sa Hòn ra các bản có điều kiện phát triển, tạo thêm việc làm, thu nhập và đa dạng sản phẩm từ kinh tế rừng.