Nấm mối vườn nhà

Sau một vài cơn mưa mùa hè, cũng là lúc lũ trẻ chúng tôi đi tìm nấm mối vườn nhà. Thứ nấm mọc hoang mà chỉ đứa nào thật may mắn mới mong thấy được.

Hồi ấy, ở góc vườn hay có những ụ mối lớn, đóng thành những gò cao với nhiều hình thù kỳ quái. Những buổi trưa trốn ngủ, ông anh tôi khều khều: “đi lấy tổ mối về cho cá ăn”. Thế là chúng tôi lẹ làng đứa cầm xô, đứa cầm xẻng, lật đật đi nhanh trước khi bị má tôi phát hiện.

Lấy tổ mối là một công việc tốn nhiều sức. Đào dở đất từ cái ụ cao là đi vào “hoàng cung” của mối với nhiều hang hốc kỳ bí dị thường. Chúng tôi đứa đào đất, đứa cầm dao nạy mới lấy được những khoang ổ chứa các con mối non, đem về cho lũ cá háu đói nuôi trong ao nhà. Cái lũ cá ăn tạp ấy, chẳng tiếc gì công sức của mấy đứa tôi, thảy xuống bao nhiêu tụi nó ăn rào rào một loáng là xong. Đó là những ngày trời chưa mưa nhiều.

 Những cây nấm mối nhỏ nhắn trong góc vườn

Những cây nấm mối nhỏ nhắn trong góc vườn

Mùa nấm mối bắt đầu sau những cơn nắng hạn kéo dài và những đám mưa xuất hiện. Đó có thể là lúc đất đã thấm mưa và đám lá mục trong vườn bắt đầu phân rã, hoặc lúc chúng tôi ngửi được mùi nồng nồng âm ẩm của đất cộng với tiết trời hanh trở lại sau cơn mưa dài.

Để tìm ra những “ổ” nấm mối, hiển nhiên sẽ không phải ở những ụ mối cao mà chúng tôi đã đào từ mùa nắng. Những ụ này, chúng tôi đào xong vài ngày thì bọn mối đã đùn lên thành ụ khác, nhưng từ ụ mối này, chúng tôi sẽ lần dò đường đi nước bước của mối, tìm đến nơi “khởi nguồn” của mối, nấm mọc ra từ những nơi không ngờ như vậy, những khu đất bằng phẳng, vừa sáng, vừa ẩm, vừa cũ, vừa mới...

Muốn hái được nấm mối phải lặn lội từ sớm. Cơn mưa đêm qua vẫn còn dư âm của nó trên cây cỏ, làm cho không khí vừa ẩm mát, vừa trong lành. Chúng tôi sẽ không biết trước “bí ẩn” dưới chân, dưới sâu thẳm của đất, cho tới chừng phát hiện những vòm nấm mối trắng tinh trồi lên khỏi mặt đất: những chiếc nấm cái búp, cái nở lúp xúp. Thế là a lê hấp, chúng tôi hái lấy hái để đến đầy rổ thì thôi.

Hái nấm không thể chỉ ở trong vườn nhà, mà chúng tôi còn len lỏi qua cả những khu vườn lân cận, rón ra rón rén để chủ vườn không phát hiện. Bởi phát hiện thì thể nào chúng tôi cũng bị méc tội “phá làng phá xóm”, thể nào cũng bị cấm đi rong cả tuần lễ. Nhưng trẻ ở quê, dễ gì cấm túc được chân cẳng, chúng tôi lại sẽ tìm mọi cách dang nắng dầm mưa, dù sau đó nhận “tặng phẩm” là những lằn roi quắn cả mông.

Hồi ấy, tôi tin rằng những đứa con nít sẽ luôn tinh thông hơn người lớn về những góc bí ẩn trong vườn. Những “để ý” của con nít khác người lớn, nên những khu vườn gần như mở toang những cánh cửa bí mật cho chúng tôi khám phá. Nếu như người lớn có đi hái nấm, cũng sẽ không bằng lũ trẻ, bởi chỉ chúng tôi mới tìm ra những chỗ độc đáo. Tuy nhiên, cũng có những lúc cả mấy buổi sáng, chúng tôi chẳng tìm được một tai nấm mối nào cả.

Đi hái nấm mối giống như chơi trò trốn tìm với bọn chúng vậy. Có khi ngay ở trước mắt mà chẳng đứa nào thấy, đến chừng có một đứa lạ hoắc lạ huơ đi ngang, xí được ngay mà chẳng cần một chút công trạng tìm kiếm gì. Tức nhất là có lần, tôi đứng ngay giữa một đám nấm mối mới mọc, chân đã giẫm bẹp hết một đám nấm rồi mà còn không phát hiện ra, chừng một đứa hàng xóm đi theo chơi, há hốc mồm chỉ xuống chân tôi, la bài hãi: “nấm kìa, nấm kìa...”, thế là phải chia cho nó hái cùng. Nhiều khi, một đám nấm mối mọc ngay trên đường qua lại của nhiều người mà chẳng ai thấy, chừng có người thấy thì đám nấm đã tàn dù trời chỉ mới hưng hửng nắng lên. Người đó chỉ kịp hạ chiếc nón lá trên đầu xuống, hái mót được vài tai nấm còn chưa rũ, thôi thì cũng đủ một bữa xào rau.

Ngày xưa chẳng đứa nào biết nấm mối có thể bán được cả. Tìm được chủ yếu là để ăn. Nhiều đứa con nít cũng chẳng mê gì món nấm, dù là nấm mối hay nấm rơm, nhưng vẫn khoái đi tìm hái về “tâng công” với người lớn, bởi người lớn ai cũng thích thú với nấm mối, ăn khen lấy khen để.

Có nấm mối và cạo rửa sạch rồi, má tôi lại kêu đi hái mấy trái mướp ngoài vườn. Nấm mối xào mướp hương ngọt lịm thơm phức. Trúng ngày má ăn chay, sẽ đem mấy tai nấm búp chưa nở đi kho tiêu. Nhưng ngon nhất có lẽ là món cháo nấm mối của những buổi chiều mưa, chỉ nấm với gạo đã đủ ngon rồi, từng cọng nấm nở thì thơm dai, nấm chưa nở thì giòn ngọt. Còn có thêm ông anh tếu táo của tôi, vừa hít hà vừa ăn cháo nấm mối, vừa ước mơ có thêm con gà bỏ vào nồi thì hết xảy.

Đi hái nấm mối thôi, mà nhiều câu chuyện huyền bí ly kỳ lắm. Chẳng hạn, người nào hay phát hiện ra nấm mối là người được xem là “nhẹ bóng vía”. Mà đã “nhẹ bóng vía” thì dễ bị ma dắt, nên má tôi luôn cấm chúng tôi lại gần cây gáo cổ thụ khổng lồ vườn bà Mười. Người ở xóm tôi đồn cây gáo đó có ma. Chuyện kể rằng hồi đó có cô gái nhỏ cũng đi hái nấm mối, bị ma giấu tuốt trên chạc ba cây gáo, người làng tìm ngày tìm đêm không thấy, sau có người nhìn lên, phát hiện cô nhỏ trong vòm lá um tùm. Hoặc có người thấy đám nấm mối, chạy đến hái thì lại không thấy, cứ thoắt ẩn thoắt hiện như vậy, đến chừng đi vào vòm tre gai lúc nào không hay, rồi trở ra không được...

Bọn con nít sợ thì có sợ, nhưng hễ nơi nào có nấm mối mọc thì cũng chẳng có gì e dè hết. Như cái lần phát hiện gần bên cây gáo ma có nấm mối, anh em tôi thu hết can đảm, hái lấy hái để, rồi cắm đầu cắm cổ chạy về nhà, thở không ra hơi.

Giờ đây, vườn xưa không còn nấm mối mọc như thuở chúng tôi còn nhỏ. Nhưng những câu chuyện của ngày nhỏ, những ngày mà trời nắng, trời mưa gì, chúng tôi cũng tìm được những thức ngon “bí mật” vẫn cứ như mới đây thôi.

Giữa những câu chuyện mới, lại biết ơn những câu chuyện cũ, ngày cũ và biết ơn cây cỏ, đồng đất quê nhà nuôi dưỡng chúng thành ký ức.

MINH PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nam-moi-vuon-nha-post755588.html