Năm nào cũng bắt thầy cô đánh giá chuẩn nghề nghiệp, tìm-tải minh chứng làm gì?

Lãnh đạo Bộ hãy lắng nghe của giáo viên dưới cơ sở mà bỏ việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp vô bổ, tốn thời gian để giảm đi áp lực không cần thiết hiện nay.

Thời điểm này, các trường phổ thông trên cả nước đang bước vào những tuần cuối cùng của năm học 2021-2022 và tất nhiên nhiều trường học đã bắt đầu triển khai việc đánh giá viên chức cuối năm và chuẩn bị cho việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

Việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên hiện nay đang được thực hiện rất hình thức, nhàm chán bởi năm nào cũng phải thực hiện những công việc photo giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ để minh chứng cho các tiêu chuẩn của giáo viên. 2 năm nay, lại thêm cái việc chụp hình những minh chứng rồi tải lên phần mềm TEMIS với rất nhiều bước phức tạp.

Đặc biệt là đối với các thầy cô kiêm nhiệm công tác tổ trưởng chuyên môn và Ban giám hiệu nhà trường khi phải tải minh chứng của các cá nhân trong tổ, trong trường lên hệ thống. Nhưng, suy cho cùng thì công việc này thực hiện rất tốn kém thời gian, công sức mà cũng chẳng để làm gì bởi vì phần lớn các minh chứng được tải đi, tải lại nhiều năm trời…

Việc đánh giá chuẩn giáo viên đang được thực hiện theo rất nhiều bước, thủ tục nhiêu khê(Ảnh minh họa: Thanh An)

Việc đánh giá chuẩn giáo viên đang được thực hiện theo rất nhiều bước, thủ tục nhiêu khê(Ảnh minh họa: Thanh An)

Đánh giá chuẩn giáo viên nhiêu khê và hình thức

Hơn 10 năm nay, giáo viên các cấp học phổ thông đang phải làm công việc vô bổ, hình thức nhưng mất rất nhiều thời gian vào thời điểm cuối năm học đó là đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

Trước đây, việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên được thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT nhưng kể từ năm học 2018-2019 cho đến nay thì thực hiện theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT với 5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí.

Trong số những minh chứng cho các tiêu chí mà Bộ hướng dẫn ở Công văn số 4530/BGDĐT-NGCBQLGD, nhiều minh chứng chẳng biết tìm ở đâu, tìm bằng cách nào.

Chẳng hạn như: Tiêu chuẩn 1 - “Phẩm chất nhà giáo” gồm 2 tiêu chí “Đạo đức nhà giáo” và “Phong cách nhà giáo”, trong đó gợi ý minh chứng “Đạo đức nhà giáo” theo Công văn số 4530/BGDĐT-NGCBQLGD yêu cầu như sau:

Phiếu đánh giá và phân loại viên chức; Thư cảm ơn, khen ngợi của các bên về giáo viên có phẩm chất đạo đức mẫu mực; Báo cáo chuyên đề/ý kiến trao đổi, thảo luận trong nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/nhà trường về những kinh nghiệm trong rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức; Hình ảnh, tấm gương giáo viên cùng nhà trường vượt qua những khó khăn (do thiên tai, bão lũ…) để thực hiện mục tiêu và kế hoạch dạy học”.

Hàng chục năm đi dạy, chúng tôi và có các thầy cô trên cả nước cũng chưa bao giờ nhận được “Thư cảm ơn, khen ngợi của các bên về giáo viên có phẩm chất đạo đức mẫu mực; Báo cáo chuyên đề/ý kiến trao đổi, thảo luận trong nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/nhà trường về những kinh nghiệm trong rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức..”.

Thật nực cười, đạo đức của người nhà giáo mà đi minh chứng bằng một vài tờ giấy mơ hồ, viển vông chẳng liên quan gì đến đạo đức của người thầy.

Trong khi đó, nhiều tiêu chí yêu cầu văn bằng, chứng chỉ của giáo viên như: bằng đại học sư phạm hay chứng chỉ tin học, ngoại ngữ thì gần như năm nào cũng vậy nhưng năm nào cũng phải photo để kẹp vào để minh chứng rồi nộp cho Ban giám hiệu nhà trường.

Nhưng, đâu chỉ những minh chứng mơ hồ, vô bổ mà các bước thực hiện cũng trần ai bể khổ khi qua rất nhiều thủ tục, họp hộ rườm rà.

2 năm nay, trên phần mềm TEMIS của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn yêu cầu tải minh chứng lên hệ thống và nhiệm vụ của giáo viên, tổ trưởng chuyên môn, hiệu trưởng nhà trường được yêu cầu như sau:

Nhiệm vụ của giáo viên: Hoàn thành tự đánh giá theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông (Theo Biểu mẫu 01 – Công văn 4530 – Phiếu tự đánh giá của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông);

Hoàn thành Phiếu lấy ý kiến của đồng nghiệp trong tổ chuyên môn (Theo Biểu mẫu 02 – Công văn 4530); Tải hồ sơ minh chứng đánh giá cá nhân lên hệ thống.

Nhiệm vụ của tổ trưởng chuyên môn: Hoàn thành tự đánh giá cá nhân theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông (Theo Biểu mẫu 01 – Công văn 4530 – Phiếu tự đánh giá của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông); Tải hồ sơ minh chứng đánh giá cá nhân lên hệ thống;

Hoàn thành Phiếu lấy ý kiến về đồng nghiệp trong tổ chuyên môn (Theo Biểu mẫu 02 – Công văn 4530);

Tổ chức cho giáo viên trong tổ chuyên môn đánh giá lẫn nhau và ghi lại kết quả tổng hợp ý kiến về đồng nghiệp trong tổ (Theo Biểu mẫu 03 – Công văn 4530 – Bảng tổng hợp kết quả đánh giá của đồng nghiệp trong tổ chuyên môn) lên hệ thống; Tải bảng tổng hợp kết quả đánh giá của đồng nghiệp trong tổ chuyên môn lên hệ thống.

Nhiệm vụ của hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông: Hoàn thành đánh giá giáo viên trong toàn trường (Theo Biểu mẫu 04 – Công văn 4530 - Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo viên của cơ sở giáo dục phổ thông); Tải hồ sơ minh chứng đánh giá cá nhân lên hệ thống…”.

Nhìn vào các bước hướng dẫn như thế này quả là ai cũng phải ngao ngán. Bởi trước khi đánh giá chuẩn nghề nghiệp của giáo viên thì giáo viên tự đánh giá. Sau đó tổ chuyên môn họp để đánh giá, xếp loại cho nhau. Bước cuối cùng là nhà trường họp đội ngũ cốt cán đánh giá cho giáo viên trong trường.

Việc tải minh chứng lên phần mềm TEMIS cũng phức tạp không kém. Đầu tiên là giáo viên tự tải minh chứng, tự nhận xét trên phần mềm. Bước tiếp theo là tổ trưởng chuyên môn tải minh chứng và ý kiến nhận xét của tổ chuyên môn đối với từng thành viên trong tổ. Cuối cùng là đến lượt hiệu trưởng cũng sẽ thực hiện các bước tương tự.

Bộ nên bỏ việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên hàng năm cho giáo viên

Chúng tôi cho rằng việc tìm minh chứng để đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên hàng năm, sau đó tải minh chứng lên phần mềm TEMIS hiện nay mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai là cực kỳ hình thức và vô bổ, chẳng có tác dụng gì.

Thứ nhất: về bằng cấp, chứng chỉ của giáo viên đã được thực hiện ngay từ khi giáo viên mới được tuyển dụng. Nếu không đủ chuẩn và có chứng chỉ thì làm sao cơ quan chức năng tuyển dụng họ vào giảng dạy.

Hơn nữa, một số chứng chỉ về ngoại ngữ và tin học hiện nay đã không còn yêu cầu nữa nhưng trong các tiêu chí 14 và 15 thì vẫn yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ và tin học là điều bất cập vô cùng.

Thứ hai: hàng năm thì giáo viên đã thực hiện việc phân loại viên chức theo Nghị định số 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Những giáo viên là đảng viên còn thực hiện việc kiểm điểm giáo viên 2 lần/ năm. Việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên thêm một lần nữa để làm gì cho mất thời gian và tốn nơi lưu giữ hồ sơ ở các nhà trường.

Thứ ba: việc nhà trường đã lưu trữ hồ sơ về đánh giá chuẩn của giáo viên mà Bộ còn yêu cầu phải chụp ảnh minh chứng để tải lên phần mềm TEMIS và ghi lại những ưu điểm, hạn chế, khả năng phát triển nghề nghiệp một lần nữa là cách hành giáo viên và các cơ sở giáo dục.

Vì thế, lãnh đạo Bộ hãy lắng nghe giáo viên dưới cơ sở mà bỏ đi việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp vô bổ, tốn thời gian để giảm đi áp lực không cần thiết vào thời điểm cuối năm học.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nam-nao-cung-bat-thay-co-danh-gia-chuan-nghe-nghiep-tim-tai-minh-chung-lam-gi-post226325.gd