Năm nay sẽ về nhà ăn Tết
Khi mùa xuân mới sắp về, những người xa xứ lại muốn về quê ăn Tết. Đó không chỉ là một chuyến thăm nhà, nó dường như là cuộc hành hương để tìm lại chính mình.
Đã mấy mươi năm xa quê, câu nói ấy hầu như hàng năm đều được tôi lặp lại mỗi khi những ngày cuối của tháng Mười Hai bên ni dương lịch lụi dần, theo với mùa tuyết đổ, rồi cả đó là trận gió thổi tuyết tan bất ngờ, cảm giác mơ hồ như có ai đến sau lưng gõ nhẹ trên vai nhắc nhở rằng bên nớ năm tháng âm lịch cũng đang nghiêng mau, Tết nay mai sắp đến.
Có khi tôi nói câu ấy âm thầm, như căn dặn với mình hay như vỗ về một cái tôi tưởng đã mất hút trong vô thức hồi nào, đang lững thững trở về từ một nẻo rất xa, mà hình như nẻo xa ấy chính là con đường đã đi những ngày Tết của tuổi thơ.
Có khi tôi nói câu ấy như một lời bâng quơ, ai nghe được thì nghe, có khi câu ấy bỗng trở thành một lời tuyên bố công khai quả quyết rằng, việc về nhà ăn Tết của tôi là nghiêm trang, cần phải thực hiện bằng được.
Ấy vậy mà những mấy mươi năm trôi qua, nhiều lần trở về quê, trong năm có khi hai lần, tôi vẫn vụng về tính ngày tháng làm sao mà cứ hụt hoài cái Tết, đến nỗi chưa được ăn “nó” một lần ở nhà. Nói ra thì mọi chuyện đều lơ mơ, chẳng có cái chi là xác quyết, đến nỗi nhiều chuyến đã định về nhà ăn Tết hóa ra nửa chừng xuân, trở thành chuyện nực cười cho thiên hạ và cả cho người thân.
Mơ hồ lắm! Mà quả thật là mơ hồ, chỉ nội cái chữ “về nhà ăn Tết” ấy. Con tôi sẽ bảo: “Thì nhà mạ ở Muenchen đây nì!”, ăn Tết ở đây cũng là ăn Tết ở nhà, chớ có đi mô xa, nhưng chính con đọc thấy trong mắt mẹ một nỗi ngờ, e chữ nhà ấy tuồng như là một cưỡng bức, vì nó chỉ đúng với mẹ một phần, phần bên kia đại dương cũng là nhà của mạ, dù bao nhiêu người thân đã ra đi.
Cứ thế cái nhà treo lơ lửng, lưng chừng, đến nỗi chuyến về ăn Tết thành ra dang dở... cũng vì cái nhà nọ níu kéo cái nhà kia... mà thành ra lỡ chuyện.
Thật tình, hai chữ “ăn Tết” hình như đối với người xa quê có một điều chi lạ lùng, hai chữ ấy không chỉ đơn giản là “ăn” như ăn cơm, ăn kẹo, ăn bánh... một khi ăn xong, thưởng thức xong, được no, được thỏa mãn là có thể quên, bụng dạ và đầu óc thảnh thơi có thể nghĩ đến những bận bịu bổn phận này hay công danh khác.
[…]
Hai chữ “ăn Tết” đối với những người xa quê thường có những âm vang bí nhiệm kêu gọi một sự quay về, một hồi hướng hầu như không thể gọi được gọn ghẽ một cái tên chính xác, bởi vì chúng nói lên nhiều thứ, nhiều điều, đến nỗi ta thử nói lên một điều nọ là lập tức đã thấy thiếu điều kia, vừa kể xong điều này là đã thấy ngay chưa vừa, chưa đủ điều khác... cho nên mới gọi là ăn... Tết.
Ăn cả một cái Tết nhưng ăn gì nơi cái Tết ấy? Chữ Tết nghe như nhiều, nhiều lắm, nhiều đến nỗi “ăn” không hết mà lại “ăn” mấy cũng chưa vừa cho những kẻ xa quê, nó vượt lên trên mọi thứ “ăn” thường tục, để đến nỗi có thể trở thành thiêng liêng như một thứ đi mà chưa đến, một kiểu hành hương.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nam-nay-se-ve-nha-an-tet-post1527005.html