Năm rộn ràng của những công trình giao thông

Năm nay có thể được xem là 'bản lề' của ngành giao thông, với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam hoàn thành, nhiều công trình ở các địa phương đưa vào sử dụng và tiếp tục khởi công xây dựng được kỳ vọng sẽ tạo nên sức bật mới cho đất nước.

Tuyến đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, nối liền với các đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Cam Lâm - Vĩnh Hảo góp phần nối liền mạch từ TPHCM đi TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Tuyến đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, nối liền với các đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Cam Lâm - Vĩnh Hảo góp phần nối liền mạch từ TPHCM đi TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Nối tiếp những công trình

Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là khép lại năm Giáp Thìn, một số dự án giao thông lớn của TPHCM quyết tâm về đích. Trong đó, được người dân nhắc đến là dự án metro số 1 tuyến Bến Thành - Suối Tiên chính thức đưa vào vận hành sau nhiều năm chờ đợi; dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đã giải quyết tình trạng ùn tắc kinh niên tại khu vực này. Song song đó, từ giữa tháng 12-2024 đến nay, TPHCM cũng hoàn thành đưa vào phục vụ người dân hàng loạt công trình giao thông trọng điểm, giải quyết phần lớn ùn tắc giao thông tại nhiều khu vực khác nhau, vùng lân cận sân bay, các quận, huyện vùng ven… Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đánh giá cao tinh thần làm việc của chủ đầu tư, đơn vị thi công cùng các sở, ngành, địa phương đã phấn đấu hoàn thiện các dự án,đưa vào vận hành. Nhờ đó, việc đi lại của người dân thuận tiện, đồng thời kích thích sự phát triển kinh tế.

Theo Sở GTVT TPHCM, năm nay thành phố tiếp tục đầu tư phát triển các dự án, công trình trọng điểm, chiến lược ngành giao thông vận tải trong giai đoạn 2024-2030 với 59 dự án, tổng số vốn 231.000 tỷ đồng. Đi kèm với kinh phí nói trên là vô số các công trình sẽ được triển khai xây dựng. Trong nội đô, đáng chú ý là đường quốc lộ có 3 dự án, gồm nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An). Đường Vành đai có 5 dự án, bao gồm 3 đoạn tuyến của đường Vành đai 2; đường nối từ đường Vành đai 3 tới đường Võ Nguyên Giáp; đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn). Ngoài ra, TPHCM cũng ưu tiên đầu tư 25 dự án tuyến đường trục chính, xuyên tâm; 1 dự án đường trên cao số 5 đoạn từ nút giao Trạm 2 đến nút giao An Sương; 4 dự án đường thủy (cảng cạn ICD, nạo vét luồng tuyến); 6 dự án bến bãi giao thông tĩnh.

Nỗ lực hoàn thành 3.000km đường cao tốc

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, năm 2025 sẽ chứng kiến một dấu mốc quan trọng về đầu tư hạ tầng giao thông, khi hoàn thành mục tiêu đưa vào khai thác 3.000km đường bộ cao tốc. Trong đó, điểm nhấn đáng chú ý là việc nối thông toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Hiện các dự án thành phần của dự án này gồm các đoạn: Bãi Vọt - Hàm Nghi; Hàm Nghi - Vũng Áng; Bùng - Vạn Ninh; Vân Phong - Nha Trang đang được nỗ lực thi công xuyên tết để hoàn thành vào dịp lễ lớn 30-4, 1-5. Việc sớm đưa vào khai thác các dự án này sẽ giúp người dân đi lại thuận lợi, giảm ùn tắc trên tuyến song hành Quốc lộ 1 trong dịp cao điểm. Tiếp theo đó, các đoạn của dự án gồm Vũng Áng - Bùng, Vạn Ninh - Cam Lộ, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong sẽ được hoàn thành vào dịp 2-9. Các đoạn còn lại gồm Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau sẽ được hoàn thành vào dịp cuối năm, kịp thông toàn tuyến trước Tết Bính Ngọ 2026.

Nhằm đáp ứng tiến độ nói trên, Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chỉ đạo các nhà thầu huy động tối đa thiết bị, nhân lực, xây dựng phương án thi công “3 ca, 4 kíp” nhằm bù đắp tiến độ đối với các hạng mục vẫn còn chậm, phấn đấu đưa dự án về đích sớm hơn kế hoạch. Hiện nhiều dự án vẫn đang gặp khó khăn về mặt bằng và vật liệu đất đắp, các ban quản lý dự án cần chủ động phối hợp các địa phương tháo gỡ vướng mắc, tìm hướng giải quyết phù hợp, tránh cản trở tiến độ dự án. Cùng với việc đưa vào khai thác các dự án đường bộ cao tốc, Bộ GTVT cũng đang chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư các trạm dừng nghỉ, hệ thống giám sát điều hành giao thông để tạo thuận lợi hơn cho người dân.

Bên cạnh việc đốc thúc các dự án đang triển khai thì Bộ GTVT cũng lên kế hoạch khởi công hàng loạt dự án mới. Trong năm 2025, cả nước sẽ khởi công 19 dự án, trong đó 12 dự án sẽ được khởi công ngay trong quý 1-2025. Ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT, cho biết, các dự án được khởi công trong năm 2025 là những dự án rất quan trọng và phần lớn sử dụng ngân sách nhà nước. Trong đó, đáng chú ý là các dự án mở rộng đường cao tốc từ 2 làn hoặc 4 làn hạn chế lên 4 làn hoặc 6 làn hoàn chỉnh theo quy hoạch, nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Nguồn vốn để nâng cấp các dự án này rất lớn, như đoạn cao tốc La Sơn - Hòa Liên dài 66km, nâng cấp đạt quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh cần hơn 3.000 tỷ đồng; đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 98km, nâng cấp đạt quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh cần 7.000 tỷ đồng; đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn dài 15km, mở rộng đạt quy mô 6 làn xe cần 1.875 tỷ đồng. Đây là nỗ lực cải thiện hạ tầng của ngành giao thông sau khi hàng loạt vụ tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến đường cao tốc đầu tư phân kỳ, gây bức xúc trong dư luận.

Điểm đáng chú ý là, trong số các dự án được khởi công năm nay, số dự án huy động vốn nhà đầu tư rất ít, chỉ có một số dự án có vốn nhà đầu tư tham gia cao như dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, dự án đường cao tốc TPHCM - Chơn Thành đoạn qua Bình Dương, dự án đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Đây cũng là hạn chế được Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh thừa nhận; đồng thời cam kết sẽ phối hợp xây dựng, tham mưu Chính phủ, các cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành những cơ chế đột phá để thu hút hiệu quả nguồn lực ngoài ngân sách trong đầu tư và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

Thông xe tạm 2 đoạn cao tốc: Bến Lức - Long Thành

Nhằm góp phần giải quyết tình trạng kẹt xe ở khu vực cửa ngõ miền Tây và miền Đông trong dịp Nguyên đán 2025, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết sẽ đưa vào khai thác tạm hai đoạn trên tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đây là đoạn đầu và đoạn cuối của tuyến đường cao tốc trên, với tổng chiều dài gần 11km; đoạn qua tỉnh Long An dài gần 4km và đoạn cuối qua tỉnh Đồng Nai dài hơn 7km, tốc độ lưu thông cho phép từ 60-100km/giờ.

Thêm 1 trạm chính và 5 trạm dừng chân tạm trên đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Dây

Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Ban Quản lý dự án 7, Bộ GTVT), cho biết, hiện nay từ TPHCM đến TP Nha Trang đã có 1 trạm dừng nghỉ hoàn thành tại Km41+100 trên đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuy nhiên, trong dịp Tết Nguyên đán 2025 sẽ có thêm 5 trạm dừng nghỉ tạm để phục vụ người dân, đó là trạm dừng nghỉ tạm tại Km47 (đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây), Km205 (đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết), Km144 (đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết), Km90 (đường cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo) và Km33 (đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm). Như vậy, trên đường cao tốc từ TPHCM đi TP Nha Trang trung bình cứ khoảng 60-70km sẽ có 1 trạm dừng chân tạm, tạo điều kiện cho người dân đi lại, nghỉ ngơi.

Miền Trung: sửa, mở rộng đường quốc lộ

Theo ghi nhận phóng viên Báo SGGP tại địa bàn các tỉnh miền Trung, mặc dù những ngày sát Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân rất cao nhưng nhiều mặt đường bị hư hỏng nặng. Có mặt tại tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua xã Cát Tân và thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), phóng viên ghi nhận dòng phương tiện Bắc - Nam liên tục bị ách tắc do đường đang sửa chữa. Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, than phiền, các đơn vị Khu Quản lý đường bộ III đang cho sửa chữa lại mặt đường, tuy nhiên việc sửa chữa rất chậm, liên tục gây ách tắc giao thông kéo dài.

Tương tự, tình trạng này cũng diễn ra tại quốc lộ 14B (đoạn qua huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang, cho biết, quốc lộ 14B qua địa bàn Đà Nẵng mới chỉ có quy mô mặt đường 2 làn xe, tạo thành nút thắt cổ chai, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông; nay cải tạo, nâng cấp đoạn tuyến còn lại lên quy mô 4 làn xe đáp ứng nhu cầu thông thương và kết nối vùng của tuyến đường cũng như nâng cao an toàn giao thông, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.

NHÓM PV

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nam-ron-rang-cua-nhung-cong-trinh-giao-thong-post778795.html