Nam sinh bỏ nhà đi suốt 8 năm vì trượt đại học, ngày về không nhận ra cha
TRUNG QUỐC - Bi kịch của nam sinh gây xúc động cộng đồng mạng quốc gia tỷ dân, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những áp lực xã hội với thế hệ trẻ.
Nhân vật chính trong câu chuyện là nam sinh Tiểu Hỏa đến từ thị trấn Chu Khẩu, tỉnh Hà Nam (miền trung Trung Quốc). Cậu đối mặt với cú sốc lớn khi không đạt kết quả như mong muốn trong kỳ thi đại học, theo trang 163.
Thất vọng, xấu hổ và không thể đối diện với thực tại, cậu đã bỏ nhà ra đi, bắt đầu hành trình 8 năm phiêu bạt không hồi âm.
May mắn, một tổ chức từ thiện nổi tiếng về hỗ trợ tìm người mất tích ở Trung Quốc đã tìm ra Tiểu Hỏa và đưa cậu về đoàn tụ với gia đình.
Tuy nhiên, trái với hình ảnh đoàn tụ tràn ngập nước mắt và hạnh phúc nhiều người mong đợi, khoảnh khắc gặp lại của hai cha con Tiểu Hỏa lại đầy căng thẳng và xa lạ.
Trong đoạn video được tổ chức này chia sẻ, người cha xúc động đến mức không nói nên lời nhưng người con trai lại tỏ ra không mặn mà.
Những người tình nguyện phải lên tiếng bảo Tiểu Hỏa: "Ông ấy không phải là cha của cậu sao?". Cậu chỉ lắc đầu và im lặng.
Phải mất một thời gian, nam sinh mới nhận thức rõ hơn. Khi nhận ra người đàn ông trước mặt chính là cha ruột, Tiểu Hỏa vẫn giữ khoảng cách và tránh né ánh mắt của ông. Trong suốt 8 năm qua, cha mẹ cậu đã không ngừng tìm kiếm, nhưng sự trở về muộn màng này lại đầy bi kịch.
Nhân viên tổ chức từ thiện đã kể lại cho cậu nghe những gì gia đình đã trải qua trong thời gian dài tìm kiếm. Họ cho biết mẹ cậu vì quá đau buồn và lo lắng đã lâm bệnh nặng và qua đời.
Những lời kể này khiến cậu dần thay đổi thái độ. Người cha khóc và ôm cậu nói: "Con là con trai của ta, chúng ta về nhà thôi!".
Đoạn video nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng nước này.
Nhiều người không đồng tình trước hành động bỏ nhà ra đi của cậu Tiểu Hỏa khi cho rằng: "Thất bại trong kỳ thi đại học không phải là mọi cánh cửa đều đóng lại. Hành động này thật sự phụ lòng cha mẹ".
Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại chỉ ra sự bất thường trong hành vi và trạng thái của cậu. Từ dáng vẻ mệt mỏi, ánh mắt mơ hồ đến phản ứng chậm chạp, nhiều người đặt giả thuyết rằng cậu đã chịu tổn thương tâm lý nghiêm trọng sau cú sốc năm nào.
Câu chuyện này một lần nữa gợi lên suy ngẫm sâu sắc về những áp lực vô hình thế hệ trẻ đang phải gánh chịu trong xã hội hiện đại tại Trung Quốc.
Áp lực này không chỉ đến từ kỳ vọng của gia đình và xã hội về thành công học vấn, mà còn từ những chuẩn mực về thành đạt và hình mẫu lý tưởng các bạn trẻ phải theo đuổi.
Trong môi trường cạnh tranh gay gắt, đặc biệt là trong các kỳ thi đại học, thất bại không chỉ bị xem là một bước lùi cá nhân mà còn là sự thất vọng đối với những người xung quanh. Điều này có thể dẫn đến những tác động tiêu cực đến tâm lý, khiến người trẻ cảm thấy mình không đủ giá trị hoặc không xứng đáng với tình yêu thương và sự quan tâm của gia đình.
Khi không được hỗ trợ kịp thời và thiếu sự đồng cảm, những vấn đề tâm lý này có thể đẩy giới trẻ vào trạng thái cô lập và mất phương hướng.