Bé trai bị chó tấn công khi đi chúc Tết, khâu 9 mũi
Trẻ nhập viện với nhiều vết thương có dấu răng rõ rệt trên cơ thể do bị chó cắn. Dù đang nghỉ Tết nhưng nhân viên phòng tiêm chủng vẫn đến tiêm huyết thanh kháng dại, vaccine phòng dại, phòng uốn ván ngay sau khi các vết thương được xử lý.
Khoa Chấn thương chỉnh hình và Thần kinh cột sống, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận bé trai B.A (10 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện với nhiều vết thương trên cơ thể, bao gồm vùng thái dương, đùi, tay và chân. Các vết thương có dấu răng rõ rệt, nghiêm trọng do bị chó cắn khi đi chúc Tết đầu năm.
Ngay sau khi thăm khám, các bác sĩ đã tiến hành khâu 9 mũi ở các vết thương hở to và chăm sóc các vết thương còn lại.
Bác sĩ Phạm Văn Tỉnh - Khoa Chấn thương chỉnh hình và Thần kinh cột sống cho biết, bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ trong 5-7 ngày để kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng (sưng, nóng, đỏ, đau, chảy mủ).
Dù đang trong kỳ nghỉ Tết nhưng vì sức khỏe của bệnh nhân, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã điều động các nhân viên Phòng tiêm chủng vaccine đến để tiêm huyết thanh kháng dại, vaccine phòng dại, vaccine phòng uốn ván ngay sau khi các vết thương được xử lý.
Theo BS. Trần Quang Đại - Phòng tiêm chủng vaccine, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại gây nên. Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương.
Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).
Bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại. Tiêm vaccine dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.
Người bị chó cắn cần đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm phòng dại kịp thời.
Cách sơ cứu khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm:
- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.
- Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.
- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
- Đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
- Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
(Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)