Nam sinh lớp 9 bị đánh tử vong tại Yên Bái: Dùng điếu cày đánh đến chết
Khi đang uống nước, phát hiện một nhóm học sinh đang bị bắt nạt, N. vào can ngăn nhưng bị đuổi đánh. Không dừng lại, nhóm thanh niên đánh Quân, người đi cùng với N. khiến nam học sinh tử vong.
Ngày 15/7, Công an huyện Lục Yên (Yên Bái) đã bắt giữ Triệu Văn Sơn (SN 2001, trú tại xã Đông Quan) để điều tra hành vi giết người. Nạn nhân trong vụ án là Hoàng Văn Quân (SN 2005, học sinh lớp 9, trường THCS Trúc Lâu).
Vụ nam sinh lớp 9 bị đánh tử vong xảy ra vào 21h ngày 14/7, tại khu vực cổng trường THPT Hồng Quang (xã Đông Quan, Lục Yên). Thời điểm trên, em Quân cùng bạn là Lương Văn N. đến uống nước tại một quán trà sữa gần cổng trường. Tại đây, thấy nhóm của Triệu Văn Sơn đang bắt nạt một nhóm học sinh nên N. vào can ngăn thì bị nhóm thanh niên đánh nên N. bỏ chạy.
Sau đó, nhóm thanh niên quay lại đánh Quân tại quán trà sữa. Triệu Văn Sơn được xác định đã dùng ống điếu bằng inox đánh vào đầu và người. Dù cố gắng bỏ chạy nhưng Quân bị Sơn truy đuổi, đánh tử vong.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, vụ án khiến nhiều người bức xúc, phẫn nộ. Bởi nạn nhân mới chỉ là học sinh lớp 9, không mâu thuẫn với đối tượng gây án. Chỉ vì bất bình với hành vi bắt nạt học sinh của nhóm đối tượng của Sơn mà N. vào can ngăn, Quân bị đánh tử vong.
Hành vi của nghi phạm Triệu Văn Sơn là rất rõ ràng, dùng điếu cày đánh nạn nhân, dù nạn nhận đã bỏ chạy nhưng vẫn truy đuổi đến cùng để đánh cậu bé đến tử vong, có nhiều học sinh chứng kiến, dữ liệu camera và khám nghiệm hiện trường có ghi lại hình ảnh và đối tượng cũng thừa nhận hành vi phạm tội.
Hành vi của đối tượng Sơn mang tính chất côn đồ, coi thường tính mạng của người khác, coi thường pháp luật, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em, vi phạm pháp luật hình sự.
Do đó, đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2015.
Theo đó hành vi giết người dưới 16 tuổi có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tổn thất tinh thần cho gia đình nạn nhân theo quy định của pháp luật về dân sự.
Luật sư Cường cho rằng, với vụ án này, cơ quan điều tra cần nhanh chóng thu thập các tài liệu, chứng cứ có liên quan; lấy lời khai của người liên quan, nhân chứng vụ việc; củng cố hồ sơ tài liệu để làm căn cứ xử lý theo quy định pháp luật. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ sự việc bắt nạt của nhóm đối tượng với nhóm học sinh ít tuổi, ai là những người tham gia, sự việc diễn ra đã lâu chưa, có thường xuyên không hay đây là lần đầu; nguyên nhân, động cơ, mục đích của nhóm đối tượng này là gì; hậu quả để lại ra sao để có căn cứ xử lý.
Theo luật sư Cường, vụ án cũng gióng lên hồi chuông về nạn bạo lực học đường xảy ra thời gian gần đây. Rất nhiều trẻ em là đối tượng bị bắt nạt khi ngồi trên ghế nhà trường khiến cho tâm lý, tinh thần thậm chí là sức khỏe của các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong số đó rất nhiều trẻ không dám kể với bố mẹ, người thân, không dám tố cáo với nhà trường; âm thầm chịu đựng hành vi bắt nạt này; đến khi không thể chịu đựng được nữa thì có những suy nghĩ, hành vi tiêu cực. Nhiều em đã rơi vào trầm cảm do việc bị bắt nạt thường xuyên.
Một điều cần quan tâm nữa là đối tượng thực hiện hành vi bắt nạt trong học đường là những người còn trẻ, thường là bằng tuổi thậm chí ít tuổi hơn nạn nhân. Cũng có trường hợp đối tượng là những thanh niên bỏ học, không nghề nghiệp, lêu lổng.
Những đối tượng này bị ảnh hưởng từ môi trường internet, mạng xã hội, phim ảnh, trò chơi nên có tâm lý ưa bạo lực, thích thể hiện, lấy việc bắt nạt người khác làm trò tiêu khiển. Thậm chí, có những đối tượng có tâm lý vặn vẹo, biến thái khi có cảm giác khoái cảm khi nhìn thấy người khác bị bắt nạt, sợ sệt, phục tùng mình.
“Trẻ em là đối tượng cần nhận được sự quan tâm từ gia đình, nhà trường, xã hội, là đối tượng được bảo vệ đặc biệt theo quy định pháp luật. Do đó, bản thân gia đình các em, thầy cô giáo cần phải quan tâm, để ý đến các em nhiều hơn, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Đồng thời chính quyền địa phương cũng cần có biện pháp giám sát, quản lý hoạt động an ninh trật tự tại địa bàn” - luật sư Cường nêu ý kiến.
Theo tìm hiểu, nạn nhân Hoàng Văn Quân có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Gia đình có 4 người nhưng mẹ và chị gái nạn nhân đi làm xa kiếm thu nhập, bố Quân thì thường xuyên phải đi làm đồng thâu đêm nhiều ngày. Trong khi đó, Sơn là thanh niên lêu lổng, không có công việc ổn định, học chưa hết THCS.
Vụ nam sinh lớp 9 bị đánh tử vong ở Yên Bái đang được điều tra làm rõ.
Mời độc giả xem thêm video Vụ bí thư xã giết người, đốt xe: Nghi phạm từng đi trộm mộ mượn xác