Nam sinh tử vong vì phát hiện mắc lao muộn

Căn bệnh khiến người mắc rất đau đớn. Nam sinh có thể đã chịu đựng cơn đau này suốt 3-6 tháng cuối đời.

Nam sinh được chẩn đoán mắc bệnh lao nhưng không được điều trị kịp thời. Sau 4 ngày được chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM), bệnh nhân đã tử vong do sốc nhiễm trùng huyết và hoại tử ruột.

Bác sĩ Dư Tấn Quy, Phó trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, cho biết bệnh nhân tử vong do vi trùng lao tấn công đa cơ quan, hai phổi bị thâm nhiễm, thủng ruột hoại tử, viêm phúc mạc.

Trước đó, bệnh nhân bị đau bụng từng cơn, sốt, chán ăn, cân nặng giảm từ 30 kg còn 24 kg, thể trạng gầy yếu. Người mẹ cho biết nhiều lần muốn đưa con đi khám nhưng nam sinh không chịu vì nhà nghèo và không muốn nghỉ học.

 Hình ảnh vi trùng lao trong phổi của bệnh nhân. Ảnh minh họa: The Scientist.

Hình ảnh vi trùng lao trong phổi của bệnh nhân. Ảnh minh họa: The Scientist.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sĩ ghi nhận đoạn ruột của bệnh nhân bị thủng, hoại tử tím đen, gây viêm phúc mạc. Các bác sĩ quyết định cắt bỏ phần ruột hoại tử và nối hai đầu ruột lành với nhau.

Kết quả xét nghiệm khẳng định bệnh nhân bị lao đa cơ quan gồm phổi, ruột và phúc mạc. Sau 4 ngày thở máy và điều trị tích cực, nam sinh không qua khỏi do bệnh cảnh quá nặng và suy kiệt.

Theo bác sĩ Dư Tấn Quy, gia đình bệnh nhân rất khó khăn. Hai mẹ con sống trong khu nhà trọ ẩm thấp. Mẹ làm nghề bưng bê, rửa chén ở quán cơm nuôi con trai ăn học.

Người mẹ cũng không nhớ từng tiêm vaccine ngừa lao cho con trai hay chưa. Khi thăm khám, các bác sĩ không thấy vết sẹo trên vai trái bệnh nhân - dấu vết của tiêm vaccine ngừa lao.

"Môi trường ẩm thấp, không đảm bảo vệ sinh, bụi bẩn cùng thể trạng yếu, không có hệ thống miễn dịch có thể là nguyên nhân khiến bệnh nhân nhiễm vi trùng lao. Căn bệnh khiến người mắc rất đau đớn. Bệnh nhân có thể đã chịu đựng cơn đau này suốt 3-6 tháng cuối đời", bác sĩ Quy chia sẻ.

Sau khi con trai mất, người mẹ gầy gò, xanh xao, các bác sĩ khuyên bà đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) để tầm soát lao.

Lao ruột hay lao phúc mạc là bệnh hiếm gặp tại Việt Nam. Trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, trẻ được tiêm vaccine lao ruột, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi trùng này suốt đời.

Bệnh lao hiện có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, phát hiện chậm, người bệnh bị kháng thuốc, việc điều trị khó khăn hơn.

“Lao có thể phòng ngừa bằng vaccine và thuốc điều trị được miễn phí, song, phụ huynh cần cho trẻ tiêm chủng đầy đủ các mũi để phòng căn bệnh này”, bác sĩ Quy khuyến cáo.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nam-sinh-tu-vong-vi-phat-hien-mac-lao-muon-post1142441.html