Nan giải bài toán sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Thuốc bảo vệ thực vật là nguyên nhân khiến nhiều đơn hàng xuất khẩu nông sản bị trả lại. Dù đã bị cảnh báo nhiều, nhưng đây là thành phần không thể thiếu của quá trình sản xuất nông nghiệp.

“Tội đồ” của ngành xuất khẩu

Đầu tháng 12, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, 2 lô hàng sầu riêng và ớt nhập từ Việt Nam bị cơ quan kiểm dịch Nhật Bản lấy mẫu phân tích và phát hiện tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật.

Theo đó, lô hàng sầu riêng khoảng 1,4 tấn được nhập khẩu qua một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam từ ngày 5/10. Khi hàng đến Nhật Bản, cơ quan kiểm dịch nước này đã lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện tồn dư hoạt chất procymidone với hàm lượng 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép của Nhật là 0,01 ppm. Đây là hoạt chất có trong thuốc trừ sâu, có tác dụng diệt nấm mốc.

Còn lô hàng ớt có tổng trọng lượng hơn 4 tấn. Cơ quan kiểm dịch Nhật Bản lấy mẫu xét nghiệm với 4 hoạt chất, phát hiện có 2 hoạt chất tồn dư vượt ngưỡng cho phép gồm tricyclazole 0,2 ppm và hexaconazole 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 0,01 ppm.

Với vi phạm này, cả 2 lô hàng đều bị cơ quan kiểm dịch Nhật Bản yêu cầu tiêu hủy.

Mặc dù các chuyên gia khẳng định, việc dư lượng hóa chất vượt quá quy chuẩn của nước bạn không có nghĩa là nó có hại cho sức khỏe người tiêu dùng, song không thể phủ nhận, việc không đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu đã khiến doanh nghiệp thiệt hại lớn.

Bà Lê Thị Kiều Oanh, Giám đốc Công ty Japan Apple LLC, đơn vị nhập khẩu 2 đơn hàng này cho biết, đơn hàng sầu riêng gây thiệt hại khoảng 220 triệu đồng, đơn hàng ớt nếu không nhập khẩu bù sẽ có khả năng bị phạt thêm theo hợp đồng.

Tuy nhiên, theo bà Oanh, điều quan trọng hơn, sau mỗi vụ việc như thế này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ dần mất uy tín, nông sản Việt khó cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác trên thị trường Nhật Bản.

Đáng nói, đây không phải là trường hợp hiếm gặp của xuất khẩu nông sản Việt Nam trên nhiều thị trường khác. Theo thống kê mới đây của Văn phòng SPS Việt Nam, từ 21/10 đến 21/11/2023, Trung Quốc và EU đã gửi 11 thông báo cho Việt Nam, đa phần nhắc đến vấn đề thực phẩm.

Riêng EU, chỉ tính 6 tháng đầu năm 2023 đã cảnh báo Việt Nam có 31 vi phạm về xuất khẩu nông sản, đa số bị vướng về lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép.

Giải nỗi lo bằng cách nào

Mặc dù mang nhiều “tội danh”, song theo ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trên thế giới, thuốc bảo vệ thực vật vẫn được sử dụng như một trong những biện pháp để phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giúp nông dân giảm thiệt hại khoảng 35 - 42%.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh thuốc bảo vệ thực vật (VIPA) cho biết, thuốc bảo vệ thực vật là một trong các loại sản phẩm được đánh giá an toàn nghiêm ngặt nhất trên thế giới.

Tác hại của thuốc bảo vệ thực vật là có, nhưng chỉ khi chúng được sử dụng không đúng phương pháp, liều lượng. “Nhiều trường hợp do ham cái lợi trước mắt, nên một số doanh nghiệp, nông dân đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sai cách như dùng thuốc quá liều nhằm tăng mạnh hiệu quả, vội xuất hàng đi mà không đợi thuốc tan ra, dẫn tới đơn vị nhập khẩu kiểm tra thấy dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép”, ông Sơn nói.

Chính vì vậy, Chủ tịch VIPA cho rằng, thay vì tranh cãi về việc có nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không, thì các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, người dân nên cùng ngồi lại và thảo luận về việc nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như thế nào để phát huy cao nhất hiệu quả kinh tế và kỹ thuật, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người, vật nuôi và môi trường.

Nguyễn Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nan-giai-bai-toan-su-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat-d206154.html