Nan giải chuyện tranh chấp bản quyền giống cây trồng

Theo ông Nguyễn Thanh Minh - Trung tâm hỗ trợ dịch vụ giống cây trồng, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, hiện tượng tranh chấp bản quyền giống cây trồng diễn ra phổ biến. Thủ tục đăng ký phiền hà, làm chậm quá trình đưa giống vào sản xuất.

Chia sẻ tại diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam”, ngày 26/12, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định còn những vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Trồng trọt.

Cụ thể, về quy định đặt tên, khi một đơn vị tự công bố lưu hành, cơ quan quản lý sẽ đối chiếu thông qua phần mềm quản lý tự công bố lưu hành. Nếu tên gọi đó trùng với tên của giống đã được bảo hộ thì không được chấp nhận, còn lại phần mềm sẽ tự động chấp nhận theo thứ tự đăng ký, tên giống sau trùng với tên giống trước sẽ bị loại.

Cùng với đó, việc công nhận gia hạn lưu hành và không bảo hộ giống cây trồng phải xin phép và được ủy quyền đang mâu thuẫn với Luật Sở hữu trí tuệ. Theo Luật Sở hữu trí tuệ thì sau 20 năm tất cả các giống có chủ sẽ trở thành những giống có thể sử dụng chung.

Diễn đàn bàn về giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Thanh Minh – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ dịch vụ giống cây trồng, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, hiện tượng tranh chấp bản quyền giống cây trồng đang diễn ra phổ biến, thị trường sản xuất kinh doanh giống cây trồng “hỗn loạn”.

Đáng chú ý, do có nhầm lẫn về “chủ sở hữu quyền tác giả giống cây trồng” trong Luật trồng trọt khi quy định tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh giống cây trồng phải có giống được phép lưu hành/tự công bố lưu hành hoặc được bên có giống lưu hành/tự công bố lưu hành cho phép hoặc ủy quyền.

Luật cũng quy định giống cây trồng sản xuất kinh doanh trên thị trường phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép lưu hành/cho phép tự công bố lưu hành là yêu cầu bắt buộc cho tất cả các loài cây trồng và phải gia hạn sau 10 năm (cây hàng năm) và 20 năm (cây lâu năm).

“Quy định như vậy chính là đã cho phép lấy giống của người khác thành của mình. Tình trạng này sẽ không thể giải quyết được vì nó đã được hợp pháp hóa bằng các quy định tại Điều 22 và Điều 31 của Luật Trồng trọt”, ông Minh cho biết.

Thực tiễn một số trường hợp phát sinh hiện nay là một số giống lúa lai, giống thuần của Trung Quốc không đáp ứng điều kiện được bảo hộ, đã bị từ chối từ những năm đầu thế kỷ 20, mọi người có thể sản xuất kinh doanh tự do thì nay người có nhu cầu sản xuất kinh doanh lại phải được phép của tổ chức cá nhân công nhận lại (dù không phải là tác giả).

Quy định này nhầm lẫn với quyền tác giả giống cây trồng mới. Quyền tác giả giống cây trồng mới cũng chỉ được cấp khi giống đáp ứng một số điều kiện kỹ thuật và pháp lý và khi chủ sở hữu giống có yêu cầu.

Cũng theo ông Minh, thủ tục đăng ký công nhận lưu hành giống cây trồng còn phiền hà, làm chậm quá trình đưa giống vào sản xuất. Công nhận lưu hành giống với quy định bắt buộc 3 loại khảo nghiệm phải do cơ quan có thẩm quyền là không cần thiết và gây tốn kém cho chủ sở hữu giống. Điều này làm giá thành giống tăng cao, ảnh hưởng tới mọi đối tượng liên quan.

Doanh nghiệp và người nông dân mong muốncải thiện quản lý chất lượng giống cây ăn quả, tăng cường tính minh bạch trên thị trường.

Giám đốc Trung tâm hỗ trợ dịch vụ giống cây trồng khuyến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần ban hành văn bản dưới luật, trong đó quy định các hoạt động sản xuất, buôn bán giống cây trồng chưa có quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành đối với các giống không bị coi là vi phạm.

Đó là giống không được cấp bằng bảo hộ; giống không thuộc danh mục loài cây trồng chính; giống đã tồn tại trong sản xuất quá thời hạn được lưu hành nhưng không gia hạn.

Bà Nguyễn Thị Mai Hiên - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất cần sửa đổi Luật Trồng trọt theo hướng quy định rõ điều kiện công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng nói chung (điều kiện để công nhận). Còn việc khảo nghiệm được thực hiện đối với từng loại cây trồng theo tiêu chuẩn, phương pháp cụ thể.

Đồng thời, cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới để hướng dẫn cụ thể phương pháp giải trình tự gen thay thế phương pháp khảo nghiệm tính khác biệt để kiểm tra tính đúng giống cây trồng. Sớm ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các giống cây trồng nông nghiệp chính là cà phê, cam, bưởi, chuối.

Từ góc nhìn doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), ông Nguyễn Văn Viết - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Nafoods đề xuất Cục Trồng trọt có những hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp; giúp Nafoods cải thiện quản lý chất lượng giống cây ăn quả, tăng cường tính minh bạch trên thị trường.

Ông Dương Quang Sáu - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) bày tỏ mong muốn Luật Trồng trọt được hoàn thiện sẽ ổn định và bền vững, mang tính lâu dài, vì mỗi lần thay đổi, doanh nghiệp phải tốn kém cả về thời gian và tiền bạc.

Ngân Hà

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/nan-giai-chuyen-tranh-chap-ban-quyen-giong-cay-trong/20231226031914815