Nan giải đấu giá hải sản

Cả doanh nghiệp lẫn ngư dân đều chưa mặn mà tham gia các phiên chợ đấu giá hải sản

Nhiều kỳ vọng...

Thời gian gần đây, một số tỉnh, thành ở khu vực miền Trung có chủ trương tổ chức đấu giá các loại thủy hải sản. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường thuận lợi, tăng giá trị các loại thủy hải sản của bà con ngư dân, đặc biệt, sẽ góp phần hạn chế việc tư thương ép giá. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đấu giá hải sản ở khu vực lại đang gặp nhiều khó khăn nan giải.

TP. Đà Nẵng một trong những trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá lớn ở khu vực miền Trung. Đây là địa phương đầu tiên trong khu vực tổ chức đấu giá loại hải sản. Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng ban hành đề án thí điểm tổ chức đấu giá hải sản tại chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang. Được biết, theo quy chế tổ chức đấu giá do Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng ban hành, đối tượng tham gia gồm các chủ tàu thuyền có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký tham gia mô hình đấu giá hải sản thí điểm với Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang. Bên cạnh, là các chủ nậu, vựa, thương nhân, cơ sở thu mua hải sản có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Hải sản tham gia đấu giá thường có giá trị lớn, sản lượng ổn định. Đặc biệt, sản phẩm tham gia đấu giá phải có nguồn gốc rõ ràng, không vi phạm quy định về đánh bắt bất hợp pháp...

Việc đấu giá hải sản còn gặp nhiều khó khăn

Việc đấu giá hải sản còn gặp nhiều khó khăn

Theo đại diện Ban quản lý, Thọ Quang là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của Đà Nẵng và khu vực miền Trung. Hàng năm, tại đây đón hơn 20 nghìn lượt tàu (bình quân 55 tàu/ngày) vào bán hải sản. Lượng hải sản qua cảng cá, chợ đầu mối Thọ Quang bình quân trên 100 nghìn tấn mỗi năm. Tại khu vực này, cũng như ở nhiều địa phương khác trong cả nước, từ trước đến nay ngư dân thường bán sản phẩm khai thác qua các đầu nậu, vựa nên giá cả rất phụ thuộc vào tiểu thương. Bởi vậy, bán đấu giá hải sản được kỳ vọng sẽ góp phần ổn định giá cả sản phẩm khai thác trên địa bàn, tránh tình trạng tư thương ép giá. Ðồng thời, cung cấp thông tin cho công tác quản lý và phát triển ngành thủy sản của cơ quan chức năng.

Ông Phạm Hân, chủ một tàu cá trú tại huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi, thường xuyên vào Thọ Quang để bán hải sản cho biết, từ trước đến nay gần như các chủ tàu nói giá nhưng không quyết định được, mà hầu hết đều bị các chủ nậu ép xuống. Khi nào sản lượng ít thì giá còn được tí chứ khai thác về nhiều là bị ép. Với việc hải sản được đưa ra đấu giá công khai, hy vọng bà con ngư dân bớt được những thiệt thòi như bấy lâu nay.

...Nhưng khó thực hiện

Thực hiện đề án thí điểm tổ chức đấu giá hải sản tại chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang, các cơ quan chức năng ở Đà Nẵng đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, kêu gọi sự tham gia của các ngư dân lẫn doanh nghiệp tham gia. Trong đó, Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đã xây dựng kế hoạch, phân công, giao nhiệm vụ, tiến độ triển khai cho từng phòng, đội, cán bộ có liên quan. Thành lập tổ điều hành đấu giá sản phẩm khai thác hải sản tại chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang gồm 13 thành viên. Đồng thời, hoàn chỉnh nội quy, quy chế đấu giá, triển khai các nội dung liên quan đến việc đấu giá...

Các cơ quan chức năng ở địa phương cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp liên quan trực tiếp đến việc đấu giá hải sản. Tuy nhiên, ý kiến tại các cuộc họp đa phần đều nêu ra những khó khăn, bất cập khi tổ chức đấu giá hải sản. Số ý kiến còn lại đồng ý triển khai việc đấu giá hải sản rất ít. Trên thực tế, đến nay việc đấu giá hải sản ở Đà Nẵng cũng như một số địa phương khác trong khu vực đang gặp những khó khăn, mà vướng mắc đầu tiên lại đến từ chính các ngư dân, khi nhiều bà con không mặn mà với mô hình đấu giá hải sản. Mặc dù, đây là việc làm có lợi cho chính họ, nhưng nhiều ngư dân cho biết, cái khó bó cái khôn, họ quá phụ thuộc vào các đầu nậu, khi phải ứng trước kinh phí để chuẩn bị lương thực, thực phẩm xăng dầu... để đi biển. Sau khi đánh bắt, về đến bờ dù muốn hay không muốn họ đều phải bán hải sản lại cho các đầu nậu để trừ khoản tiền đã ứng.

Bên cạnh đó, một số chủ nậu thương lái còn có hành vi lôi kéo, ngăn chặn việc ngư dân tham gia đấu giá hải sản. Chủ một tàu cá giấu tên ở Đà Nẵng cho biết, trong giới đầu nậu cũng có những quy định “ngầm”, nếu chủ nậu này không mua, thì các chủ nậu khác cũng ít khi nhảy vào mua cho bà con. Vậy nên, chủ tàu đã lỡ không bán cho người mà mình đã ứng tiền, thì rất khó tiêu thụ được số hải sản đã đánh bắt. Chưa kể đến việc, hầu hết các tàu cá ở khu vực miền Trung đều đang khai thác hỗn hợp với rất nhiều loài hải sản. Mỗi chuyến đi biển, bà con thường khai thác được nhiều sản phẩm, kích cỡ khác nhau. Trong khi, các phiên đấu giá thường lựa chọn các loại hải sản có giá trị lớn, sản lượng ổn định như: cá ngừ, cá hố, cá đổng, cá bò...

Cùng với đó, các doanh nghiệp chế biến hải sản cũng không nhiệt tình tham gia các phiên đấu giá hải sản. Bởi, họ cũng đã quá quen với việc thu mua hải sản thông qua các chủ nậu, thương lái. Khi đó, doanh nghiệp có quyền từ chối mua sản phẩm không đạt yêu cầu nên giảm thiểu được rủi ro, thiệt hại. Nếu mua tại tàu rất dễ xảy ra tình trạng các sản phẩm không đồng đều, chất lượng không đạt. Đặc biệt, các chủ doanh nghiệp còn e ngại khi mua hải sản qua đấu giá sẽ mất nguồn cung cấp hàng ổn định từ thương lái. Chưa kể, hiện nay các doanh nghiệp không đủ người, phương tiện, công cụ để bốc xếp, vận chuyển, thu mua hải sản tại các chợ phiên đấu giá...

Vậy là cả doanh nghiệp lẫn ngư dân hiện còn chưa mặn mà tham gia đấu giá hải sản. Trong khi đó, cơ quan chức năng vẫn còn những lúng túng trong khâu tổ chức. Bởi, việc đấu giá hải sản cho bà con ngư dân vẫn chưa có các quy định hướng dẫn cụ thể. Mặt khác, cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc tổ chức đấu giá hải sản cũng chưa đáp ứng được yêu cầu trên thực tế... Với quá nhiều vướng mắc như vậy, xem ra việc đấu giá hải sản ở Đà Nẵng cũng như các địa phương khác sẽ rất khó được triển khai một cách có hiệu quả trong thực tế.

Bài và ảnh Nghi Lộc

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nan-giai-dau-gia-hai-san-90204.html