Nan giải tìm nguồn cát đắp nền đường dự án Vành đai 3 TPHCM
Cát đắp nền đường cho dự án Vành đai 3 TPHCM vẫn gặp khó do các tỉnh bị vướng thủ tục chưa thể khai thác; cát nhập khẩu từ Campuchia lại có giá thành cao, nguồn cung hạn chế.
Cần 4,7 triệu m3 cát trong năm 2024
Với tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng, Vành đai 3 TPHCM là dự án giao thông lớn nhất phía Nam từ trước đến nay, giúp kết nối nhiều tỉnh, thành Đông Nam bộ.
Tại TPHCM, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) cho biết, dự án Vành đai 3 TPHCM qua thành phố có 2 đoạn, gồm đoạn qua TP Thủ Đức (cầu Nhơn Trạch - nút giao Tân Vạn) với chiều dài khoảng 14,73 km và đoạn qua huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh (cầu Bình Gởi – cầu Kênh Thầy Thuốc) với chiều dài khoảng 32,62km. Tổng mức đầu tư hơn 22.400 tỷ đồng.
Theo Ban Giao thông, hiện cả 10 gói thầu xây lắp chính của dự án Vành đai 3 qua TPHCM đang đồng loạt triển khai theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, việc thiếu vật liệu cát đắp đường đang là trở ngại lớn gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.
Theo kế hoạch, tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường thuộc Dự án thành phần 1 dự kiến khoảng 7,1 triệu m3; chỉ riêng năm 2024 cần khoảng 4,7 triệu m3. Mặc dù các nhà thầu đã rất nỗ lực tìm kiếm các nguồn vật liệu cát đắp nền đường, tuy nhiên khối lượng cát huy động về công trường chưa đáp ứng nhu cầu.
Về phía chủ đầu tư, thời gian qua đã đôn đốc các nhà thầu tập trung, khẩn trương tìm kiếm nguồn cát san lấp để đưa về công trường phục vụ thi công trong tháng 6/2024 và các giai đoạn tiếp theo. Cùng với đó, chủ đầu tư cũng đang phối hợp với Tổ công tác vật liệu, Tổ công tác Chính phủ và các địa phương đẩy nhanh tiến độ công tác tìm kiếm nguồn cát san lấp cung cấp cho Dự án Vành đai 3 TPHCM.
Đến nay, các địa phương Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre mặc dù đã có chủ trương hỗ trợ, cấp cát đắp nền đường cho Dự án, tuy nhiên khó khăn, vướng mắc lớn trong việc gia hạn, cấp mỏ phải xin ý kiến các bộ ngành và dự kiến các thủ tục này sớm nhất đến tháng 6/2024 mới hoàn thành xong.
Nhập cát từ Campuchia giá thành cao
Đối với nguồn cát nhập từ Campuchia, Ban Giao thông cho biết sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ Công thương đã tổ chức Đoàn công tác liên Bộ sang Campuchia để làm việc về phương án nhập khẩu cát từ nước bạn. Tuy nhiên, hiện có 3 công ty khai thác mỏ cát ở Campuchia được phép xuất khẩu. Nguồn cát này được một số doanh nghiệp nhập khẩu nhưng có hợp đồng mua cát với khối lượng nhỏ, giá thành cao.
Qua so sánh, đối với dự án Vành đai 3 TPHCM, giá cát nhập khẩu Campuchia về tới công trường sẽ vào khoảng 360.000 đồng/m3. Trong khi đó, cát san lấp tại địa phương khoảng 230.000 đồng/m3 tính với giá gốc vật liệu do các tỉnh có mỏ ban hành, mức chênh lệch này là rất lớn.
Với diễn biến trên, Ban Giao thông cho rằng cần thiết phải có doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu có năng lực của Việt Nam để đàm phán với doanh nghiệp Campuchia về khối lượng lớn.
Hiện, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà để báo cáo về khả năng nhập khẩu cát từ Campuchia.
Ngoài khó khăn về vật liệu cát, dự án Vành đai 3 TPHCM còn gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Đến nay, diện tích đất đã thu hồi tại các gói thầu đạt 98,8%, tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp chưa bàn giao mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công xây dựng.
Các vướng mắc chủ yếu do dự án đi qua nhiều địa bàn, số trường hợp bị ảnh hưởng lớn nên việc chỉ đạo, giải quyết vướng mắc tốn nhiều thời gian. Cùng với đó, tình trạng nguồn gốc đất phức tạp, chi phối bởi nhiều quy định, qua nhiều chủ sở hữu dẫn đến khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu, nguồn gốc pháp lý.
Hiện, Ban Giao thông đã kiến nghị UBND TP Thủ Đức, UBND huyện Củ Chi, UBND Bình Chánh chỉ đạo các đơn vị liên quan quan tâm, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan công tác giải phóng mặt bằng dự án, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng để tránh làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công xây dựng dự án trọng điểm này.