Nâng bước người lao động: Khắc phục tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn

Cần có giải pháp quyết liệt để kéo giảm tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn khi làm việc ở nước ngoài

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 10-2023, có 46.677 lao động Việt Nam vi phạm hợp đồng, cư trú và làm việc bất hợp pháp tại các thị trường nước ngoài (chiếm tỉ lệ 6%), trong đó Hàn Quốc có 12.245 người (26%).

Nguyên nhân

Hiện dù có những quy định để bảo đảm và ràng buộc người lao động (NLĐ) không bỏ trốn như ký quỹ, cấm nhập cảnh nếu bỏ trốn..., song một bộ phận NLĐ vẫn chọn cách vi phạm dù biết sẽ phải đối mặt với án phạt.

Nếu xét về lợi ích thì việc bỏ trốn không những khó được bảo đảm mà còn phải trốn tránh cơ quan chức năng của nước sở tại. Tuy vậy, nếu so sánh giữa về nước và ở lại thì họ chọn ở lại vì sẽ có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Điều này xảy ra một phần vì trình độ nhận thức kém của lao động. Họ cũng biết rằng việc bỏ trốn sẽ làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ hợp tác về lao động giữa Việt Nam và nước sở tại.

Người lao động Việt Nam được tư vấn trước khi ra nước ngoài làm việc. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Người lao động Việt Nam được tư vấn trước khi ra nước ngoài làm việc. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Nguyên nhân chủ yếu cho tình trạng bỏ trốn vẫn là thu nhập. Dù bỏ trốn, lao động Việt Nam vẫn có thể làm chui và kiếm thu nhập tốt hơn so với ở Việt Nam. Bên cạnh đó là lo lắng tương lai khi về Việt Nam, họ sẽ thất nghiệp. Đây là nguyên nhân gián tiếp, cộng thêm khi tìm được việc làm chui thì NLĐ sẽ chọn bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp.

Ngoài ra, tình trạng tài chính của lao động và gia đình ở Việt Nam cũng là một nguyên nhân. Không ít lao động phải vay mượn để có tiền đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) nên có tư tưởng phải kiếm càng nhiều tiền càng tốt trong thời gian ở nước ngoài.

Qua trao đổi với nhiều lao động, trong đó có người đã từng bỏ trốn, điểm chung là nhận thức được vấn đề bỏ trốn là nghiêm trọng nhưng khi lợi ích cá nhân lấn át nguy cơ và thiệt hại thì họ chọn nghiêng về lợi ích cá nhân và chấp nhận rủi ro. Hơn nữa, tâm lý "không còn gì để mất" cũng là một tâm tư đáng lo ngại bởi vì tình trạng tài chính khó khăn của một số lao động, trong đó có ốm đau, bệnh tật…

Bảo đảm quyền lợi khi về nước

Chúng ta đã đưa ra không ít giải pháp để xử lý vấn đề nan giải này. Tuy vậy, tình trạng lao động bỏ trốn vẫn diễn ra ở nhiều thị trường. Vì vậy, cần giải quyết yếu tố lợi ích cho NLĐ, cùng với áp dụng biện pháp về pháp lý để bảo đảm họ thực hiện đúng cam kết.

Theo tôi, tạo việc làm cho NLĐ sau khi về nước là giải pháp rất quan trọng. Để làm được điều này, cần có chính sách riêng và hệ thống giải quyết việc làm phối hợp các địa phương để liên kết doanh nghiệp (DN) với NLĐ đã làm việc ở nước ngoài về nước. Thực tế cho thấy khó khăn chính của NLĐ khi về nước là những kỹ năng, tay nghề sử dụng ở nước ngoài có độ vênh và không phù hợp với trong nước, dù lực lượng này đã quen tay, quen việc và có kỹ năng nhất định. Do vậy, phải có nghiên cứu trong đào tạo, dạy nghề và tuyển dụng của các DN trong nước để cung cấp kiến thức cho họ.

Ngoài ra, cần nghiên cứu và thương lượng với các nước, vùng lãnh thổ về tăng thời gian lao động. Đây là điều không dễ thực hiện vì các nước, vùng lãnh thổ có những quy định về lao động nước ngoài. Vì vậy, các cơ quan chức năng và DN XKLĐ cần tăng cường quan hệ, hợp tác, đàm phán tăng thêm thời gian làm việc để NLĐ tăng thêm thu nhập. Một biện pháp khác là dùng quy định, chế tài như: tăng số tiền ký quỹ (hiện nay là 100 triệu đồng); bảo đảm quyền lợi cho NLĐ sau khi về nước; hỗ trợ họ tìm việc làm mới...

Song song đó, có chính sách hỗ trợ vay vốn tốt hơn cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Điều này nhằm hạn chế tình trạng NLĐ phải vay lãi cao và áp lực trả nợ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ trốn; giảm thủ tục xuất nhập cảnh để hạn chế chi phí cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.

Tạo sự gắn kết cộng đồng

Các cơ quan liên quan, DN XKLĐ tích cực phối hợp với các nước, vùng lãnh thổ để kiểm tra, giám sát NLĐ; lập các nhóm trên mạng xã hội để giúp lao động gắn kết, hỗ trợ, động viên về vật chất và tinh thần; tích cực tổ chức các hoạt động, phong trào để vun đắp lòng yêu nước cho lao động làm việc ở nước ngoài, để họ hiểu nếu bỏ trốn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam trong quan hệ quốc tế.

Thể lệ cuộc thi

Thể lệ cuộc thi

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

ĐINH THÀNH TRUNG (quận Tây Hồ, TP Hà Nội)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nang-buoc-nguoi-lao-dong-khac-phuc-tinh-trang-lao-dong-viet-nam-bo-tron-196240624194521813.htm