Nâng cao chất lượng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với đội ngũ lãnh đạo quản lý
Việc đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý giúp các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; giúp xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có tâm, có tầm, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Khánh Hòa hiện nay.
Những kết quả tích cực
Thực hiện Quy định số 164-QĐ/TW, ngày 1-2-2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, những năm qua, Tỉnh ủy, các cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để nâng cao nhận thức chính trị, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do vậy, việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị đã đạt nhiều kết quả tích cực. Qua bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đã trưởng thành hơn trong công tác, có tư duy đổi mới, kịp thời phát hiện, giải quyết tốt những tình huống đặt ra trong thực tiễn.
Về ưu điểm, chương trình bồi dưỡng bảo đảm đúng theo hướng cập nhật kiến thức mới; kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn chức danh đối với từng đối tượng ở từng vị trí công tác, phù hợp với yêu cầu cụ thể của từng lĩnh vực, địa phương. Nội dung chương trình bồi dưỡng đã từng bước được đổi mới, cập nhật thường xuyên theo sự phát triển của xã hội; với ý thức, tinh thần trách nhiệm học tập được nâng lên đã tạo sự hào hứng khi tham gia học tập, số lượng cán bộ tham gia trong các buổi học được duy trì, khắc phục tình trạng vắng mặt ở các buổi học hoặc sau giữa buổi học; kết quả viết thu hoạch đạt kết quả cao. Thời gian tổ chức các lớp bồi dưỡng linh hoạt theo số lượng chuyên đề, đảm bảo cho cán bộ được cử đi học sắp xếp thời gian hợp lý và lĩnh hội đầy đủ thông tin. Đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng có đủ năng lực và trình độ chuyên môn, có kiến thức sâu rộng, có kinh nghiệm nghiệp vụ sư phạm tham gia công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đối tượng cán bộ theo phân cấp, phù hợp từng lớp bồi dưỡng, từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Bên cạnh đó, có sự phân công, phân cấp, phối hợp trong tổ chức, quản lý các lớp và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Một số hạn chế, bất cập
Bên cạnh những kết quả đạt được công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý còn một số hạn chế, bất cập như: Vẫn còn một số ít cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương nhận thức về công tác bồi dưỡng còn hạn chế, chưa coi trọng công tác bồi dưỡng nên việc cử cán bộ tham gia chưa quan tâm đúng mực; một số cán bộ chưa xác định đúng mục đích, động cơ học tập nên chưa thật sự tha thiết về việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức; việc bồi dưỡng nhìn chung vẫn còn nặng về lý thuyết, tính ứng dụng chưa cao, vẫn còn tình trạng một số ít cán bộ chưa tập trung nghe bài giảng.
Ngoài ra, thời gian tổ chức một số lớp bồi dưỡng chưa đảm bảo theo quy định (từ 5 đến 7 ngày), nhất là các lớp bồi dưỡng theo lĩnh vực, theo ngành do tập trung phần lớn nghiệp vụ để phục vụ tốt công tác chuyên môn; việc tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đối tượng 3, 4 chưa thường xuyên, định kỳ theo đúng quy định (tổ chức hằng năm), chỉ căn cứ vào tính cấp thiết và những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung để tổ chức thực hiện.
Cần tiếp tục thực hiện các giải pháp
Để nâng cao chất lượng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với đội ngũ lãnh đạo quản lý, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở quan tâm hơn đến công tác bồi dưỡng, thực hiện song song đào tạo và bồi dưỡng, luôn coi việc bồi dưỡng là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ; chỉ đạo các cấp ủy, các cơ quan, đơn vị trực thuộc có liên quan kiểm tra, hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ theo phân cấp.
Cùng với đó, các cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, định hướng, lựa chọn lĩnh vực chuyên môn bồi dưỡng có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, phù hợp với địa phương, cơ quan, đơn vị; rà soát đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực, trình độ, điều kiện, tiêu chuẩn để làm căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm; quan tâm, tạo điều kiện, bố trí, sắp xếp cho cán bộ được tham gia bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thường xuyên để nâng cao năng lực công tác; lựa chọn các nội dung của chương trình phù hợp với từng chức danh, đối tượng theo phân cấp, có tính chuyên môn theo lĩnh vực, ngành để phù hợp với sở trường, môi trường công tác chuyên môn và ứng dụng tốt vào thực tế công việc.