Nâng cao chất lượng công tác trợ giúp pháp lý

Thời gian qua, hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) trên địa bàn tỉnh Hà Giang được triển khai ngày càng đồng bộ, hiệu quả, góp phần thiết thực bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đối tượng yếu thế.

Vừa qua, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Hà Giang tổ chức đợt truyền thông về TGPL cho người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính trên địa bàn các xã: Giàng Chu Phìn, Cán Chu Phìn, Pả Vi, Pải Lủng, Niêm Sơn, Khâu Vai, Sủng Trà, Sủng Máng, Lũng Pù, thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc) năm 2025. Các trợ giúp viên đã tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi là người được TGPL; lĩnh vực, hình thức TGPL cho người cao tuổi; thành phần hồ sơ yêu cầu TGPL. Bà Giàng Thị Chúa, xã Cán Chu Phìn cho biết: Bản thân tôi là người cao tuổi thuộc hộ nghèo, ít được tiếp cận thông tin. Thông qua buổi tuyên truyền giúp tôi hiểu biết hơn về quyền được TGPL của mình và cách thức để tiếp cận dịch vụ pháp lý miễn phí khi có vướng mắc pháp luật, qua đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.

Truyền thông về TGPL cho người cao tuổi tại xã Niêm Sơn (Mèo Vạc). Ảnh: C.T.V

Truyền thông về TGPL cho người cao tuổi tại xã Niêm Sơn (Mèo Vạc). Ảnh: C.T.V

Theo Luật TGPL năm 2017, người được TGPL gồm nhiều đối tượng như: Người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo... Đây đều là những đối tượng yếu thế, gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, đặc biệt là với người dân sinh sống ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, cơ quan chức năng đã tăng cường truyền thông về quyền TGPL cho người dân với nhiều hình thức đa dạng như: Thông qua các đợt truyền thông về TGPL tại cơ sở, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh các xã, thị trấn; phát tờ gấp pháp luật; tổ chức các đợt truyền thông điểm về TGPL cho người dân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng...

Trong năm 2024, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm TGPL tổ chức 7 đợt truyền thông về TGPL cho người cao tuổi tại 50 xã cho 1.961 lượt người; 5 đợt truyền thông về TGPL theo chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số tại 52 xã cho 1.984 lượt người; 3 đợt truyền thông TGPL cho người khuyết tật tại 39 xã thuộc các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì , Quản Bạ cho 1.385 lượt người.

Trong giai đoạn 2018 - 2023, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Hà Giang đã thực hiện được 7.355 vụ việc TGPL cho 7.355 người, trong đó có 5.098 vụ việc tư vấn pháp luật, 2.211 vụ việc tham gia tố tụng, 46 vụ việc đại diện ngoài tố tụng. Riêng trong năm 2024, Trung tâm TGPL đã thực hiện 811 vụ việc với 418 người được TGPL. Hầu hết các vụ việc được đánh giá đạt chất lượng trở lên. Nhiều vụ việc do người thực hiện TGPL tham gia được đánh giá là thành công, có nhiều vụ án được tuyên mức án nhẹ hơn, chuyển tội danh hoặc thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân.

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động TGPL, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Hà Giang luôn chú trọng nâng cao năng lực cho người thực hiện TGPL. Tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn với các nội dung đa dạng như: Cập nhật kiến thức pháp luật, kiến thức nghiệp vụ chung về TGPL; kỹ năng thực hiện TGPL trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, hành chính; kỹ năng thực hiện TGPL cho các đối tượng đặc thù như trẻ em, phụ nữ, nạn nhân mua bán người, nạn nhân bạo lực gia đình, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số... Tăng cường phối hợp với các cơ quan có liên quan (cơ quan tố tụng, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội) để phát hiện và TGPL kịp thời cho các đối tượng yếu thế. Đồng thời, thiết lập mạng lưới tại cơ sở, các thiết chế có thể giúp người dân tiếp cận TGPL như thông qua UBND cấp xã; công chức tư pháp - hộ tịch; tổ hòa giải; già làng, trưởng bản, người có uy tín; cán bộ phụ nữ; Công an xã...

Yên Hoa

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/phap-luat/nang-cao-chat-luong-cong-tac-tro-giup-phap-ly