Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng đồng bào dân tộc

Không chỉ có đời sống kinh tế, điều kiện vật chất ngày càng tốt lên mà mức hưởng thụ về tinh thần của người dân ngày một cải thiện. Đó là thành quả quan trọng, cũng là mục tiêu huyện Lạc Sơn tiếp tục hướng tới trong triển khai, thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Hiện nay, tổng dân số toàn huyện là 15,7 vạn người, trong đó, dân tộc Kinh chiếm 8%, dân tộc Mường 91%, còn lại 1% dân tộc khác... Trên địa bàn có 13 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), 22 xóm ĐBKK thuộc xã khu vực I, khu vực II.

Không chỉ có đời sống kinh tế, điều kiện vật chất ngày càng tốt lên mà mức hưởng thụ về tinh thần của người dân ngày một cải thiện. Đó là thành quả quan trọng, cũng là mục tiêu huyện Lạc Sơn tiếp tục hướng tới trong triển khai, thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Hiện nay, tổng dân số toàn huyện là 15,7 vạn người, trong đó, dân tộc Kinh chiếm 8%, dân tộc Mường 91%, còn lại 1% dân tộc khác... Trên địa bàn có 13 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), 22 xóm ĐBKK thuộc xã khu vực I, khu vực II.

Hộ nghèo xã Chí Đạo (Lạc Sơn) được đầu tư con giống từ chương trình, dự án chính sách dân tộc để cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống.

Hộ nghèo xã Chí Đạo (Lạc Sơn) được đầu tư con giống từ chương trình, dự án chính sách dân tộc để cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống.

Văn Sơn là xã ĐBKK có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Những năm qua, các chương trình, dự án chính sách dân tộc được triển khai, lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững đã tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển KT-XH, đồng thời giúp thay đổi diện mạo hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nhiều mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả được phát triển, nhân rộng. Cấp ủy, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm, huy động nguồn lực về vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật nhằm thúc đẩy giảm nghèo đa chiều, bền vững. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 40 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 18,7%.

Theo đồng chí Bùi Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc vùng ĐBDTTS luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm triển khai, thực hiện. Nguồn lực từ chương trình, đề án, dự án được bổ sung cho yêu cầu tăng trưởng kinh tế, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho phát triển nhanh, vững chắc, nâng cao mức sống của ĐBDTTS. Chính sách trực tiếp và gián tiếp triển khai đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục tiêu, đối tượng, giải quyết căn bản các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo. Hệ thống chính trị vùng ĐBDTTS được kiện toàn, củng cố, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong ĐBDTTS được phát huy.

Huyện cũng tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, triển khai lồng ghép các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các mô hình hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo hướng bền vững gắn kết với thị trường tiêu thụ. Từ các chuỗi liên kết bước đầu mở ra cơ hội đưa các giống cây trồng phù hợp với thế mạnh, tiềm năng của nhiều xã trên địa bàn, mang lại thu nhập đáng kể. Phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng diễn ra mạnh mẽ ở nhiều xã trong huyện, nâng cao giá trị sản xuất trồng trọt và đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới ngày càng rộng khắp. Bình quân hàng năm huy động khoảng 1.200 tỷ đồng từ nhiều nguồn lực trong cộng đồng dân cư để phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn mới.

Giai đoạn 2019 - 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của huyện đạt 12%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các ngành sản xuất chủ yếu phát triển ổn định, kết cấu hạ tầng KT-XH tiếp tục được đầu tư, văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực. Đời sống nhân dân nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 60,3 triệu đồng/năm; có 10 xã đạt nông thôn mới; 17/58 trường đạt chuẩn quốc gia; hàng năm có trên 85% hộ gia đình, 85% khu dân cư văn hóa, trên 98% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa; hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ BHYT.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Mặc dù kinh tế, xã hội vùng ĐBDTTS có bước phát triển nhưng vẫn còn nhiều khó khăn: hạ tầng chưa đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo cao, kết quả giảm nghèo thiếu bền vững. Trong thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động ĐBDTTS chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; triển khai các chính sách dân tộc, đặc biệt là chính sách của các chương trình mục tiêu quốc gia thật sự sâu rộng đến ĐBDTTS để người dân nhận thức đầy đủ, tham gia tích cực, quyết tâm, kiên trì thực hiện có hiệu quả, phù hợp tình hình địa phương; tuyên truyền, vận động xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hiếu học, gia đình thể thao; thi đua phát triển kinh tế, thoát nghèo, vươn lên khá giả trên cơ sở phát huy nội lực, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước...

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/192537/nang-cao-chat-luong-cuoc-song-nguoi-dan-vung-dong-bao-dan-toc.htm