Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Việc đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) không chỉ góp phần xây dựng hệ thống chính trị, nền hành chính trong sạch, vững mạnh mà còn tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống KT-XH. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quá trình lãnh đạo cách mạng, thời gian qua, tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác này nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Quán triệt quan điểm của Đảng và Nhà nước, tỉnh đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, CCVC cả về trình độ lý luận chính trị và quản lý nhà nước; nâng cao bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp, tinh thần phục vụ Nhân dân của cán bộ các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Theo số liệu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, trong giai đoạn 2020 - 2023, tổng số CBCCVC trên địa bàn tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng chương trình cao cấp chính trị là 1.034 người; trung cấp lý luận chính trị 1.034 người; bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên 1.671 người; quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính 388 người; lãnh đạo, quản lý cấp phòng 301 người; kỹ năng lãnh đạo, quản lý chức danh chủ tịch UBND cấp xã 88 người; bồi dưỡng cấp ủy xã, phường 91 người; bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp 1.580 người, cán bộ dự nguồn diện Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy quản lý 175 người.
Có được kết quả đó là nhờ BTV Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị tạo điều kiện cho cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng gắn với công tác quy hoạch và bố trí, sử dụng. Đồng thời, tổ chức nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, thiết thực với từng nhóm cán bộ trong hệ thống chính trị, góp phần quan trọng nâng cao trình độ, năng lực, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo tiêu chuẩn chức danh, tiêu chuẩn ngạch và vị trí việc làm, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ được quy hoạch.
Phần lớn cán bộ được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng có ý thức nghiên cứu, học tập, cập nhật kiến thức mới, phát triển năng lực công tác, vận dụng kiến thức, kỹ năng được đào tạo, bồi dưỡng vào thực tiễn công tác, nhất là xử lý các tình huống có hệ thống trong quá trình công tác để giải quyết công việc đạt hiệu quả cao, hoàn thành chức trách nhiệm vụ. Thực tế cho thấy, qua quá trình đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ các cấp ngày càng trưởng thành, phát triển về nhiều mặt. Chất lượng đội ngũ cán bộ từng bước nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC, trong thời gian tới, nhiều giải pháp được triển khai thực hiện. Trong đó, tiếp tục thực hiện tốt quán triệt các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và cán bộ về mục tiêu, yêu cầu, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Qua đó, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong quá trình triển khai thực hiện. Các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu thường xuyên quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, gắn việc xây dựng quy hoạch cán bộ với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm. Cử cán bộ đi đào tạo đảm bảo đúng đối tượng, trong quy hoạch và kế hoạch đào tạo của cơ quan, đơn vị.
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tập trung vào việc nâng cao phẩm chất, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ CBCC. Chăm lo xây dựng đội ngũ CBCC và đảng viên vững mạnh, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Chú trọng bổ sung, cập nhật những tri thức mới, kết quả tổng kết lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, quản lý nhà nước, phát triển KT-XH, QP-AN, công tác đối ngoại.
Quan tâm thực hiện bổ sung và hoàn thiện chế độ đãi ngộ đối với CBCCVC khi được cử đi học. Công khai, minh bạch việc đánh giá, xếp loại CBCCVC dựa trên kết quả học tập, bồi dưỡng hằng năm và những việc đã làm được theo bảng phân công nhiệm vụ để làm tiêu chuẩn xem xét khen thưởng, nâng ngạch, chuyển ngạch, thăng hạng, xét tặng, phong danh hiệu cho CBCCVC.
Cùng với việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, tăng cường công tác quản lý, việc bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác đào tạo có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC. Lựa chọn những CBCCVC thuộc diện quy hoạch nguồn để cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn, xem xét làm căn cứ bổ nhiệm.
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện các biện pháp chế tài nghiêm khắc và mạnh dạn tinh giản biên chế hoặc loại khỏi bộ máy nhà nước đối với những CBCCVC yếu kém năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức; tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả CBCCVC khi phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đội ngũ cán bộ của tỉnh trưởng thành về nhiều mặt, trong đấu tranh cách mạng cũng như trong xây dựng quê hương, đất nước. Tuy nhiên, trong thời kỳ đổi mới, với nhiệm vụ phức tạp, nặng nề đặt ra, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải ngang tầm để đáp ứng những yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn hiện nay.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đội ngũ CBCCVC phải thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng một cách cơ bản, toàn diện cả đức và tài. Tin tưởng rằng, với nhiều giải pháp sát đúng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sẽ góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì sự phát triển chung của tỉnh.