Nâng cao chất lượng đào tạo, hội nhập quốc tế, xây dựng Trường Đại học Đà Lạt phát triển toàn diện
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), của Tỉnh ủy Lâm Đồng, sự đồng thuận, đoàn kết nhất trí cao của tập thể lãnh đạo, đảng viên, cán bộ, viên chức, người lao động và sinh viên toàn trường, phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ Trường Đại học Đà Lạt đã nỗ lực phấn đấu, phát huy điểm mạnh, khắc phục hạn chế, chủ động nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, hoàn thành hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XII. Nhân dịp Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Đà Lạt lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Lê Minh Chiến - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường về những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ qua cũng như phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.
PV: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của Đảng bộ Trường Đại học Đà Lạt trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 vừa qua?
Tiến sĩ LÊ MINH CHIẾN: Nhiệm kỳ 2015 - 2020, giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng có nhiều đổi mới trong chính sách theo xu hướng tăng cường tự chủ, từng bước tiệm cận và hội nhập với trình độ, chuẩn mực quốc tế. Trong đó, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Chính phủ ban hành Nghị định 99/2019/NĐ-CP Hướng dẫn thi hành Luật 34. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Trường Đại học Đà Lạt trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao sản phẩm khoa học - công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực Tây Nguyên và đất nước.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường là nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao; vì vậy, Đảng ủy đã lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyên môn, với những thành tựu đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, phải kể đến công tác tuyển sinh các loại hình, bậc đào tạo: tuyển sinh hệ đại học chính quy của trường qua các năm đều đạt kết quả khá so với mặt bằng chung của cả nước; trường đã chủ động mở mới một số ngành đào tạo đại học, tăng ngành đào tạo Thạc sỹ, Tiến sĩ. Đến nay, trường giữ ổn định quy mô đào tạo với hơn 11.000 sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh với ba bậc đào tạo: Tiến sĩ 6 ngành, Thạc sĩ 8 ngành, Đại học 33 ngành. Về đào tạo, nhà trường đề ra phấn đấu theo chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GDĐT và theo chuẩn quốc tế, khu vực. Hiện nay, trường đã đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo chuẩn 2.0, đồng thời, là thành viên của 3 tổ chức quốc tế.
Đồng thời, công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế cũng đạt nhiều kết quả, góp phần vào công tác nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Từ năm 2015 đến tháng 6/2020, Trường Đại học Đà Lạt chủ trì thực hiện 8 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia, 21 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, 15 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, 250 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở... Số lượng bài báo, công trình khoa học được công bố của nhà trường tăng mạnh. Trong ba năm liên tiếp (2017 - 2019), trường được Bộ GDĐT thưởng bài báo công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế, trong danh mục ISI, SCI, SCIE, với số lượng bài báo ở top 20 trong 60 trường đại học Việt Nam. Cùng với hoạt động nghiên cứu khoa học khối cán bộ, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng luôn được quan tâm, phát huy tính năng động, sáng tạo, khả năng nghiên cứu khoa học độc lập, hình thành năng lực tự học cho sinh viên.
Tạp chí khoa học của trường đã được nâng cấp về nội dung và hình thức, hoàn thiện quy trình tòa soạn và quản lý xuất bản trực tuyến. Chất lượng bài viết ngày càng được nâng cao. Năm 2017, Tạp chí được chấp thuận chỉ mục vào Hệ thống Trích dẫn khoa học các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN Citation Index - ACI). Hiện nay, Tạp chí đã được kết nạp làm thành viên chính thức của Ủy ban Đạo đức xuất bản quốc tế (Committee on Publication Ethics - COPE); được chỉ mục vào Thư mục Các tạp chí truy cập tự do (Directory of Open Access Journals - DOAJ), một cơ sở dữ liệu khoa học quốc tế uy tín.
Công tác hợp tác quốc tế ngày càng được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, góp phần phát triển mạng lưới và các quan hệ đối ngoại, hỗ trợ tích cực và hiệu quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, từng bước nâng cao vị thế của trường trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, trường đã được kết nạp làm thành viên vĩnh viễn (Hội viên Vàng) của Mạng Sáng tạo Xã hội Trí tuệ nhân tạo thế giới (AIWS-IN), tạo cơ sở quan trọng cho đào tạo các ngành trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), dữ liệu lớn (Big Data), khoa học dữ liệu (Data Science) tại Trường Đại học Đà Lạt.
PV: Bên cạnh những nỗ lực để đạt được các kết quả trên, ông có thể cho biết hiện nhà trường còn gặp những khó khăn gì?
TIẾN SĨ LÊ MINH CHIẾN: Một trong những khó khăn hiện nay của nhà trường là đóng chân trên địa bàn phát triển nông nghiệp nhưng quỹ đất để phục vụ phòng thí nghiệm còn hạn chế. Mặt khác, Đại học Đà Lạt là trường công lập đóng chân trên địa bàn tỉnh, được lãnh đạo tỉnh quan tâm, nhưng sinh viên chủ yếu ở miền Trung - Tây Nguyên còn gặp nhiều khó khăn, nên mức thu học phí theo quy định không cao, đã làm ảnh hưởng đến việc mở rộng, hiện đại hóa các trang thiết bị và chất lượng đào tạo. Đồng thời, tuy đóng chân trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên nhưng trường chưa được hưởng những chính sách ưu tiên trong đầu tư kinh phí và các nguồn lực khác. Bên cạnh đó, cạnh tranh đại học ngày càng gay gắt đặt ra những thách thức không nhỏ cho trường trong việc thu hút người học.
PV: Vậy Đảng bộ trường đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ nào trong nhiệm kỳ tới để khắc phục những khó khăn trên, thưa ông?
TIẾN SĨ LÊ MINH CHIẾN: Đảng bộ Trường Đại học Đà Lạt xác định phương hướng và mục tiêu chung của nhiệm kỳ 2020 - 2025 là nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, phát huy dân chủ và sức mạnh tập thể, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và liên kết với doanh nghiệp; từng bước thực hiện cơ chế tự chủ đại học; tăng cường và phát huy vai trò của Hội đồng trường, Công đoàn và các tổ chức đoàn thể; tiếp tục xây dựng Trường Đại học Đà Lạt trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ chất lượng cao của vùng Tây Nguyên và cả nước, từng bước khẳng định vị thế trong khu vực Đông Nam Á.
Trong đó, nhà trường tiến tới xây dựng lộ trình tự chủ đại học mà cần thiết phải có cơ chế tự chủ về học thuật. Trong nhiệm kỳ tới, Trường Đại học Đà Lạt tiếp tục kiên trì con đường đồng bộ đào tạo về con người, nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn của Việt Nam và quốc tế để kiểm định chất lượng thường xuyên, nhiều chương trình; tăng cường hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học; đa dạng hóa các loại hình đào tạo để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội cũng như thích ứng nhu cầu nghề nghiệp của sinh viên.
Trong Nghị quyết của Đảng ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025, một trong những nghị quyết cao nhất là tăng cường sự xếp hạng của Đại học Đà Lạt trong hệ thống giáo dục. Đây cũng chính là câu trả lời cho xã hội về chất lượng giáo dục của nhà trường, thước đo là sinh viên ra trường có tỷ lệ việc làm cao, khả năng hội nhập nhanh hơn.
PV: Xin cảm ơn ông và chúc Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Đà Lạt lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thành công tốt đẹp!
TUẤN HƯƠNG (Thực hiện)