Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số

Tuyên Quang là tỉnh miền núi có 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 58%. Trong những năm qua, công tác đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ người DTTS luôn được các cấp ủy, các ngành, các cấp quan tâm. Qua đó, chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS có nhiều chuyển biến tích cực từ cấp xã tới cấp tỉnh; tăng về số lượng, mạnh về chất lượng, đủ sức gánh vác, hoàn thành nhiệm vụ.

Tăng về số lượng, mạnh về chất lượng

Do đặc thù về điều kiện địa lý, văn hóa và trình độ dân trí, việc đào tạo cán bộ tại các vùng DTTS luôn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Để thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ DTTS, các cấp ủy, chính quyền đã chú trọng làm tốt công tác quy hoạch dự báo nguồn cán bộ DTTS để có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hợp lý, nội dung đào tạo gắn với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào DTTS nơi cán bộ công tác để hình thành đội ngũ đông về số lượng, giỏi về chuyên môn.

Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh là người DTTS chiếm 42,7%. Ở cấp tỉnh, cán bộ, công chức là người DTTS có 1.260 người chiếm 29,2%; trình độ Tiến sĩ 13 người, Thạc sĩ 188 người, Đại học 910 người; trình độ lý luận chính trị từ Trung cấp trở lên 497 người, chiếm 26,12%. Ở cấp huyện cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số 5.912 người, chiếm 44,2%. Trong đó, trình độ Tiến sĩ 1 người, Thạc sĩ 77 người, Đại học 3.536 người; trình độ lý luận chính trị từ Trung cấp trở lên 2.210 người, chiếm 37,4%.

Cán bộ Hội Phụ nữ xã Minh Hương (Hàm Yên) trao đổi nghiệp vụ công tác hội.

Cán bộ Hội Phụ nữ xã Minh Hương (Hàm Yên) trao đổi nghiệp vụ công tác hội.

Đối với cấp xã cán bộ, công chức là người DTTS 1.547 người, chiếm 57%. Trong đó có trình độ trên Đại học 17 người, Đại học 1.400 người, dưới Đại học 126 người; trình độ lý luận chính trị từ Trung cấp trở lên 1.428 người, chiếm 92,3%.

Từ những số liệu trên cho thấy, chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS trên địa bàn tỉnh thời điểm hiện nay đã có sự chuyển biến hết sức tích cực. Đây chính là kết quả quan trọng của tỉnh sau nhiều năm triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực là đồng DTTS. Nhiều cán bộ DTTS đã hoàn thành xuất sắc các khóa học, trở thành những lãnh đạo có năng lực tại địa phương.

Hiện số cán bộ người DTTS đang giữ các chức vụ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý chiếm 35,9%; tham gia cấp ủy cấp tỉnh chiếm 41,67%; tham gia HĐND cấp tỉnh chiếm 54,55%. Cán bộ DTTS đang giữ các chức vụ diện Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện quản lý chiếm 35,28%; tham gia cấp ủy cấp huyện chiếm 31,07%; tham gia HĐND cấp huyện chiếm 59,52%.

Ưu tiên đào tạo cán bộ DTTS

Thực hiện nhiệm vụ này, ngay từ nhiệm kỳ trước, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 102/KH-UBND về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ là người DTTS; thực hiện chính sách ưu đãi đối với cán bộ DTTS công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa; quan tâm bố trí, sắp xếp, lựa chọn bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển cán bộ người DTTS và cán bộ chủ chốt cấp xã...

Từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi năm các cơ quan, đơn vị của tỉnh đã cử 7.362 lượt cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ theo vị trí việc làm, theo chức danh nghề nghiệp. Tỉnh đã thực hiện hỗ trợ thu hút đối với 228 công chức, viên chức, trong đó có 100 công chức, viên chức là người DTTS; hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với 118 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 49 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS.

Đối với các địa phương cũng đều có giải pháp ưu tiên cán bộ DTTS về đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch. Huyện Na Hang phấn đấu đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trên 90% là đảng viên có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên. Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động quản lý, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển cán bộ.

Huyện Lâm Bình đã xây dựng được đội ngũ cán bộ đạt chuẩn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ với trên 90% cán bộ là người DTTS. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện đã có chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện và cử cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị đi đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị,… Từ đầu nhiệm kỳ đến nay huyện đã cử trên gần 300 cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Huyện cũng đã tiến hành quy hoạch 208 lượt cán bộ cấp huyện, 196 lượt cán bộ cấp cơ sở.

Để tiếp tục thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ DTTS, năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 15-ĐA/TU về xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2023 - 2030. Trong đó, mục tiêu nhiệm kỳ 2025 - 2030, tỷ lệ cán bộ DTTS tham gia cấp ủy viên cấp tỉnh 45% trở lên; cấp huyện 40% trở lên, cấp xã 55% trở lên. Cùng với đó Đề án đề ra các giải pháp đồng bộ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát huy vai trò đội ngũ cán bộ người DTTS là quá trình thường xuyên, liên tục và lâu dài. Việc đào tạo cán bộ DTTS không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn là chiến lược lâu dài, góp phần vào sự phát triển toàn diện của tỉnh.

Bài, ảnh: Thanh Phúc

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/nang-cao-chat-luong-doi-ngu-can-bo-dan-toc-thieu-so-196941.html