Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 518/UBND-KGVX hướng dẫn triển khai Kế hoạch số 125-KH/TU ngày 18-1-2023 của Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TƯ ngày 26-10-2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội (Công văn số 518/UBND-KGVX). Các cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ngành đã chủ động cung cấp thông tin, tài liệu để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội thực hiện quyền giám sát, phản biện xã hội theo đúng quy định pháp luật.

Đại biểu tham gia phản biện xã hội tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, tháng 11-2022. Ảnh: Nguyên Hoa

Đại biểu tham gia phản biện xã hội tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, tháng 11-2022. Ảnh: Nguyên Hoa

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn:
Tổng hợp theo hướng trọng tâm, trọng điểm

Những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Việc tập hợp kiến nghị của nhân dân để phản ánh đến các cấp ủy Đảng, chính quyền ngày càng cụ thể, sâu sát. Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân được xây dựng theo hướng trọng tâm, trọng điểm, làm rõ từng nhóm vấn đề; chủ động lựa chọn vấn đề mới, khó, phức tạp, tồn đọng kéo dài để giám sát. Từ Công văn số 518/UBND-KGVX, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo đơn vị trực thuộc phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức thực hiện Kế hoạch số 125-KH/TU của Thành ủy Hà Nội để công tác này ngày càng hiệu quả, đáp ứng được mong muốn của nhân dân.

Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn:
Bảo đảm khách quan đúng căn cứ pháp lý

Hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính pháp lý với sự thuyết phục động viên, biểu dương việc tốt, đồng thời chỉ ra thiếu sót, khuyết điểm, hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát, phản biện. Nhìn chung, việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là khách quan, trung thực, đầy đủ, có sự chắt lọc kỹ càng, bảo đảm căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn. Từ Công văn số 518/UBND-KGVX, Sở sẽ chủ trì cùng các ngành liên quan nghiên cứu quy định pháp luật để đề xuất, báo cáo UBND thành phố xử lý tổ chức, cá nhân không hợp tác, gây khó khăn, cản trở hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phúc Thọ Đoàn Tuấn Anh:
Chủ động giám sát vấn đề người dân quan tâm

Công tác giám sát, phản biện xã hội của huyện Phúc Thọ thời gian qua được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và có sự phối hợp tích cực của chính quyền. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, xã đã chủ động lựa chọn giám sát vấn đề khó, được nhân dân quan tâm như: Giám sát về quy trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giám sát, kiểm tra công tác triển khai lấy phiếu đánh giá sự hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới... Qua giám sát đã kịp thời kiến nghị những khó khăn, tồn tại tới các cấp có thẩm quyền để phối hợp giải quyết. Những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện và xã của Phúc Thọ đã tổ chức hàng trăm hội nghị phản biện xã hội và góp ý nhiều văn bản cho các cấp chính quyền thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.

Ông Hoàng Văn Nghiên, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh:
Hoạt động giám sát ngày càng thực chất, có chiều sâu

Hoạt động giám sát, phản biện xã hội những năm qua tiếp tục góp phần khẳng định vai trò, vị trí của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng thường xuyên quan tâm kiểm tra, giám sát và phối hợp giám sát việc thực hiện nhiều chính sách, như hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19... Hoạt động giám sát đã xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian; phân công rõ người, rõ trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi để giám sát thống nhất, đồng bộ, đúng yêu cầu và ngày càng thực chất, có chiều sâu.

Bà Lại Thị Tần, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy:
Thể hiện rõ vai trò đầu tàu trong việc giám sát Ủy ban Mặt trận Tổ quốc

Việt Nam các cấp đã thể hiện rõ vai trò đầu tàu trong việc giám sát người đứng đầu về thực hiện quy định nêu gương. Thông qua nhiều hình thức như phản ánh trực tiếp với người đứng đầu, phản ánh hoặc kiến nghị bằng văn bản, thông qua các hội nghị, hội thảo… đã tạo cơ hội cho người được phản ánh, kiến nghị tự thấy, tự sửa sai. Ngoài ra, cách làm này cũng tạo nên sự quan tâm của người dân trong việc theo dõi, nhận xét, phản ánh những biểu hiện không lành mạnh về đạo đức, lối sống; thực hiện không đúng những quy định của Đảng và Nhà nước liên quan đến trách nhiệm của cán bộ, của người đứng đầu.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1058134/nang-cao-chat-luong-giam-sat-phan-bien-xa-hoi