Nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập lý luận chính trị

Giáo dục lý luận chính trị là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, do đó phải thường xuyên nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị là yêu cầu vừa cấp bách, vừa thường xuyên của Đảng.

Hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đều tổ chức hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh Trong ảnh: Một thí sinh dự thi giảng viên lý luận chính trị giỏi năm 2019. Ảnh:P.Hằng

Hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đều tổ chức hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh Trong ảnh: Một thí sinh dự thi giảng viên lý luận chính trị giỏi năm 2019. Ảnh:P.Hằng

Thông qua công tác giáo dục lý luận chính trị, từng bước góp phần nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, giữ vững bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ và đảng viên ở cơ sở.

* Học để giữ vững bản lĩnh chính trị

ThS.Lê Thị Cát Hoa, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho biết, hoạt động dạy và học lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh và các trung tâm bồi dưỡng chính trị (TTBDCT) cấp huyện ngày một đi vào chiều sâu. Hằng năm, Trường Chính trị tỉnh và TTBDCT cấp huyện đều mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đạt và vượt kế hoạch đề ra. Việc dạy lý luận chính trị không những bổ sung kiến thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên mà còn là điều kiện để đội ngũ này từng bước chuẩn hóa trình độ lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và của tỉnh Đồng Nai. Bên cạnh đó, đây là một trong những giải pháp quan trọng để đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Do vậy việc học lý luận chính trị đã và đang trở thành nhu cầu tự thân và bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong giai đoạn hiện nay.

Đồng chí Thái Bảo, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập lý luận chính trị, phải làm rõ mối quan hệ giữa 3 chủ thể: nhà trường, giảng viên và học viên. Nhà trường phải thực hiện tốt công tác quản lý, tạo được môi trường nghiên cứu học thuật, kịp thời nắm bắt, cọ xát hơi thở thực tiễn cuộc sống đặt ra. Giảng viên phải có kiến thức rộng, am hiểu chuyên môn mà mình phụ trách, nhạy bén thời sự chính trị, sâu sắc về kinh tế - xã hội, am hiểu khoa học - công nghệ; biết cách đặt vấn đề, gợi mở vấn đề để tạo tư duy cho học viên. Còn học viên chính là trung tâm, là người tiếp nhận kiến thức, là sản phẩm của quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Quá trình dạy và học lý luận chính trị phải tăng cường tính tương tác giữa giảng viên và học viên, qua đó những điều học viên thiếu thì giảng viên cung cấp kịp thời.

Trước ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị như trên, hoạt động giảng dạy tại Trường Chính trị tỉnh và TTBDCT cấp huyện luôn đạt kết quả tốt. Hầu hết đội ngũ tham gia giảng dạy lý luận chính trị đều nhận thức và ứng dụng phương pháp dạy học tích cực vào bài giảng, qua đó tạo hứng khởi cho học viên trong quá trình lên lớp, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị.

Cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, việc nâng cao ý thức học tập của học viên cũng không kém phần quan trọng. Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc TTBDCT huyện Trảng Bom Chu Thị Mây cho biết, Huyện ủy Trảng Bom đã thành lập Tổ đặc nhiệm, đột xuất đi kiểm tra việc học tập nghị quyết, chỉ thị của Đảng và học tập lý luận chính trị ở các Đảng bộ trực thuộc và ở TTBDCT huyện. Những học viên không chấp hành nội quy, quy chế lớp học dù đã được nhắc nhở nhưng không khắc phục sẽ bị lập biên bản, báo cáo về cơ quan, đơn vị; bị lập biên bản lần thứ 2 thì cấm thi. Những trường hợp không chấp hành nghiêm chế độ học tập lý luận chính trị đều bị xem xét đánh giá chất lượng đảng viên cuối năm. Với những giải pháp này, chất lượng học tập ở TTBDCT huyện được nâng cao.

Trong khi đó, theo Phó giám đốc TTBDCT TP.Biên Hòa Nguyễn Văn Hóa, sau quá trình học tập lý luận chính trị, tất cả các học viên đều được đánh giá chất lượng học tập. Học viên nào học tập đạt yêu cầu thì được cấp giấy chứng nhận; học viên không đạt yêu cầu, nhất quyết cho học lại, không nể nang cho qua.

* Khắc phục những hạn chế trong dạy và học

Chất lượng dạy và học lý luận chính trị thời gian qua trên địa bàn tỉnh dù đạt những kết quả nhất định, song theo đánh giá của TS.Nguyễn Văn Long, Phó hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, công tác này còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, giảng viên chỉ mới chú ý cung cấp tri thức cơ bản mà chưa có những gợi mở và rèn luyện thực hành tư duy lý luận; thiếu vắng những bài tập thực hành phục vụ tổng kết lý luận gắn với từng nguyên lý cụ thể để người học làm quen với cách học này.

Những giảng viên lớn tuổi, thường chậm đổi mới phương pháp, ít đầu tư khai thác các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phục vụ giảng dạy, còn tình trạng đọc - chép. Ngược lại, giảng viên trẻ có xu hướng lạm dụng công nghệ thông tin, ít chú trọng tính tư tưởng, tính phê phán trong bài giảng, đa số sa vào “chiếu - chép” một cách thuần túy.

TS.Vũ Thị Nghĩa, Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng Trường Chính trị tỉnh nhận định, tình trạng lười học lý luận chính trị đang diễn ra ở không ít cán bộ, đảng viên với biểu hiện cho rằng chỉ cần vững chuyên môn là có thể làm tốt công việc của mình, còn học lý luận chính trị chỉ để đủ tiêu chuẩn về bằng cấp. Nhiều học viên xuất hiện tư tưởng đi học chỉ để điểm danh, có mặt, đủ điều kiện thi mà chưa thực tâm chú ý lắng nghe bài giảng. Do đó thực trạng học viên nói chuyện, làm việc riêng trong giờ học diễn ra khá phổ biến; thiếu quan tâm cập nhật các nghị quyết, chỉ thị của Đảng nên làm bài thi, bài thu hoạch còn sai lệch với chủ trương, nghị quyết.

Một lớp học lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh.

Một lớp học lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh.

Trong khi đó, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Xuân Lộc Viên Hồng Tiến cho hay, nội dung của chương trình học tập ở TTBDCT cấp huyện nhiều nhưng thời gian học ngắn nên chưa khai thác hết được yêu cầu của từng chuyên đề, nhất là chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ cho các đoàn thể chính trị - xã hội. Giáo trình giảng dạy lý luận chính trị chậm đổi mới, ảnh hưởng đến việc cập nhật các chủ trương phục vụ cho công tác giảng dạy, bắt buộc giảng viên phải tự trang bị, bổ sung nội dung mới vào bài giảng để truyền tải kiến thức cho người học...

Theo TS.Nguyễn Văn Long, để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị cần tiếp tục đổi mới về kết cấu nội dung của chương trình học tập, xác định đúng kiến thức chuyên ngành và hạt nhân cơ bản của hệ thống tri thức đó. Lâu nay chúng ta đã lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin làm chủ đạo trong hệ thống kiến thức chuyên ngành, song cách bố trí môn học và thời lượng chưa hợp lý, còn nặng về trang bị lý luận chung chung hoặc kinh điển thuần túy. Bên cạnh đó, cần tăng cường các yêu cầu thực hành môn học; người học phải được đi thực tế nhiều hơn ở địa phương và cơ sở, qua đó có điều kiện vận dụng các tri thức đã học, làm chủ được các tình huống và sự kiện sẽ diễn ra.

Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Lê Thị Cát Hoa thì cho rằng, giảng viên phải lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp và có kỹ năng giảng dạy. Đối với học viên lớn tuổi, có chức vụ nên áp dụng phương pháp chuyên gia, phương pháp đóng thế để họ có cơ hội phát biểu về những kinh nghiệm của mình và nêu ý kiến giải quyết tình huống trong thực tế… giúp học viên hứng khởi trong học tập. Đối với học viên trẻ, có thể áp dụng những câu hỏi mang tính thường nhật cuộc sống, những kiến thức mang tính hiện đại thuộc về thế mạnh của học viên, phù hợp với nội dung bài giảng để học viên hứng thú với việc học. Ngoài ra trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần kết hợp thực tiễn vào bài giảng, phù hợp từng điều kiện công tác của học viên, giúp cho học viên dễ nhận diện thực tiễn từ bài học. Điều này đòi hỏi giảng viên phải chịu khó trau dồi kiến thức, đi thực tế nhiều.

Theo nhận xét của đồng chí Thái Bảo, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thời gian qua đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh đã có cố gắng, đạt nhiều kết quả tích cực trong giảng dạy lý luận chính trị. Tuy nhiên, việc truyền đạt kiến thức cho học viên có lúc mang tính một chiều, giáo viên chưa chú ý cung cấp những cái học viên đang cần, đang thiếu để bổ sung những vấn đề thực tiễn đang đặt ra ở từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Đối với học viên, một bộ phận còn ngại, lười học lý luận chính trị; có thái độ học tập chưa đúng đắn, chưa phải đi học để trang bị kiến thức đáp ứng công việc. Có trường hợp học để đối phó, học để đáp ứng tiêu chuẩn đề bạt bổ nhiệm cán bộ… Tất cả những điều này phải khắc phục trong thời gian tới.

Phương Hằng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202001/tien-toi-ky-niem-90-nam-ngay-thanh-lap-dang-cong-san-viet-nam-3-2-1930-3-2-2020-nang-cao-chat-luong-giang-day-va-hoc-tap-ly-luan-chinh-tri-2983569/