Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên: Đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu phân luồng học sinh

Chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT năm học 2024-2025, nhiều trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) trên địa bàn tỉnh được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vừa học văn hóa, vừa học nghề, đáp ứng yêu cầu phân luồng học sinh trong giai đoạn hiện nay.

Ưu tiên nguồn lực nâng cấp cơ sở vật chất

Trước xu thế hội nhập quốc tế, nhận thức về định hướng nghề nghiệp của học sinh và phụ huynh đã có nhiều thay đổi tích cực. Số lượng học sinh theo học chương trình GDTX bậc THPT tại các trung tâm GDNN - GDTX tăng. Nếu như năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 5,6 nghìn học sinh thì đến năm 2023-2024 tăng lên 8,7 nghìn em. Đáp ứng nhu cầu người học, tỉnh Bắc Giang triển khai đề án giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, ưu tiên đầu tư nguồn lực cho các trung tâm GDNN-GDTX. Ngành Giáo dục của tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đối với các địa bàn có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

 Học sinh thực hành tại phòng học mới của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hiệp Hòa.

Học sinh thực hành tại phòng học mới của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hiệp Hòa.

Thực hiện đề án này, năm 2023, từ nguồn vốn đầu tư của tỉnh, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Hiệp Hòa đã được xây dựng tòa nhà mới 4 tầng gồm 41 phòng học văn hóa, phòng thực hành nghề với tổng mức đầu tư gần 34 tỷ đồng. Dịp khai giảng năm học 2024-2025, thầy và trò của trung tâm sẽ được giảng dạy và học tập trong những phòng học mới khang trang. Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Phòng học và xưởng thực hành được thiết kế đồng bộ theo tiêu chí GDNN, có đầy đủ bàn ghế, quạt, đèn chiếu sáng, trang thiết bị dạy văn hóa, dạy nghề. Sau khi được bàn giao cơ sở vật chất, Ban Giám đốc sẽ xây dựng quy chế quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công. Cơ sở vật chất hiện đại, nhà trường sẽ chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng yêu cầu vừa học văn hóa, vừa học nghề của học sinh”.

Hiện nay, toàn tỉnh có 8 trung tâm GDNN - GDTX ở các huyện, thị xã và Trung tâm GDTX - Ngoại ngữ, tin học tỉnh. Thời điểm này, các trung tâm đang bước vào giai đoạn cao điểm tuyển sinh. Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), toàn tỉnh có hơn 10,6 nghìn học sinh đang theo học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Năm học 2024-2025, các trung tâm này tuyển gần 4,1 nghìn chỉ tiêu vào lớp 10. So với năm học trước, số học sinh dự kiến tuyển tăng gần 400 em. Hiện các trung tâm đều có số thí sinh đăng ký xét tuyển vượt chỉ tiêu giao. Theo học chương trình GDTX cấp THPT, các em được học văn hóa THPT chương trình GDTX kết hợp với học trung cấp nghề, thời gian học tập 3 năm. Ngành nghề đào tạo gồm: Công nghệ hàn, điện công nghiệp, công nghệ ô tô, điện lạnh, sửa chữa bảo trì máy tính, vận hành máy xây dựng, may công nghiệp, thương mại điện tử, hướng dẫn du lịch, chăm sóc sắc đẹp, nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật Bản, tiếng Hàn Quốc.

Nâng cấp trung tâm thành trường nghề

Từ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, nhiều trung tâm được tăng cường cơ sở vật chất phục vụ việc giảng dạy và học tập. Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh dành gần 70 tỷ đồng từ các nguồn vốn đầu tư phục vụ xây mới, nâng cấp, sửa chữa hạ tầng, mua sắm trang thiết bị cho các trung tâm GDTX. Năm học 2024-2025, có 2 trung tâm đưa vào sử dụng một số tòa nhà mới khang trang, hiện đại, với nhiều thiết bị phục vụ việc dạy văn hóa và dạy nghề. Trong tháng 7/2024, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Lạng Giang cũng được bàn giao đưa vào sử dụng một tòa nhà 4 tầng với 16 phòng học văn hóa, phòng thực hành nghề, tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng.

Năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 2 trung tâm đưa vào sử dụng một số tòa nhà mới khang trang, hiện đại với nhiều thiết bị phục vụ tiện lợi cho việc dạy văn hóa và dạy nghề.

Dịp hè, một số trung tâm tu sửa, nâng cấp nhiều hạng mục để kịp thời phục vụ năm học mới. Trong đó, Trung tâm GDTX - Ngoại ngữ, tin học tỉnh sửa chữa một số phòng học văn hóa, nâng cấp các trang thiết bị dạy học. Nhìn chung, các cơ sở xây mới thiết kế rộng rãi, khang trang theo tiêu chuẩn phòng học, phòng chức năng, có nhiều cửa sổ để đón ánh sáng tự nhiên, phù hợp với xu hướng phát triển quy mô học sinh vừa học nghề, vừa học văn hóa hiện nay. Trong thiết kế, trung tâm xây mới sẽ tích hợp hạ tầng lắp đặt trang thiết bị công nghệ hiện đại như: Máy chiếu, tivi, bảng điện tử, hệ thống loa truyền thanh, ánh sáng, mang lại không gian học tập, thực hành hiện đại, thân thiện.

Bên cạnh những tín hiệu vui, qua rà soát vẫn còn một số trung tâm có cơ sở vật chất chật hẹp, mới đáp ứng việc dạy và học ở mức tối thiểu, còn tình trạng thiếu phòng học, phòng thực hành. Nguyên nhân do các trung tâm được xây dựng từ nhiều năm, phòng học, phòng thực hành xây dựng theo tiêu chí cũ, không còn phù hợp với yêu cầu sử dụng hiện nay. Một số trung tâm chật hẹp, không đủ quỹ đất để xây mới các phòng học, phòng thực hành nghề theo tiêu chuẩn. Như Trung tâm GDNN - GDTX huyện Lục Nam; Trung tâm GDNN - GDTX huyện Yên Dũng. Các trung tâm còn 41 phòng học diện tích nhỏ (dưới 65 m2), được xây dựng trước năm 2000. Do đông học sinh, nhiều đơn vị chưa bố trí được 1 lớp/1 phòng học như: Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tân Yên, Yên Thế.

Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Theo rà soát số lượng học sinh ở các bậc học và đánh giá nhu cầu học tập, Sở GD&ĐT dự báo trong 5 năm tiếp theo, số học sinh theo học chương trình GDTX bậc THPT vẫn tiếp tục tăng. Trung bình mỗi năm tăng từ 1,8-2,2 nghìn em. Thời gian tới, Bắc Giang tiếp tục thực hiện đề án giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025. Để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, Bắc Giang ưu tiên bố trí nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trung tâm GDNN - GDTX, mở rộng diện tích đối với các trung tâm chật hẹp. Phấn đấu đưa Trung tâm GDNN - GDTX các huyện Hiệp Hòa, Lục Ngạn trở thành trường trung cấp nghề trong giai đoạn 2026-2030. Tiếp tục đầu tư xây dựng bổ sung cơ sở vật chất cho các trung tâm của huyện Lạng Giang, Tân Yên và thị xã Việt Yên.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/giao-duc-nghe-nghiep-giao-duc-thuong-xuyen-dau-tu-co-so-vat-chat-dap-ung-yeu-cau-phan-luong-hoc-sinh-100818.bbg