Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở huyện Cẩm Khê

Với phương châm 'Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm', những năm nay, huyện Cẩm Khê đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non (GDMN). Trong đó, chú trọng phát triển đội ngũ quản lý và giáo viên cùng với đổi mới phương pháp giáo dục được coi là lời giải mấu chốt cho bài toán nâng cao chất lượng GDMN.

Tiết thực hành giờ dạy của giáo viên Trường Mầm non Tùng Khê trong Cuộc thi giáo viên dạy giỏi do huyện tổ chức.

Đến trường mầm non Tùng Khê (xã Tùng Khê), chúng tôi được hòa mình vào những tiết dạy trong khuôn khổ Cuộc thi giáo viên dạy giỏi do huyện tổ chức. Các cô giáo hóa thân thành những nhân vật như chú hề vui nhộn, cảnh sát giao thông dẫn đường, cô tiên cầm trên tay cây đũa phép trong một câu chuyện cổ tích. Thông qua đó đã khơi gợi sự hứng thú, tò mò của các em học sinh. Cô giáo Trần Thị Nhị - Hiệu trưởng Trường mầm non Tùng Khê cho biết: “Ngoài thực hành giờ dạy, các cô giáo sẽ phải đề xuất một giải pháp sáng kiến trong giáo dục. Cuộc thi là dịp để đội ngũ giáo viên được cọ xát, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các trường khác trên địa bàn huyện để nâng cao chất lượng GDMN”.

Nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội, những năm nay, GDMN được quan tâm đầu tư, đặc biệt là về cơ sở vật chất trường học như: Xây mới trường lớp học, khuôn viên, bếp ăn… Toàn huyện hiện có 31 cơ sở GDMN, trong đó, có 29 trường mầm non công lập, một trường mầm non ngoài công lập, một nhóm trẻ tư thục. Tổng số học sinh ra lớp là 9.043 em với 918 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Đội ngũ giáo viên cơ bản đạt đủ về số lượng với 100% đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn. Tuy nhiên, điểm hạn chế là số lượng giáo viên hợp đồng vẫn còn nhiều cùng với thu nhập cho giáo viên hợp đồng còn hạn chế (chỉ khoảng 2,8 triệu đồng/người/tháng) khiến cho nhiều người chưa yên tâm công tác và cống hiến với nghề.

Tiết thực hành em là cảnh sát giao thông của cô và trò Trường Mầm non Văn Bán

Điểm mới nổi bật trong năm học 2022-2023 đó là cuộc thi “Tuyên truyền viên giỏi trong thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Cuộc thi đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo sự tham gia của giáo viên các trường mầm non trên địa bàn. Hình thức thể hiện đa dạng bằng sân khấu hóa, lồng ghép các hình thức tuyên truyền, thể hiện sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền địa phương, phụ huynh, cộng đồng với nhà trường trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ; tăng cường các điều kiện về vật chất, tinh thần, tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ.

Bác Hồ từng nói “trẻ em như búp trên cành”. GDMN chính là giáo dục những chủ nhân tương lai của đất nước. Những năm gần đây, GDMN đã được các cấp ủy, chính quyền, toàn xã hội định vị đúng tầm quan trọng, vai trò là nền tảng hình thành nhân cách, quyết định đến sự phát triển của các em trong tương lai. Bà Đặng Thị Hồng Tâm - Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Khê cho biết: “Phòng đã chủ động xây dựng kế hoạch cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của các cơ sở GDMN đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các trường học để tiếp cận các mô hình giáo dục tiên tiến, qua đó nâng cao năng lực đội ngũ. Đồng thời, tích cực đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục, thực hiện hiệu quả các chuyên đề trọng tâm như “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, “Tôi yêu Việt Nam”; làm tốt hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu hoạt động dạy và học”.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//giao-duc/nang-cao-chat-luong-giao-duc-mam-non-o-huyen-cam-khe/192258.htm