Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn
Nâng cao chất lượng giáo dục luôn là mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đối với mỗi đơn vị trường nói riêng và toàn ngành giáo dục nói chung. Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là chất lượng giáo dục mũi nhọn, giáo dục toàn diện không phải là câu hỏi mới, nhưng để có câu trả lời thì đây luôn là vấn đề mới đối với mỗi cán bộ quản lý và giáo viên giảng dạy. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được đưa ra chất vấn tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021- 2026 diễn ra vào trung tuần tháng 7-2022.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn tặng hoa và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho HS đoạt giải nhất và giải nhì trong kỳ thi HS giỏi quốc gia năm học 2021-2022.
Kết quả đáng tự hào
Những năm qua, nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân cùng với sự thống nhất ý chí, hành động, quyết tâm cao của Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), chất lượng GD&ĐT của tỉnh đã đạt được nhiều thành quả quan trọng cả trong giáo dục mũi nhọn và đại trà, đặc biệt là kết quả trong các kỳ thi học sinh (HS) giỏi quốc gia, Olympic quốc tế và khu vực.
Đánh giá của Ngành Giáo dục Thanh Hóa cho thấy trong những năm gần đây chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng cao với tỷ lệ HS đi học đúng độ tuổi của các cấp học, bậc học đều tăng. Tính đến năm 2021, mẫu giáo đạt 96,67%; tiểu học đạt 99,8%; THCS đạt 100%; THPT đạt 71,78%. Công tác phổ cập giáo dục được duy trì ổn định, hiện, 100% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập tiểu học mức độ 3 đạt tỷ lệ 99,4%; 100% xã, phường đạt chuẩn phổ cập THCS ở mức độ 2. Tỷ lệ HS khá, giỏi ngày càng tăng, tỷ lệ HS yếu kém giảm. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia trong 7 năm qua luôn đạt trên 92%. Số HS đạt tổng 27 điểm trở lên ở 3 môn xét tuyển đại học, số HS đạt điểm 10 và thủ khoa luôn thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia: Thứ hạng trong toàn quốc trong nhiều năm chưa cao; tuy nhiên có chiều hướng tăng dần (năm 2018 xếp thứ 49; năm 2019 xếp thứ 46; năm 2020 xếp thứ 44; năm 2021 xếp thứ 32, tăng 12 bậc so với năm 2020).
Cơ sở vật chất Trường Tiểu học Phú Nhuận (Như Thanh) được đầu tư khang trang đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.
Đối với chất lượng giáo dục mũi nhọn, qua thống kê tỷ lệ HS Thanh Hóa đoạt giải HS giỏi quốc gia luôn nằm trong tốp 10 đơn vị dẫn đầu trên toàn quốc. Năm học 2021 - 2022 Thanh Hóa có 58/76 HS dự thi đoạt giải (1 giải nhất; 12 giải nhì; 22 giải ba; 23 giải khuyến khích), tăng 2 giải so với năm học 2020 - 2021. Tỷ lệ HS đoạt giải so với số lượng HS dự thi là 76,32%, xếp thứ 6 toàn quốc. Về HS giỏi quốc tế, Thanh Hóa là một trong số tỉnh có nhiều HS đoạt giải cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực Châu Á Thái Bình Dương đặc biệt là trong những năm gần đây. Tính từ năm 2016-2021, HS Thanh Hóa đoạt 12 huy chương Olympic quốc tế (7 HCV, 4 HCB, 1 HCĐ) và 4 huy chương Châu Á Thái Bình Dương (1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ). Năm học 2021-2022, Thanh Hóa có 1 HS tham dự Olympic Quốc tế môn Toán tại Na Uy...
Đại diện lãnh đạo Trường THPT chuyên Lam Sơn trao thưởng cho học sinh đoạt giải HSG quốc gia năm học 2020-2021.
Có thể thấy, giáo dục xứ Thanh với chuỗi thành tích được nối dài là nhờ những tấm lòng yêu nghề của những người thầy và sự nỗ lực không mệt mỏi của mỗi HS. Đó cũng là kết quả của sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; sự đồng thuận ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân và sự vận dụng sáng tạo, tìm hướng đi đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành của Ngành Giáo dục đối với các đơn vị trường. Đặc biệt, đối với Trường THPT Chuyên Lam Sơn - đơn vị chịu trách nhiệm chủ yếu trong công tác tuyển chọn, bồi dưỡng các đội tuyển của tỉnh tham gia các kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia và Olympic khu vực, quốc tế, Sở GD&ĐT luôn chỉ đạo nhà trường tập trung đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý trường học, chú trọng công tác phát hiện, ươm mầm HS tiêu biểu, xuất sắc để bồi dưỡng, phát huy tài năng của các em.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn, cho biết: “Để thực hiện mục tiêu đề ra, nhất là việc giữ vững thành tích qua các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành chức năng, hằng năm, nhà trường tập trung đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý trường học, quản lý công tác chuyên môn, coi trọng phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng HS giỏi. Cùng với đó, quan tâm thực hiện tốt cơ chế, chính sách động viên, khen thưởng, tạo môi trường giảng dạy, học tập tốt nhất để mỗi giáo viên (GV), HS phấn đấu, phát huy hết năng lực của mình trong dạy và học”.
Vẫn còn những khó khăn, hạn chế
Những kết quả đạt được đã, đang khẳng định “thương hiệu” giáo dục xứ Thanh trong hệ thống giáo dục cả nước, xứng danh với truyền thống “Đất Thanh - đất học”. Tuy nhiên, nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, chất lượng giáo dục của tỉnh những năm gần đây vẫn chưa thật sự bứt phá; vẫn còn sự chênh lệch về chất lượng giữa các vùng, miền trong tỉnh, nhất là khu vực miền núi cao, vùng còn nhiều khó khăn. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn xếp thứ hạng thấp trong toàn quốc. Trong khi đó, các địa phương khác có điều kiện tương đồng, như: Hà Tĩnh, Phú Thọ và mốt số địa phương có điều kiện khó khăn hơn, như Tuyên Quang, Lào Cai nhưng vẫn có điểm trung bình các môn trong kỳ thi tốt THPT cao hơn nhiều. Ngay cạnh Thanh Hóa, tỉnh Ninh Bình cũng luôn giữ vị trí thứ 3, thứ 4 trong toàn quốc.
Về chất lượng giáo dục mũi nhọn, tuy đạt được những kết quả đáng tự hào, song tính ổn định chưa cao. Thêm một khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng giáo dục đó là tình trạng thiếu GV và không đồng bộ về cơ cấu bộ môn. Qua rà soát thống kê của Sở GD&ĐT, năm học 2021-2022 nhu cầu đội ngũ cán bộ (CB), GV công lập theo quy định của Bộ GD&ĐT là 61.708 người. Trong khi tổng số CBGV hiện có là 52.740 người, tính ra toàn tỉnh còn thiếu 8.968 GV so với quy định của Bộ GD&ĐT. Trong đó bậc học mầm non thiếu 4.174 GV, tiểu học thiếu 3.380, THCS thiếu 1.096, THPT thiếu 318; thiếu 6.407 giáo viên theo quy định của UBND tỉnh. Năm học 2022-2023, các cấp học tăng 843 nhóm, lớp so với năm học 2021-2022. Theo đó, toàn tỉnh sẽ thiếu hơn 10.000 GV các cấp học theo quy định của Bộ GD&ĐT; thiếu 7.132 GV theo quy định của UBND tỉnh.
Toàn cảnh hội nghi sơ kết học kỳ I năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ học kỳ II.
Cùng với việc thiếu GV, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng đang là mối quan tâm của các nhà trường và toàn ngành giáo dục. Trong 2 năm (2020 và 2021), được sự quan tâm của tỉnh, ngành chức năng, toàn tỉnh đã đầu tư nâng cấp, xây mới gần 170 hạng mục giáo dục; mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với tổng kinh phí hơn 804,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường học vẫn còn khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu phòng chức năng, phòng học bộ môn, thiết bị dạy học, thiếu công trình vệ sinh, nước sạch...; tỷ lệ phòng học kiên cố toàn tỉnh mới đạt 87%...
Rất nhiều nguyên nhân được ngành minh chứng cho những hạn chế, khó khăn trên, tuy nhiên theo Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức nguyên nhân cơ bản đó là công tác quản lý Nhà nước về giáo dục còn nhiều bất cập, đặc biệt việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và số lượng người làm việc của phòng GD&ĐT chưa có sự thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh. Ngân sách Nhà nước và của tỉnh đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng đủ các điều kiện dạy và học; công tác xã hội hóa từ nguồn đóng góp của Nhân dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo chuyên môn dạy và học, có nơi chưa quan tâm đến chất lượng toàn diện, tình trạng dạy lệch, học lệch vẫn còn phổ biến ở nhiều đơn vị. Việc bố trí, sắp xếp GV, phân công công tác đối với GV ở một số địa phương còn chưa hợp lý; tại một số địa phương vẫn chưa giải quyết được tình trạng thừa GV môn cơ bản, thiếu GV môn đặc thù như Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ… ở cấp THCS. Ngoài ra, sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội chưa đồng bộ, một số địa phương, phụ huynh chưa quan tâm đúng mức đến việc học tập và bảo đảm các điều kiện học tập cho con em mình...
Từ những khó khăn, hạn chế cũng như nguyên nhân đã được nhận định, tại một số hội nghị quan trọng của tỉnh, của ngành giáo dục, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu ngành giáo dục cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại với tinh thần cầu thị, đồng thời đưa ra những giải pháp khắc phục trong năm học tới.
Chiến lược cho phát triển
Bám sát định hướng, chiến lược phát triển sự nghiệp GD&ĐT của Đảng và của tỉnh, cùng với sứ mệnh của ngành đó là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, ngành GD&ĐT tỉnh nhà nói chung, mỗi đơn vị trường nói riêng, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp mang tính chiến lược nhằm nâng cao toàn diện chất lượng GD&ĐT tỉnh nhà. Theo thầy Lê Văn Dỵ, Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương I (Quảng Xương), để nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng mũi nhọn, nhà trường đã thực thi hiệu quả các giải pháp đó là vào đầu cấp tổ chức khảo sát đánh giá chất lượng đối với HS, từ đó phân các nhóm. Đối với GV phụ trách các nhóm phải có phương pháp giảng dạy phù hợp để các em tiếp thu được nhiều kiến thức nhất; đối với HS yếu phải có phương pháp giảng dạy phù hợp để các em học đến đâu nắm chắc đến đó. Cùng với đó, nhà trường thường xuyên tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực HS trên cơ sở đó giao chỉ tiêu về chất lượng giáo dục. Sau mỗi kỳ thi kiểm tra đánh giá có khen thưởng cho GV, HS có nhiều nỗ lực trong giảng dạy và học tập, đồng thời làm rõ nguyên nhân không đạt mục tiêu, để có các giải pháp khắc phục.
Cô, trò Trường THPT Hoằng Hóa 2 (Hoằng Hóa) trong giờ học.
Tại huyện Hoằng Hóa, để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn, ngoài đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng đội ngũ CBGV, ngành giáo dục huyện đã chủ động thực thi các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong dạy và học, coi đây là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục trong mỗi nhà trường.
Thầy Đoàn Đăng Khoa, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa, cho biết: Siết chặt nền nếp, kỷ cương trường, lớp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục huyện Hoằng Hóa trong những năm qua cũng như trong thời gian tới. Việc làm này vừa nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; vừa là nền tảng để thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua do ngành và địa phương phát động, đặc biệt là phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, qua đó nâng cao chất lượng dạy và học ở các nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức, từ yêu cầu thực tiễn, ngành giáo dục tỉnh nhà đã nghiêm túc đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân, hạn chế và đưa ra những giải pháp, chiến lược phát triển trong giai đoạn mới. Trong đó đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ngành sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục; tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục; tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; tăng cường công tác chỉ đạo dạy và học; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đổi mới quản lý và dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục; huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tham mưu rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng mới các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giáo dục.
Một giờ học của cô, trò Trường THCS Điện Biên (TP Thanh Hóa).
Về việc giữ vững chất lượng giáo dục mũi nhọn, ngành xác định thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp như: Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định tuyển dụng, tiếp nhận, điều chuyển GV Trường THPT chuyên Lam Sơn. Tham mưu xây dựng kế hoạch tuyển dụng GV chất lượng cao đảm nhận công tác bồi dưỡng HS giỏi tại các trường THCS chất lượng cao, các trường THPT; xây dựng cơ chế và định hướng cho các HS đoạt giải quốc gia, quốc tế, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi tại các trường đại học sư phạm về giảng dạy tại Trường THPT chuyên Lam Sơn. Đổi mới công tác tuyển sinh vào trường THPT chuyên Lam Sơn; công tác phát hiện, bồi dưỡng HS giỏi; đổi mới kỳ thi chọn HS giỏi cấp tỉnh, kỳ thi chọn vào đội tuyển tham dự thi HS giỏi quốc gia bảo đảm đánh giá đúng năng lực HS...
Thanh Hóa là vùng đất giàu truyền thống hiếu học với nhiều năm luôn giữ vững danh hiệu lá cờ đầu trong cả nước về chất lượng giáo dục, song hiện nay thầy, trò nhiều trường học trên địa bàn vẫn gặp không ít khó khăn về điều kiện, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học; việc đầu tư cho giáo dục có lúc, có nơi còn hạn chế; thực trạng thiếu GV vẫn chưa được giải quyết... Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, để có thể thay đổi về chất, mỗi thầy, cô giáo phải vượt lên mọi khó khăn, thách thức, tâm huyết với nghề, thi đua dạy tốt. Mỗi HS cần nỗ lực phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt. Cùng với sự nỗ lực, cố gắng của ngành giáo dục, rất cần sự quan tâm, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị nhằm bước phát triển đột phá trong chất lượng giáo dục, xứng đáng với truyền thống và sự kỳ vọng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.