Nâng cao chất lượng hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP
Cùng với ngành chuyên môn và chính quyền địa phương, đơn vị tư vấn được xem là 'bạn đồng hành' giúp chủ thể hoàn thiện hồ sơ sản phẩm dự thi Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP).
Trực tiếp hỗ trợ chủ thể thực hiện và hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng OCOP từ cấp xã, huyện đến tỉnh nên đơn vị tư vấn sẽ có những ý tưởng, sáng kiến giúp chủ thể cải thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì... phù hợp với yêu cầu thị trường. Tuy nhiên, qua các đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022 cho thấy, một số đơn vị tư vấn làm hồ sơ sản phẩm còn sơ sài, nhiều thiếu sót, thậm chí là số liệu không đúng với thực tế...
Đơn cử như chanh hương muối HD của Hợp tác xã Nông nghiệp Hành Dũng (Nghĩa Hành) - thuộc nhóm sản phẩm chế biến (từ quả chanh tươi) nhưng lại không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm của ngành chức năng. Thiếu sót này được đơn vị tư vấn lý giải là do nhầm mẫu. Đối với sản phẩm rượu lứt Ấn Trà của Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT (TP.Quảng Ngãi), hồ sơ không minh chứng được nguồn gốc, xuất xứ của rượu nguyên liệu. Còn sản phẩm chả lụa, chả bò Kim Đính, xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) thì hồ sơ khẳng định là không sử dụng chất bảo quản, nhưng phiếu kiểm nghiệm các chỉ tiêu sản phẩm thì cho kết quả ngược lại, thậm chí vượt mức giới hạn cho phép. Đối với những sản phẩm thuộc nhóm nông sản, thực phẩm chế biến, theo quy định hồ sơ phải có phiếu kiểm nghiệm một số chỉ tiêu hóa lý, vi sinh, vi nấm… Nhưng vì đơn vị tư vấn không tìm hiểu kỹ, dẫn đến tình trạng “thiếu chỉ tiêu cần, thừa chỉ tiêu không cần”.
Ngoài ra, Tổ giúp việc của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh phát hiện nhiều hồ sơ còn sơ sài, hoặc lấy "râu ông nọ cắm cằm bà kia", hay cùng một đơn vị tư vấn thì hồ sơ sản phẩm na ná nhau, dù nhóm sản phẩm khác nhau. Điều này không chỉ khiến chủ thể tốn thời gian làm lại hồ sơ, mà còn gây thiệt hại vì một số sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nhưng vì hồ sơ không đảm bảo nên điểm số thấp, thậm chí không đạt.
Thực tế cho thấy, hầu hết chủ thể đều “khoán trắng” cho đơn vị tư vấn thực hiện và hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm OCOP. Tư vấn giúp chủ thể hoàn thiện hồ sơ cũng như chất lượng sản phẩm OCOP là cần thiết. Nhưng với những đơn vị tư vấn không có năng lực, yếu chuyên môn, thiếu trách nhiệm thì chính quyền địa phương và ngành chuyên môn cần kiên quyết không để thực hiện. Cơ quan chức năng ở các địa phương nâng cao trách nhiệm trong quá trình thẩm định, đánh giá sản phẩm OCOP ở tuyến huyện, thị xã, thành phố; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chuyên môn hỗ trợ chủ thể thực hiện và hoàn thiện hồ sơ sản phẩm, hạn chế những sai sót không đáng có.