Nâng cao chất lượng nghiên cứu của Việt Nam theo hướng hội nhập quốc tế
Quỹ NAFOSTED góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu của Việt Nam theo hướng hội nhập quốc tế.
Năm 2003, Chính phủ thành lập Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia (NAFOSTED), giao cho Bộ KH-CN quản lý và điều hành. Định hướng tài trợ nghiên cứu KH-CN của Quỹ theo hướng hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu KH-CN trình độ cao, gia tăng chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu KH-CN với một cơ chế tài chính phù hợp trong động nghiên cứu KH-CN.
Sau khi đi vào triển khai hoạt động từ năm 2008, hoạt động tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu của Quỹ được cộng đồng khoa học tiếp nhận và tham gia tích cực.
Theo Bộ KH-CN, về đánh giá và tài trợ nghiên cứu, NAFOSTED áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Trong đó, định rõ yêu cầu đầu vào, đầu ra đối với từng loại hình nghiên cứu KH-CN; đánh giá xét chọn, nghiệm thu thông qua Hội đồng khoa học có trình độ và uy tín học thuật cao, có nhận xét của chuyên gia phản biện quốc tế độc lập; xét chọn có tính cạnh tranh cao…
Giai đoạn 2008 – 2014 là thời kỳ hình thành, mở rộng chương trình tài trợ, hỗ trợ. Theo đó, năm 2009, Quỹ bắt đầu nhận hồ sơ tài trợ trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và kỹ thuật, ký hợp tác song phương với Quỹ Nghiên cứu vùng Flanders của Bỉ, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Năm 2010, Quỹ tiếp tục hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động KH-CN theo Nghị định số 119/NĐ-CP…
Trong giai đoạn 2008 - 2014, Quỹ phát triển KH-CN quốc gia triển khai tương đối đầy đủ các chương trình tài trợ, hỗ trợ. Số lượng đề tài Quỹ tài trợ giai đoạn này trung bình 300 đề tài/năm, số lượng công bố quốc tế tăng trung bình 20%/năm, đưa Việt Nam xuất hiện và tăng thứ hạng trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII theo từng năm.
Giai đoạn 2015 – 2019 là khoảng thời gian hoàn thiện, nâng cao chất lượng tài trợ, hỗ trợ.
Với kinh phí tài trợ, hỗ trợ khoảng 2% tổng chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho KH-CN, NAFOSTED tài trợ, hỗ trợ thực hiện khoảng 300 - 400 đề tài nghiên cứu cơ bản, 30 - 50 đề tài nghiên cứu hướng ứng dụng, 100 - 200 hoạt động nâng cao năng lực KH-CN quốc gia.
Từ nguồn tài trợ này, mỗi năm có khoảng 1.500 - 2.000 nhà khoa học ở 200 – 300 trường đại học, viện nghiên cứu được tạo điều kiện thực hiện các nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật với nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Hoạt động tài trợ, hỗ trợ của Quỹ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu của Việt Nam theo hướng hội nhập quốc tế, từ đó thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu KH-CN trình độ cao. Số lượng các nhà khoa học trẻ được giao đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia và tương đương… đang ngày càng gia tăng.
Bộ KH-CN cho biết giai đoạn 2019 đến nay là thời kỳ Quỹ thích ứng và vững vàng. Quỹ tiếp tục là cơ quan thường trực tổ chức Giải thưởng Tạ Quang Bửu, tiên phong ở Việt Nam ban hành quy định về liêm chính nghiên cứu; ký kết và triển khai hợp tác với Quỹ khoa học quốc gia Thụy Sỹ (SNSF)…
Bộ KH-CN nhận thấy để đảm bảo vận hành NAFOSTED đúng theo mô hình thiết kế ban đầu là một cơ quan tài trợ nghiên cứu, với phương thức đánh giá khoa học và quản lý theo thông lệ quốc tế, nhằm từng bước gia tăng các nghiên cứu xuất sắc, đột phá tại Việt Nam thì cần đảm bảo một cơ chế tài chính đặc thù, phù hợp với hoạt động nghiên cứu KH-CN
Đại diện Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia cho biết đơn vị sẽ tiếp tục phấn đấu để thực sự trở thành địa chỉ tin cậy của các nhà khoa học, là cơ quan sử dụng nguồn lực tài chính, đầu tư có hiệu quả cho các hoạt động nghiên cứu trong KH-CN.