Nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông thôn
Qua hơn 10 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) góp phần tích cực nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông thôn. Từ đó, tạo việc làm, tăng thu nhập cho LĐNT, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế; nâng tỷ lệ qua đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Nâng cao chất lượng nhân lực khu
90% lao động có việc làm
Bà Trần Thị Thanh Nhàn – Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian qua, sở luôn xác định đào tạo nghề cho LĐNT là một trong những “mắt xích” quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Chính vì vậy, để công tác đào tạo nghề cho LĐNT phát huy hiệu quả, Ban Chỉ đạo đề án của các huyện đã tiến hành khảo sát, nắm bắt nguyện vọng của đông đảo người lao động trên địa bàn, dự báo tình hình việc làm và thu nhập của học viên sau khi học nghề, từ đó mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng địa phương và nhu cầu của người học. Cùng với đó, công tác đào tạo nghề kết hợp với tư vấn giới thiệu việc làm được thực hiện thường xuyên; tỷ lệ người lao động có việc làm sau khi học nghề chiếm tỷ lệ khá cao...
Từ khi đề án được triển khai, sở đã đúc kết và nhân rộng các mô hình dạy nghề, giải quyết việc làm có hiệu quả cao. Số lượng học viên tham gia học nghề đạt cao, tỷ lệ lao động có việc làm sau khi hoàn thành khóa học đạt trên 90%, số còn lại tự tạo việc làm cho bản thân, đem lại thu nhập ổn định hàng tháng. Đặc biệt từ năm 2018 đến nay, công tác gắn kết đào tạo nghề cho LĐNT theo chỉ tiêu ưu tiên cho các xã về đích nông thôn mới nhằm đạt tiểu tiêu chí 14.3 (tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt trên 40%).
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo nghề được quan tâm đầu tư nhiều hơn. Công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động địa phương hàng năm được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Nhờ đó, kịp thời nắm bắt thông tin về thị trường lao động, làm cơ sở tổ chức các lớp đào tạo nghề sát hợp với thực tế của từng địa phương; góp phần tích cực đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thị trường lao động của tỉnh, từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động; bước đầu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Phấn đấu đào tạo 30.000 LĐNT
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT. Trong đó phấn đấu đào tạo nghề cho LĐNT 30.000 người góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức đạt từ 70 - 75% và đến năm 2030 đạt từ 75 - 80%. Để đạt mục tiêu đề ra, sở sẽ phối hợp tổ chức khảo sát, đào tạo nghề đúng nhu cầu và đối tượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế địa phương. Đồng thời, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động, chú ý đối với lao động nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng bãi ngang ven biển, thanh niên, bộ đội xuất ngũ, học sinh tốt nghiệp THCS và THPT.
Mặt khác, mở rộng hình thức đào tạo nghề theo hợp đồng đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn kết giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động sau khi tốt nghiệp khóa học nghề. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nghề theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở đào tạo nghề. Thu hút các tổ chức xã hội, cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, công nhân có tay nghề cao, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tham gia đào tạo nghề.
Ngoài ra, cần chú trọng giải quyết việc làm cho nông dân, thu hút lao động làm việc tại chỗ, tạo thêm nhiều việc làm mới ổn định gắn với xây dựng nông thôn mới và nâng cao hiệu quả công tác xuất khẩu lao động. Tăng cường cho vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn vốn thu hồi đối với những dự án tạo nhiều chỗ làm việc, thu nhập ổn định phù hợp với lợi thế, yêu cầu phát triển kinh tế của từng địa phương góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn phát triển nhanh và bền vững.