Nâng cao chất lượng nông sản phục vụ xuất khẩu
Những năm gần đây, nông sản là mặt hàng chiến lược, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của tỉnh. Quy mô xuất khẩu các sản phẩm nông sản ngày càng được mở rộng với nhiều thị trường đòi hỏi chất lượng cao như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Để nông sản tỉnh tiếp tục mở rộng thị trường, gia tăng giá trị xuất khẩu thì việc kiểm soát, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm là giải pháp thiết yếu, lâu dài.
Kỳ vọng xuất khẩu nông sản
Chắc hẳn nhiều người chưa quên khoảng thời gian nhiều tỉnh, thành trong cả nước phải "giải cứu” nông sản, khi dịch Covid-19 bùng phát hơn 2 năm về trước. Ảnh hưởng của đại dịch khiến nông dân và các HTX, doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do nông sản tiêu thụ chậm, giá bán giảm. Chủ động, linh hoạt, vào cuộc kịp thời, ngành NN&PTNT tỉnh cũng như các tổ chức, đơn vị, địa phương đã nhanh chóng hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản nhằm hạn chế tối đa tổn thất về kinh tế. Từ các giải pháp giúp đỡ nông dân hiệu quả, nắm bắt thời cơ, ngành NN&PTNT đã biến thách thức thành cơ hội, nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại để các mặt hàng nông sản không chỉ tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa mà liên tiếp có những đơn đặt hàng từ các đối tác nước ngoài.
Sản phẩm măng Kim Bôi của Công ty CP Kim Bôi (thị trấn Ba Hàng Đồi - Lạc Thủy) vừa lọt vào top 20 hàng Việt tốt vì quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp phát triển vững mạnh, thương hiệu vàng Việt Nam, sản phẩm dịch vụ chất lượng vàng vì quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Với các sản phẩm được sơ chế, chế biến từ măng, thị trường tiêu thụ của công ty không chỉ ở khắp các siêu thị, sàn thương mại điện tử các tỉnh, thành phố mà còn xuất khẩu tới một số nước trên thế giới. Trong đó, sản phẩm đặc trưng là măng Kim Bôi và phở khô Kim Bôi đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh, xuất khẩu đi các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Đức, Anh và một số nước đông Âu.
Ông Ngô Đức Sinh, Tổng Giám đốc Công ty CP Kim Bôi cho biết: Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến làm ăn lớn. Là một doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, công ty luôn nỗ lực để có thể cạnh tranh, đưa các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh, của Việt Nam đi khắp thế giới. Sau khi đại dịch Covid-19 đi qua, tính đến hết năm 2022, công ty tiếp tục xuất khẩu 11 chuyến hàng, với tổng giá trị sản phẩm xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp trên 13,2 tỷ đồng. Năm nay, công ty tập trung tăng giá trị từ xuất khẩu sản phẩm trực tiếp và không ngừng đổi mới, đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Lô sản phẩm măng củ thái chữ nhật đóng lon được xuất khẩu sang thị trường Hà Lan trong tháng 3 vừa qua là một ví dụ. Đây là sản phẩm mới của công ty có tính đột phá, bao bì được thay thế bằng kim loại. Với lon thiếc có tổng trọng lượng 3kg, măng ngâm bên trong sẽ đảm bảo độ kín nên bảo quản được lâu hơn.
Thời gian qua, trên cơ sở các quyết định, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, huyện, thành phố căn cứ nhiệm vụ được giao đã đưa ra các giải pháp để tổ chức thực hiện. Trong đó tập trung vào sản xuất an toàn, hình thành vùng sản xuất hàng hóa; hỗ trợ chứng nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; đẩy mạnh cấp, giám sát mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở đóng gói. Kết nối giữa doanh nghiệp sơ chế, chế biến với các vùng sản xuất tập trung; quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tỉnh cũng ban hành các văn bản về cơ chế, chính sách hỗ trợ người sản xuất, doanh nghiệp, HTX thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Công tác xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản cũng được quan tâm thực hiện.
Dưới sự chỉ đạo của tỉnh; nỗ lực hỗ trợ sản xuất từ các cơ quan chuyên môn và địa phương; sự chủ động của doanh nghiệp, HTX và sự cần cù, sáng tạo của người sản xuất, một số sản phẩm chủ lực đã được xuất khẩu, từ đó nâng cao thương hiệu và giá trị nông, lâm sản của tỉnh. Với mục tiêu tăng 10% so với năm 2021, năm 2022 đã có 14 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác có sản phẩm nông sản xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, EU, Hà Lan, Đức... (tăng 75% về số cơ sở so với năm 2021). Đặc biệt, từ việc cấp 21 MSVT cho tổng diện tích canh tác 168,7 ha và sự nỗ lực của các cấp, các ngành đã mở ra cơ hội xuất khẩu nông sản của tỉnh sang những thị trường lớn. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh xuất khẩu 1.039 tấn sản phẩm trồng trọt, gồm chuối, nhãn, bưởi, mía; xuất khẩu 975 tấn sản phẩm đã qua chế biến là măng, gừng... và 35 triệu lon sản phẩm chế biến từ các loại hạt, với tổng giá trị hàng hóa ước đạt 518,65 tỷ đồng, tăng 103,92% so với năm 2021.
Đến nay, toàn tỉnh có 147 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản được hỗ trợ chứng nhận VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ. Tại các địa phương dần hình thành vùng sản xuất hàng hóa, chuỗi liên kết và tiêu thụ phục vụ công nghiệp chế biến theo hướng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, các tiêu chuẩn về ATTP như: Chuỗi cam các loại của HTX nông trại xanh Gfarm Việt Nam (Lạc Thủy); chuỗi rau an toàn của HTX nông nghiệp hữu cơ Thành An (Lương Sơn); chuỗi chế biến măng các loại của Công ty CP Kim Bôi...
Số doanh nghiệp, HTX có sản phẩm nông, lâm sản xuất khẩu tăng mạnh trong năm 2022. Đây là tiền đề cho việc xuất khẩu trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy một số nông sản tươi xuất khẩu còn khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.
Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản
Liên tiếp trong thời gian gần đây, các mặt hàng nông sản của tỉnh với quy trình sản xuất ngày càng nâng lên đã dần đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, đa số mặt hàng được xuất khẩu ở dạng tươi, số sản phẩm xuất khẩu đã qua sơ chế, chế biến chưa nhiều. Nguyên nhân là do một số vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh được hình thành nhưng chưa tổ chức bài bản, hạ tầng sản xuất chưa đáp ứng những yêu cầu xuất khẩu. Việc xây dựng MSVT cũng mới được quan tâm vài năm trở lại đây. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ nên khó áp dụng công nghệ cao và kiểm soát an toàn thực phẩm. Tính cạnh tranh của nông sản, hiệu quả sản xuất chưa cao... dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều.
8 năm sau khi được cấp bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, sản phẩm cam Cao Phong đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng, chinh phục thị trường trong nước và vừa hoàn thành đơn hàng xuất khẩu đầu tiên đầu năm 2023. Cam Cao Phong được xuất khẩu là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để chinh phục được các thị trường cao cấp như châu Âu thì cần có chiến lược lâu dài, bài bản và đảm bảo hiệu quả.
Đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Sau khi chuyến cam Cao Phong đầu tiên được xuất sang thị trường Anh, một số hạn chế cũng đã bộc lộ. Đó là thời gian vận chuyển khá dài tới gần 2 tháng nên khoảng 30% quả bị xước hoặc dập, không giữ được chất lượng như ban đầu. Một điểm đáng chú ý nữa đó là trong các vườn trồng cam trên địa bàn huyện, kích cỡ quả chưa được đồng đều nên số lượng cam đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu có thể chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ tại một số thị trường trong thời gian tới.
Không chỉ riêng cam Cao Phong mà một số nông sản như bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi diễn Yên Thủy, nhãn Sơn Thủy... cũng chung tình trạng trên. Các đơn vị xuất khẩu và các ngành chuyên môn đã phải lựa chọn kỹ từng quả tại từng vườn trồng trong vùng sản xuất mới có thể đảm bảo đủ số lượng theo đơn đặt hàng. Để chinh phục được các thị trường khó tính nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng như tăng giá trị và hiệu quả sản xuất cho các sản phẩm nông sản của tỉnh, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy đề ra phương châm phát triển kinh tế nhanh, bền vững; xanh, xanh hơn và xanh hơn nữa. Cùng với nhiều giải pháp đã, đang được các cấp, ngành, địa phương thực hiện, để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, ngay từ những tháng đầu năm 2023, ngành NN&PTNT tỉnh tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng các cơ sở, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo về an toàn thực phẩm, đáp ứng được những yêu cầu của đối tác mua hàng; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; tăng cường thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu giám sát, hậu kiểm tại các vùng sản xuất, vùng nguyên liệu, sơ chế, chế biến, bảo quản và lưu thông nhằm kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ thương hiệu nông sản...
Vừa qua, sản phẩm mía ăn tươi đã được Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân (thành phố Hòa Bình) phối hợp với đối tác xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT nhận định: Ở những chuyến hàng nông sản xuất khẩu trong thời gian gần đây, nhờ có thông tin về sản phẩm được xuất khẩu trên các phương tiện thông tin truyền thông, nên giá sản phẩm giữ được ổn định và tăng lên, làm gia tăng giá trị sản xuất. Dù vậy, về lâu dài, các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh cần khuyến khích, định hướng người dân, các cơ sở sản xuất nhận thức rõ hơn việc tổ chức sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường và bảo đảm các quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP, sản xuất an toàn để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông sản. Đối với ngành NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung rà soát, bổ sung và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cấp MSVT, mã số vùng nuôi trồng thủy sản, mã số cơ sở đóng gói. Tăng cường các giải pháp kỹ thuật thâm canh để giảm chi phí, nhất là ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản. Tăng cường hoạt động hợp tác, thu hút đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Thu Hằng
NHÓM Ý KIẾN
* Củng cố, thay đổi sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng là cơ sở, nền tảng để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản
Nguyễn Hữu Tài
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh
Việc các tiêu chuẩn chất lượng, hàng rào về kỹ thuật ngày một nhiều lên vừa để bảo vệ người tiêu dùng, vừa thúc đẩy chất lượng nông sản ngày càng hoàn thiện hơn, đặc biệt là tiêu chuẩn tại thị trường các nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... Với một số đối tác quen thuộc đang tiêu thụ nông sản của tỉnh, họ luôn yêu cầu chất lượng, quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm phải đảm bảo tốt nhất để giá trị dinh dưỡng được giữ nguyên vẹn, sản phẩm cũng được bảo quản tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng. Do vậy, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, HTX cần nâng cao năng lực, nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường, chuyển đổi tư duy từ số lượng sang chất lượng; thiết lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng toàn bộ chuỗi cung ứng; đầu tư thiết bị và nghiên cứu sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu; đào tạo cán bộ kỹ thuật có kỹ năng quản lý và giám sát về an toàn thực phẩm cho quá trình sản xuất và chế biến...
* Cần sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước và ngành nông nghiệp để tạo liên kết "bốn nhà" vững chắc, hiệu quả
Nguyễn Lê Điệp
Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân (thành phố Hòa Bình)
Để góp phần giúp nông sản của tỉnh ngày càng mở rộng được thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân cũng như các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn mong muốn các cấp, các ngành, nhất là ngành NN&PTNT quan tâm, tăng cường liên kết, thúc đẩy hợp tác giữa nông dân với nông dân, nông dân với nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý để phát triển sản xuất quy mô lớn, bảo đảm chất lượng nông sản ổn định, đánh giá tốt các vùng nguyên liệu, đồng hành cùng người sản xuất để nông sản có chất lượng ngày càng đi lên, đáp ứng được những yêu cầu đảm bảo theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong đó, tập trung vào việc giúp nông dân, hộ sản xuất, HTX làm quen tác phong sản xuất công nghiệp, tiếp cận với các thành tựu khoa học tiên tiến trong chăn nuôi, trồng trọt để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân. Tạo điều kiện để nông dân gắn bó với địa phương, đi lên làm giàu từ chính sản xuất nông nghiệp...