Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở Thanh Sơn, Phú Thọ

Huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã có cách làm phù hợp để nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Trường MN Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn.

Trường MN Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Thanh Sơn là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ với 32 dân tộc sinh sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm hơn 61%, chủ yếu là dân tộc Mường, Dao. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, nhất là cho con em đồng bào dân tộc thiểu số được chính quyền địa phương và ngành giáo dục nơi đây đặc biệt quan tâm.

Huyện hiện có 78 trường các cấp. Trong đó, có 26 Trường mầm non, 27 Trường Tiểu học, 25 Trường trung học cơ sở; 3 Trường trung học phổ thông; 1 Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và 1 Trường trung cấp nghề Dân tộc Nội trú Phú Thọ.

Ông Phan Trọng Đức, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Những năm qua công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh, Sở GD&ĐT, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện. Đồng thời, nhận thức của người dân trong huyện về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cũng từng bước được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động học sinh đến lớp, đến trường. Cơ sở vật chất từng bước được đầu tư, đáp ứng nhu cầu học tập của toàn xã hội…

Tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 đến 60 trên địa bàn huyện biết chữ, hiện đạt 100%; 23/23 xã, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt tỷ lệ 100%.

Huyện Thanh Sơn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học xóa mù chữ năm 1993, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2002; chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2003, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi năm 2012 là cơ sở vững chắc để duy trì, củng cố kết quả phổ cập giáo dục xóa mù chữ những năm tiếp theo.

Để có được kết quả đó, ngành giáo dục huyện đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể như: Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tới nhân dân, vận động học sinh đến lớp, đến trường.

Gắn vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể với thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục. Chăm lo đời sống cán bộ giáo viên, huy động sự đóng góp của toàn xã hội trong xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp học.

Phát huy vai trò Hội Khuyến học và các tổ chức đoàn thể trong công tác xóa mù chữ; Làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ sở giáo dục với các trung tâm GDTX, trung tâm học tập cộng đồng.

Tham mưu với chính quyền các cấp, hàng năm dành kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ, giúp các địa phương giảm tỷ lệ tái mù chữ ở người lớn. Tăng cường xã hội hóa huy động các nguồn lực đóng góp công sức, vật chất để cải thiện việc dạy học và giúp đỡ những đối tượng khó khăn, thực hiện việc xóa mù chữ.

Hội Chữ thập đỏ huyện Thanh Sơn trao sữa và quần áo đồng phục cho các em học sinh ở Bán trú trường TH - THCS Thượng Cửu. Ảnh: Khắc Thùy

Hội Chữ thập đỏ huyện Thanh Sơn trao sữa và quần áo đồng phục cho các em học sinh ở Bán trú trường TH - THCS Thượng Cửu. Ảnh: Khắc Thùy

Củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn

Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của huyện Thanh Sơn vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Theo ông Phan Trọng Đức, với đặc thù là huyện miền núi, điều kiện kinh tế xã hội của Thanh Sơn còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của huyện còn cao, việc đầu tư phát triển giáo dục đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục trong thời kỳ mới.

Mặc dù, chất lượng giáo dục toàn diện đã có nhiều chuyển biến tích cực song vẫn còn khoảng cách giữa các địa phương. Trình độ dân trí chưa đồng đều cũng đã ảnh hưởng đến việc củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Về tổng quan, huyện Thanh Sơn đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức về ý nghĩa, mục tiêu và tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Các cơ sở giáo dục đã có nhiều cố gắng trong công tác tham mưu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, kinh phí, công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường; tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ và yêu cầu.

Cùng với đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phụ trách công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tích cực, nắm vững quy trình, cập nhật hồ sơ, huy động trẻ trong độ tuổi đến trường đảm bảo chất lượng, hiệu quả vững chắc.

Thực hiện tốt việc điều tra, khảo sát, thống kê đầy đủ số người biết chữ, người chưa biết chữ trong độ tuổi từ 15 – 35 và từ 15 – 60; nâng cao chất lượng thực hiện giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ…

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Thanh Sơn tiếp tục tăng cường tuyên truyền về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy; nâng cấp và bổ sung trang thiết bị dạy học; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cả về số lượng và chất lượng.

Tiếp tục quy hoạch thực hiện chương trình kiên cố hóa phát triển mạng lưới trường lớp, củng cố tăng cường cơ sở vật chất cho các trường... góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn.

Long Anh - Minh Sơn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nang-cao-chat-luong-pho-cap-giao-duc-xoa-mu-chu-o-thanh-son-phu-tho-post664467.html