Nâng cao chất lượng thị trường lao động
Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.
Ưu tiên lao động chất lượng cao
Để thực hiện được khát vọng này, Việt Nam rất cần lực lượng lao động - yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất có chất lượng cao, trong đó kỹ năng, tư duy, năng lực phát minh, sáng chế, sáng tạo là tố chất đặc biệt quan trọng quyết định.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và đang tăng cường tuyển dụng lao động được đào tạo bài bản và có kỹ năng, kinh nghiệm. Chỉ tính riêng tại Hà Nội tháng 3 vừa qua, trong hơn 2.600 vị trí cần tuyển dụng có đến 37,7% nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng - đại học trở lên; 35,4% có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp - công nhân kỹ thuật. Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hà Nội thông tin, thị trường lao động Hà Nội hiện chủ yếu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao, người lao động có kinh nghiệm, chuyên môn hoặc lao động đã qua đào tạo có tay nghề. Các chỉ tiêu có mức thu nhập cao từ 15 triệu đồng/tháng trở lên chiếm tỉ lệ 17,6% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng, áp dụng đối với lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao.
Theo số liệu từ Cục Thống kê, năm 2024, Việt Nam hiện có hơn 53 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm khoảng 53% dân số. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2024, có khoảng 71,6% trong số này – tức là khoảng 38 triệu người – chưa qua đào tạo kỹ năng phù hợp với yêu cầu công việc hiện đại. Con số này giảm nhẹ so với mức 77% cách đây 5 năm, nhưng vẫn là một thách thức lớn khi so sánh với các nước trong khu vực như Thái Lan (60%) hay Malaysia (55%).
Trong khi đó, một số người trong độ tuổi lao động được đào tạo bài bản chưa thể tham gia vào thị trường vì chưa có kinh nghiệm và kỹ năng thực tế. Chị Nguyễn Thị Mai Anh (28 tuổi, TP. Hà Nội) tốt nghiệp loại giỏi ngành quản trị kinh doanh và kỳ vọng sớm có được công việc phù hợp tại một tập đoàn lớn. Nhưng thực tế, hơn 6 tháng kiên trì nộp hồ sơ, chị vẫn chưa tìm được vị trí phù hợp. Các công ty lớn đòi hỏi kinh nghiệm thực tế, trong khi doanh nghiệp nhỏ lại không đáp ứng kỳ vọng về lương và phúc lợi. Khi áp lực tài chính ngày càng lớn, Mai Anh buộc phải tạm gác mong muốn ban đầu, chấp nhận làm một công việc khác để duy trì cuộc sống.

Tăng cường gắn kết trong đào tạo
Để giải quyết những điểm bất cập trên, ông Đặng Nguyên Mạnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Thái Bình cho biết, nhà trường đã tăng cường đào tạo theo mô hình “học đi đôi với hành, giảm lý thuyết hàn lâm, tăng thực hành”. Xây dựng chương trình đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp, giúp học sinh, sinh viên có kỹ năng sát với thực tế. Hợp tác với doanh nghiệp để tổ chức thực tập, đào tạo tại chỗ, tuyển dụng trực tiếp.
PGS.TS Nguyễn Tiến Đông, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ phân tích, hiện nay, nhiều doanh nghiệp FDI lớn rất tích cực trong công tác đào tạo nhân lực. Ví dụ, Foxconn đã đầu tư hơn 1 triệu USD vào đào tạo lao động tại Bắc Ninh từ năm 2020. Ngược lại, 97% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, không đủ nguồn lực để hợp tác đào tạo.
“Nếu cơ chế gắn kết doanh nghiệp được xây dựng rõ ràng, tôi tin rằng trong 5 - 10 năm, Việt Nam có thể đạt mức 50% lao động chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trong khu vực”, ông Đông khẳng định.
TS. Lâm Thị Kho, Học viện Chính trị khu vực IV (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cũng khẳng định, cần nâng cấp các cơ sở giáo dục - đào tạo, đẩy mạnh liên kết vùng trong thực hiện phát triển nguồn nhân lực. Việc tăng cường các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề… ở các vùng như hiện nay đã tạo điều kiện để học sinh, sinh viên ở các vùng nông thôn không phải di chuyển lên các thành phố lớn theo học, giúp giảm chi phí cho gia đình và tạo thuận lợi, khuyến khích các gia đình cho con em đi học ở những cấp học hơn. Các vùng cần đẩy mạnh hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, kiểm định chất lượng của các cơ sở giáo dục, tiến tới liên kết vùng trong thực hiện chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời, đẩy mạnh công tác định hướng phát triển nghề nghiệp và phân luồng lao động phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nang-cao-chat-luong-thi-truong-lao-dong-162475.html